Khác biệt “ngôn ngữ” gia tăng bất đồng
Khi mới đến Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thường có thông tin hạn chế về các đối tác tiềm năng của mình.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó tổng giám đốc, Deloitte Việt Nam
Họ cần phải thu thập thông tin về doanh nghiệp để nghiên cứu và phân tích; trong đó, báo cáo tài chính là bản tổng hợp đầy đủ nhất về tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin tài sản, nghĩa vụ nợ, hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng tài sản, các rủi ro tiềm tàng…
Việc các doanh nghiệp chỉ lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã tạo ra một rào cản về “ngôn ngữ” kế toán với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cũng tương tự như chúng ta nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Việt, trong khi họ sử dụng tiếng Anh. Nhà đầu tư sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để phân tích và nhận định các số liệu tài chính của doanh nghiệp.
Sự khác biệt giữa hai “ngôn ngữ” kế toán cũng có thể làm tăng các bất đồng trong quá trình thực hiện giao dịch, do hai bên có các thước đo số liệu tài chính khác xa nhau.
Có nhiều thương vụ M&A, các doanh nghiệp mục tiêu không có được số liệu tài chính và báo cáo trong kỳ như mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy, trong quá trình làm soát xét tài chính (due diligence), nhà đầu tư ngoại thường yêu cầu đơn vị tư vấn thực hiện nhanh một số điều chỉnh để chuyển đổi số liệu báo cáo tài chính từ chuẩn kế toán Việt Nam sang chuẩn IFRS để phục vụ công tác phân tích và định giá.
Việc chuyển đổi ở mức tổng quát trong thời gian ngắn như vậy có thể bất lợi cho số liệu tài chính của doanh nghiệp mục tiêu, từ đó, ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư cũng như giá mua mà phía nhà đầu tư nước ngoài có thể đề xuất.
Khó khăn nhưng có thể thực hiện
Việc áp dụng IFRS trong thời gian đầu, doanh nghiệp sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn từ chủ quan tới khách quan. IFRS có sự khác biệt lớn so với chế độ kế toán Việt Nam, nên doanh nghiệp cần có sự đầu tư về nguồn nhân lực, chuyên gia, hệ thống dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin...
Ngoài ra, cơ chế tài chính tại Việt Nam còn nhiều quy định đặc thù, thông tin trên thị trường còn nhiều hạn chế, thiếu môi trường thực tế áp dụng IFRS.
Trong năm đầu tiên, các doanh nghiệp thường cần có sự hỗ trợ của các công ty tư vấn có kinh nghiệm để hỗ trợ việc chuyển đổi báo cáo, phân tích và chuyển đổi hệ thống liên quan. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng đầu tư thời gian và chi phí để lập báo cáo IFRS khi chưa thấy ngay lợi ích trước mắt.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã được tư vấn và lập báo cáo tài chính theo hệ thống chuẩn mực kế toán IFRS để nâng cao cơ hội tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết hàng đầu tại Việt Nam đã chủ động nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả các báo cáo IFRS trong quá trình huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư, khai thác thành công các sản phẩm hoặc kênh vốn mới trong và ngoài nước.
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam lập báo cáo tài chính theo IFRS đang gia tăng cùng với sức nóng của dòng vốn M&A trong thời gian gần đây.
Thực tế cho thấy, những đơn vị có chiến lược bài bản và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có việc minh bạch hóa thông tin tài chính theo các chuẩn mực quốc tế, thường thành công trong quá trình gọi vốn và thu hút đầu tư.
Thay đổi để vận động đúng nhịp với toàn cầu
IFRS nếu được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi hơn sẽ cải thiện hình ảnh của môi trường đầu tư của Việt Nam, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt đối tác nước ngoài.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… trong việc giới thiệu IFRS đến với thị trường Việt Nam.
Việc cân nhắc áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng đã được đưa ra thảo luận trong nhiều năm qua, dù lộ trình tổng thể vẫn đang trong quá trình cân nhắc. Câu hỏi về mức độ áp dụng “khuyến khích” hay “bắt buộc” với một số đối tượng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Có nhiều quan ngại về việc nếu áp dụng IFRS, cơ quan nhà nước sẽ không quản lý được doanh nghiệp và từ đó dẫn đến các khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, luật pháp và chính sách được lập ra nhằm hướng tới xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
Do vậy, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính không thể chỉ phục vụ mục đích quản lý nhà nước, mà cần phải đáp ứng nhu cầu của toàn bộ các thành viên thị trường. Khuyến khích và chấp nhận sự thay đổi cần phải từ mọi đối tượng.
Theo chúng tôi, cơ quan Nhà nước nên thực hiện thí điểm cho phép và khuyến khích các công ty niêm yết lập báo cáo tài chính theo IFRS, do nhóm doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng cao và cũng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Việc này sẽ cho phép các công ty niêm yết tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc phải lập song song hai báo cáo tài chính theo VAS và IFRS; đồng thời tạo ra hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp niêm yết đầu đàn này đến toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế.
Cơ quan quản lý cũng có thời gian để nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm về IFRS trước khi có các điều chỉnh và quyết định cuối cùng cho toàn bộ các doanh nghiệp.
Chúng ta luôn cố gắng chờ đến thời điểm có chuẩn bị đầy đủ các điều kiện áp dụng IFRS, để đảm bảo sự thành công cao nhất. Tuy nhiên, thực tế luôn vận động, các chuẩn mực kế toán cũng luôn thay đổi, cập nhật, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự thay đổi để vận động theo đúng nhịp của thị trường quốc tế.
(Còn tiếp)