Chứng khoán châu Á bị ảnh hưởng với dự báo lợi nhuận doanh nghiệp thấp nhất 12 năm

Chứng khoán châu Á bị ảnh hưởng với dự báo lợi nhuận doanh nghiệp thấp nhất 12 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ước tính của các nhà phân tích về lợi nhuận doanh nghiệp của châu Á đã giảm xuống mức thấp hơn một thập kỷ và tiếp tục sụt giảm khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.

EPS doanh nghiệp châu Á sụt giảm mạnh

Sau khi tăng vọt trở lại lên mức trước đại dịch với kỳ vọng tác động tích cực từ vắc xin, dự báo EPS trong 12 tháng tới cho các công ty thuộc chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu giảm vào giữa tháng 9/2021, trong đó các quốc gia như Úc, Hàn Quốc và một số quốc gia khu vực Đông Nam Á như Malaysia dẫn đầu bởi sự sụt giảm của EPS theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Trong đó, EPS kỳ vọng của các doanh nghiệp thuộc chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ở mức thấp nhất trong khoảng gần 12 năm so với thế giới.

Tỷ lệ EPS kỳ vọng của chỉ số MSCI Asia Pacific và chỉ số MSCI AC World cho thấy xu hướng EPS của khu vực châu Á Thái Bình Dương có xu hướng sụt giảm so với các thị trường khác trên thế giới và dự báo ở mức thấp nhất kể từ năm 2009

Tỷ lệ EPS kỳ vọng của chỉ số MSCI Asia Pacific và chỉ số MSCI AC World cho thấy xu hướng EPS của khu vực châu Á Thái Bình Dương có xu hướng sụt giảm so với các thị trường khác trên thế giới và dự báo ở mức thấp nhất kể từ năm 2009

Các doanh nghiệp và giá cổ phiếu trong khu vực đã bị ảnh hưởng do các nền kinh tế đóng cửa lâu hơn so với phương Tây. Việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid và các chính sách kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân cũng đã ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng cộng thêm nỗi lo về thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát do thiếu hụt năng lượng, các nhà phân tích dự báo, EPS sẽ giảm thêm trước khi tăng trở lại vào năm tới.

Các chiến lược gia của Goldman Sachs đã viết trong một báo cáo hôm 20/10: “Một số chỉ số cho thấy chu kỳ giảm lợi nhuận đang xuất hiện”.

Tim Moe, Giám đốc chiến lược cổ phần khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman cho biết hôm 25/10 rằng: “Có những áp lực đối với sự suy giảm đối với lợi nhuận ở Trung Quốc, bao gồm cả những thách thức đối với lĩnh vực bất động sản”.

Bình luận của ông được đưa ra khi Bắc Kinh có kế hoạch đưa ra các thử nghiệm cải cách thuế tài sản ở một số khu vực.

Yếu tố Trung Quốc

Mối quan tâm chính đối với các nhà đầu tư châu Á là sự kìm hãm quy định của Trung Quốc và các biện pháp hạn chế lĩnh vực bất động sản vẫn chưa được đưa vào ước tính các ảnh hưởng đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Sean Taylor, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại DWS cho biết: “Trung Quốc sẽ duy trì tình trạng đóng cửa đặc biệt ở các tỉnh cho đến Thế vận hội và điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng”.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hầu như không thay đổi nhiều trong năm nay so với mức tăng ít nhất 18% đối với các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm khoảng 5% trong năm nay.

Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận tại các nhà sản xuất chip lớn của Hàn Quốc như SK Hynix và Samsung Electronics dự kiến ​​sẽ chậm lại do giá chip nhớ có vẻ đang đạt đỉnh và điều này có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Thị trường chứng khoán khu vực châu Á giao dịch ở mức định giá thấp, nhất là các thị trường Đông Nam Á sụt giảm mạnh thời gian vừa qua, sẽ thu hút một số nhà đầu tư rót vốn, qua đó được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh từ việc nới lỏng hạn chế di chuyển trong nền kinh tế gần đây.

DWS đặt kỳ vọng vào cổ phiếu Nhật Bản sau khi quốc gia này ban bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và tiềm năng thực hiện các gói kích thích tài khoá lớn, trong khi thị trường các cổ phiếu công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong số các lựa chọn hàng đầu của Goldman Sachs, Invesco và Pictet Asset Management.

Tuy nhiên, để triển vọng lợi nhuận của châu Á được cải thiện, mọi thứ cần phải cải thiện ở thị trường lớn nhất khu vực là Trung Quốc.

Sự kết hợp giữa lạm phát nguyên liệu thô và chi tiêu tiêu dùng yếu đã khiến quý III vừa qua trở thành một thời điểm khó khăn của các công ty lớn nhất của Trung Quốc, trong đó các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp và sản xuất điện có nguy cơ sụt giảm lợi nhuận tồi tệ nhất.

"Trong khi ước tính thu nhập bi quan có thể dẫn đến những bất ngờ tích cực cho châu Á, chúng ta có thể vẫn chưa vượt qua giai đoạn lạm phát tăng nóng đặc biệt là khi áp lực của chuỗi cung ứng như những tắc nghẽn trong sản xuất và vận chuyển ít có dấu hiệu giảm bớt”, Marcella Chow, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết.

Tin bài liên quan