Chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Tư, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ giúp S&P 500 lên mức cao nhất 3 tuần.
Giới đầu tư vẫn tin tưởng vào khả năng Fed không thăng lãi suất trong năm nay sau dữ liệu việc làm và cán cân thương mại thất vọng vừa được công bố sau khi đã hoãn tăng lãi suất trong tháng 9 do tình hình kinh tế toàn cầu yếu và thị trường thế giới bất ổn.
Bên cạnh đó, giới đầu tư sẽ hướng tới biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố vào thứ Năm. Sau đó là các bài phát biểu của Chủ tịch Fed các bang St. Louis, San Francisco, Minneapolis.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones tăng 122,1 điểm (+0,73%), lên 16.912,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,91 điểm (+0,8%), lên 1.995,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,79 điểm (+0,9%), lên 4.791,15 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường đều mở cửa với sắc xanh đậm và duy trì đà tăng mạnh khá tốt trong suốt phiên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu khai mỏ và năng lượng. Tuy nhiên, vào cuối nhóm cổ phiếu hàng không giảm mạnh sau khi Credit Suisse cắt giảm đánh giá khiến chứng khoán khu vực này đảo chiều và chỉ nhờ sự may mắn mới có được phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,19 điểm (+0,16%), lên 6.336,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,57 điểm (+0,68%), lên 9.970,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,7 điểm (+0,14%), lên 4.667,34 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Hồng Kông bật dậy mạnh mẽ sau phiên điều chỉnh trước đó nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính, trong khi chứng khoán Nhật Bản cũng có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp trong phiên thứ Tư khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ giữ chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách hôm thứ Tư và nhà đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ nới rộng hơn chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào ngày 30/10.
Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 136,88 điểm (+0,75%), lên 18.322,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 684,14 điểm (+3,13%), lên 22.515,76 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ lễ Quốc khánh.
Trên thị trường vàng, sau phiên tăng mạnh hôm thứ Tư do đồng USD giảm và giá dầu thô tăng, giá vàng đã giằng co quanh ngưỡng 1.150 USD/ounce trong phiên thứ Tư trước khi đóng cửa giảm nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng của giá vàng trong tuần này vẫn được đánh giá tích cực nhờ các yếu tố bên ngoài như sự phục hồi của giá các hàng hóa nguyên liệu và giá dầu thô.
Bên cạnh đó, báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới hôm thứ Tư cho thấy, các ngân hàng trung ương tăng 47 tấn vàng dự trữ trong tháng 8 sau khi đã tăng thêm 62 tấn trong tháng 7. Nga và Trung Quốc là 2 ngân hàng mua lớn nhất.
Thị trường vàng thế giới những ngày qua khá yên tĩnh do thị trường Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày.
Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,16%), xuống 1.145,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,3 USD (+0,2%), lên 1.148,7 USD/ounce.
Giá dầu điều chỉnh kỹ thuật trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên tăng vọt hơn 5% trong phiên trước đó. Tuy nhiên, nhanh chóng giá nhiên liệu này đã tăng trở lại trên thị trường châu Á sáng nay khi một báo cáo của Mỹ cho biết, lượng gia tăng trong kho dữ trữ đã tạm thời dừng lại.
Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,72 USD/thùng (-1,51%), xuống 47,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD (-1,15%), xuống 51,33 USD/thùng.