Chuẩn hóa các chỉ số tài chính DN: Yêu cầu số 1 trong bảo vệ cổ đông thiểu số

Chuẩn hóa các chỉ số tài chính DN: Yêu cầu số 1 trong bảo vệ cổ đông thiểu số

(ĐTCK-online) Trong báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2008 do Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành nghiên cứu giai đoạn 1/4/2006 - 31/6/2007 và được công bố ngày 26/9/2007, Việt Nam xếp thứ hạng 165/178 trong bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số, đứng sau Campuchia và Philippines.

Chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư trong nghiên cứu ở đây là tổ hợp kết quả từ 3 chỉ số: chỉ số mức độ công khai (tính minh bạch của các giao dịch), chỉ số mức độ trách nhiệm của giám đốc (trách nhiệm cá nhân) và chỉ số mức độ dễ dàng mà các cổ đông có thể kiện (khả năng của các cổ đông có thể kiện giám đốc và các cán bộ khác khi quản lý sai trái). Phạm vi bài viết này bàn về công bố thông tin tài chính cơ bản trên TTCK mà các thông tin tài chính cơ bản này ảnh hưởng đến việc quyết định đầu tư và quyền được bảo hộ của các nhà đầu tư.

Có thể nói, ngoài thông tin chung về doanh nghiệp và các chỉ số như ROE, ROA… được công bố trên bản tin hàng ngày của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và TTGDCK Hà Nội (HASTC) thì các chỉ số cơ bản mà nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là hệ số giá trên thu nhập (P/E) và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS). P/E là hệ số dùng đánh giá, đo lường mối liên hệ giữa thu nhập hiện tại hay EPS và thị giá mỗi cổ phiếu, hay cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cho mỗi cổ phiếu cao hơn mức thu nhập hiện tại bao nhiêu lần (lấy thị giá chia cho EPS). Để tính P/E một cách chính xác thì chỉ số EPS cần đảm bảo phản ánh đúng bản chất của chỉ số này. Do đó, bài viết này sẽ tập trung bàn về cách tính EPS.

 

Cách tính EPS theo quy định của Bộ Tài chính

Ngày 28/12/2005, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 100/2005/QĐ-BTC về chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS số 30 - Lãi trên cổ phiếu. Nội dung của chuẩn mực có quy định rõ về cách tính chỉ số này như sau: Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) được tính bằng cách chia lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông của công ty mẹ (tử số) cho số lượng bình quân gia quyền của số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ (mẫu số). Để tính EPS, số phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông của công ty mẹ là các khoản lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế phân bổ cho công ty mẹ sau khi được điều chỉnh bởi cổ tức của cổ phiếu ưu đãi, những khoản chênh lệch phát sinh do thanh toán cổ phiếu ưu đãi và những tác động tương tự của cổ phiếu ưu đãi đã được phân loại vào vốn chủ sở hữu. Và số lượng cổ phiếu phổ thông được sử dụng để tính lãi cơ bản trên cổ phiếu là số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ.

 

Các quy ước về tính EPS của HOSE

Mặc dù Chuẩn mực kế toán VAS số 30 cũng như các tài liệu hướng dẫn chuẩn mực có đưa ra các ví dụ cụ thể cho việc tính toán chỉ số EPS cho các công ty cổ phần, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp phát sinh nhưng chưa có quy định (ví dụ như phát hành quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần). Hơn nữa, các thời điểm thực hiện ghi nhận cổ phiếu tăng hoặc giảm vẫn chưa có quy định cụ thể. Do vậy, để thống nhất và thuận tiện cho các công ty niêm yết trong quá trình tính toán, HOSE có một số quy ước dựa trên hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS số 30 và Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS số 33 để tính số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm như sau:

1. Tổng số ngày trong năm là số ngày thực tế theo lịch, bao gồm cả ngày lễ và ngày nghỉ.

2. Trường hợp công ty thực hiện mua lại cổ phiếu trên thị trường làm cổ phiếu quỹ hoặc bán cổ phiếu quỹ thì ngày ghi nhận số cổ phiếu lưu hành giảm hoặc tăng thêm là ngày kết thúc đợt mua hoặc bán đó.

Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm được tính như sau:

 

 

 

Số lượng

CP bình quân

lưu hành trong kỳ

 

 

 

=

(Số CP đầu kỳ x Số ngày từ đầu kỳ đến khi kết thúc đợt mua/ bán CPQ) + (Số CP lưu hành sau khi thực hiện mua/ bán CPQ x Số ngày từ khi kết thúc đợt mua/ bán CPQ cho đến cuối kỳ)

 

Tổng số ngày trong kỳ

 

3. Trường hợp công ty thực hiện phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược hoặc cán bộ công nhân viên thì ngày ghi nhận số cổ phiếu lưu hành tăng thêm là ngày lượng cổ phiếu này chính thức được giao dịch trên HOSE.

 

Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm được tính như sau:

 

 

 

 

Số lượng

CP bình quân

lưu hành trong kỳ

 

 

 

 

=

(Số CP đầu kỳ x Số ngày từ đầu kỳ đến khi CP phát hành riêng lẻ được chính thức giao dịch) + (Số CP lưu hành sau khi thực hiện phát hành riêng lẻ

x Số ngày từ khi CP phát hành riêng lẻ được giao dịch cho đến cuối kỳ)

 

Tổng số ngày trong kỳ

 

 

4. Trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng thì số cổ phiếu lưu hành trong kỳ được điều chỉnh qua 2 giai đoạn:

- Điều chỉnh hồi tố: tất cả các sự kiện xảy ra trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng (XR) phải được điều chỉnh theo hệ số tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức hoặc thưởng cổ phiếu.

Hệ số điều chỉnh

=

 

 

Tổng số lượng CP sau khi trả cổ tức hoặc thưởng CP

 

Tổng số lượng CP trước khi trả cổ tức hoặc thưởng CP

 

 

- Điều chỉnh tăng số lượng cổ phiếu: số lượng cổ phiếu tăng thêm do trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng được cộng vào số cổ phiếu lưu hành kể từ ngày lượng cổ phiếu này chính thức được giao dịch.

 

5. Trường hợp phát hành quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi cho cổ đông hiện hữu thì số cổ phiếu lưu hành trong kỳ được điều chỉnh qua 2 giai đoạn:

- Từ ngày giao dịch không hưởng quyền mua (XR) đến khi cổ phiếu phát hành thêm chính thức được giao dịch: số lượng cổ phiếu lưu hành phải được điều chỉnh theo hệ số giá giữa giá đóng cửa trước ngày XR và giá tham chiếu của ngày XR. Trường hợp công ty vừa thực hiện trả cổ tức và chốt quyền mua cùng một ngày thì giá đóng cửa của ngày trước ngày XR phải được trừ đi cho lượng cổ tức bằng tiền mặt cổ đông được nhận. Hệ số giá = Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày XR - cổ tức tiền mặt (nếu có).

 

Giá tham chiếu ngày XR

=

Giá đóng cửa trước ngày XR x Khối lượng CP được nhận quyền mua + Giá phát hành x Khối lượng CP phát hành thêm

Tổng khối lượng CP sau khi phát hành

 

 

 

- Điều chỉnh tăng số lượng cổ phiếu: số lượng cổ phiếu tăng thêm do cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua được cộng vào số cổ phiếu lưu hành kể từ ngày lượng cổ phiếu này chính thức được giao dịch.

Trường hợp việc phát hành quyền được thực hiện kéo dài trong 2 năm (chốt ngày hưởng quyền trong năm trước và lượng cổ phiếu phát hành thêm chính thức giao dịch vào năm sau) thì số lượng cổ phiếu lưu hành đầu kỳ của năm sau cũng phải được điều chỉnh cho hệ số giá như trên.

 

6. Trường hợp tách hoặc gộp cổ phiếu: ngày ghi nhận cổ phiếu lưu hành tăng hoặc giảm là ngày cổ phiếu được giao dịch trở lại sau khi tách hoặc gộp. Tất cả các sự kiện xảy ra trước ngày này đều phải điều chỉnh theo tỷ lệ tách/gộp cổ phiếu.

Tỷ lệ tách hoặc gộp CP

=

 

Số lượng CP sau khi tách hoặc gộp

Số lượng CP trước khi tách hoặc gộp

 

 

Cách tính EPS của HASTC

HASTC áp dụng phương pháp chung để tính EPS nhưng vẫn có một số điểm khác biệt. Bản tin Chứng khoán của HASTC công bố các thông tin cơ bản về doanh nghiệp niêm yết theo số liệu năm đã kiểm toán. Cụ thể, tính đến ngày 13/2/2008 trong Bản tin của HASTC vẫn áp dụng “EPS được tính đến cuối năm 2006”. Để đảm bảo tính chính xác, số liệu mà HASTC sử dụng để tính các chỉ số tài chính của công ty niêm yết phải là số liệu đã được kiểm toán. Và đương nhiên, HASTC sẽ dùng số liệu đã kiểm toán của năm gần nhất. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên HASTC vào cuối năm 2006, gần 90 công ty niêm yết từ quý IV/2006 và 30 công ty mới niêm yết trong năm 2007, do đó chưa có đủ cơ sở để tính một số chỉ tiêu như EPS điều chỉnh, ROA, ROE…

 

Cách tính EPS theo thông lệ quốc tế qua Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS số 33

Tổ chức International Accounting Standards Board giới thiệu International Financial Reporting Standards (các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) được ban hành bởi IASC - International Accounting Standards Committee (Ủy ban về tiêu chuẩn kế toán quốc tế), trong đó chuẩn mực kế toán quốc tế IAS số 33 là chuẩn mực quy định về cách tính Earnings per Share (EPS). Chuẩn mực này có quy định cách tính EPS từ hai góc độ: a) EPS cơ bản (basic earnings per share) và b) EPS điều chỉnh (diluted earning per share).

EPS cơ bản được tính như sau: “Basic earnings per share shall be calculated by dividing profit or loss attributable to ordinary equity holders of the parent entity (the numerator) by the weighted average number of ordinary shares outstanding (the denominator) during the period” (tạm dịch: EPS cơ bản được tính bằng cách chia các khoản lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế phân bổ cho công ty mẹ vào tổng số cổ phiếu phổ thông bình quân đang lưu hành).

EPS điều chỉnh được tính như sau: “Adjust profit or loss attributable to ordinary equity holders of the parent entity, and the weighted average number of shares outstanding, for the effects of all dilutive potential ordinary shares” (tạm dịch: điều chỉnh cho các khoản lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế phân bổ cho công ty mẹ vào tổng số cổ phiếu phổ thông bình quân đang lưu hành trong kỳ có tính đến tác động của việc pha loãng các cổ phiếu phổ thông trong tương lai).

 

Cần chuẩn hóa cách tính chỉ số EPS và EPS điều chỉnh

- Thứ nhất, việc tính toán và công bố chỉ tiêu “Lợi ích của các cổ đông thiểu số” nên là bắt buộc nếu công ty cổ phần có hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Do chỉ tiêu lợi ích của cổ đông thiểu số là một phần của kết quả hoạt động thuần và giá trị tài sản thuần của một công ty con được xác định tương ứng cho các phần lợi ích không phải do công ty mẹ sở hữu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con trong thu nhập thuần của công ty con bị hợp nhất trong kỳ báo cáo nên phải loại trừ khỏi thu nhập của tập đoàn để tính lãi, hoặc lỗ thuần có thể xác định được cho những đối tượng sở hữu công ty mẹ. Chỉ tiêu này nếu được tách bạch tốt sẽ có tác dụng làm cho việc tính toán phần lợi nhuận dành cho cổ đông của công ty mẹ một cách chính xác.

- Thứ hai, trong các trường hợp lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được dùng vào các mục đích khác nhau được phép theo quy định Luật Doanh nghiệp và được ĐHCĐ phê chuẩn như: trích lập một phần lợi nhuận vào các quỹ phúc lợi dành cho ban điều hành, cán bộ, công nhân viên thì cần phải tách ra khỏi phần lợi nhuận dành để tính EPS. Điều này cũng cần phải được quy định cụ thể hơn trong Chuẩn mực VAS số 30 vì VAS 30 chỉ điều chỉnh các tác động của cổ phiếu ưu đãi đến lợi nhuận nhưng trên thực tế thì có tác động của các yếu tố khác đến lợi nhuận được phân bổ cho các cổ đông hiện hữu. Để tiếp cận gần hơn với chuẩn mực IAS số 33 thì chuẩn mực VAS 30 nên có hướng dẫn về phần lợi nhuận dành cho tất cả cổ đông hiện hữu để tính EPS chứ không gồm cả phần chia vào các quỹ phúc lợi của cán bộ công nhân viên.

- Thứ ba, việc đối xử với trường hợp công ty thực hiện phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược và cán bộ, công nhân viên được HOSE xem ngày ghi nhận số cổ phiếu lưu hành tăng thêm là ngày mà số lượng cổ phiếu này được chính thức giao dịch trên HOSE. Chuẩn mực VAS số 30 có quy định là “cổ phiếu phổ thông phát hành thu tiền được tính vào số bình quân gia quyền của cổ phiếu khi ghi nhận được tiền”. Trong thực tế thì có doanh nghiệp thực hiện phát hành riêng lẻ và tăng vốn với số lượng lớn nhưng không ngay lập tức niêm yết số cổ phiếu này, do đó thời điểm của phát hành cổ phiếu và niêm yết cổ phiếu là hai thời điểm hoàn toàn khác nhau và có thể chênh nhau hàng năm. Do đó, nguyên tắc tách bạch giữa số lượng cổ phiếu đang lưu hành, số cổ phiếu được phát hành và cổ phiếu được phép niêm yết cần được thực hiện. Số lượng cổ phiếu dùng tính toán chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu là cổ phiếu đang lưu hành, nghĩa là số cổ phiếu thực tế đang nắm giữ bởi các cổ đông (kể cả các cổ đông bị hạn chế giao dịch như cổ đông nhà nước, cổ đông sáng lập, thành viên HĐQT...) và không bao gồm số cổ phiếu do chính doanh nghiệp nắm giữ (cổ phiếu quỹ) hoặc được phép phát hành nhưng chưa phát hành.

Để đơn giản trong việc tính toán thì ngày xác định cổ phiếu phát hành riêng lẻ có thể là ngày chốt cuối cùng nộp tiền mua cổ phiếu, tức là ngày sự kiện kinh tế phát sinh được ghi nhận, cũng là ngày xác nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức phát hành cũng như của người sở hữu cổ phiếu phổ thông.

- Thứ tư, việc thận trọng của HASTC trong việc tính toán EPS khi sử dụng số liệu đã kiểm toán là cần thiết, tuy nhiên, với việc duy trì tử số “Earnings” không thay đổi trong một năm trong việc tính toán EPS sẽ không thực sự phản ánh biến động của chỉ tiêu này. Việc một số nhà đầu tư phải tự tính toán chỉ số này qua sử dụng số liệu về lợi nhuận trên báo cáo tài chính hàng quý của doanh nghiệp để tính toán lại EPS là một việc không phải ai cũng làm được. Để đáp ứng yêu cầu của đông đảo nhà đầu tư, sẽ rất tốt nếu như HASTC tính toán EPS dựa trên số liệu của các quý của năm trước đã kiểm toán kết hợp với số liệu của các quý của năm hiện hành chưa kiểm toán để công bố thông tin với ghi chú về cách tính. Ví dụ như sử dụng số liệu về lợi nhuận của hai quý III và IV/2007 đã kiểm toán và hai quý I và II của năm 2008 chưa kiểm toán để tính EPS cho giai đoạn quý III/2007 đến hết quý II/2008.

- Thứ năm, việc công bố chỉ tiêu EPS phải là bắt buộc trên báo cáo tài chính mà doanh nghiệp gửi, theo thống kê sơ bộ của người viết, có đến 10/52 báo cáo tài chính quý IV/2007 của các doanh nghiệp niêm yết đã công bố trên website của HASTC bỏ trống dòng kết quả chỉ tiêu EPS. Và chỉ số này cũng cần được kiểm tra lại bởi cơ quan công bố thông tin về cách tính toán trước khi được phổ biến rộng rãi cho công chúng đầu tư.

- Thứ sáu, do việc phát hành tăng vốn qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi của các tổ chức niêm yết rất lớn trong giai đoạn vừa qua nên việc tính EPS điều chỉnh là rất quan trọng. Trong đó, việc tính toán đầy đủ các tác động của sự pha loãng cổ phiếu trong tương lai cần được tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Tổng số cổ phiếu phổ thông bình quân đang lưu hành trong kỳ có tính đến tác động của việc pha loãng các cổ phiếu phổ thông trong tương lai bao gồm: các công cụ có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, các quyền được mua cổ phiếu phổ thông, các cam kết khác làm tăng số lượng cổ phiếu phổ thông.

Và sẽ rất hữu ích đối với nhà đầu tư nếu như chỉ tiêu EPS điều chỉnh cũng là một chỉ tiêu bắt buộc cần công bố bởi các công ty niêm yết.

Trong các báo cáo gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế như Merrill Lynch hay HSBC thì có một quan ngại lớn đối với các nhà đầu tư là việc phát hành cổ phiếu tăng vốn một cách ồ ạt của các tổ chức niêm yết làm phát sinh hiện tượng pha loãng cổ phiếu, tức là số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên nhưng doanh nghiệp niêm yết khó có khả năng duy trì được các chỉ số tài chính, như EPS, đẩy chỉ số P/E lên cao làm giảm mức hấp dẫn của cả thị trường. Tác động kéo theo là khuyến nghị của các tổ chức này đề nghị giảm tỷ lệ vốn phân bổ đầu tư vào TTCK Việt Nam . Do đó, việc tính một cách chính xác chỉ số EPS và EPS điều chỉnh là rất quan trọng đối với sự phát triển của TTCK. Hơn nữa, việc công bố đầy đủ và chính xác các chỉ tiêu tài chính cơ bản sẽ thể hiện năng lực quản trị của doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được bảo vệ qua việc được nhận các thông tin minh bạch, điều này tạo điều kiện cho họ ra quyết định đầu tư một cách chính xác. Khi đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được tiếp cận với thông tin một cách công bằng trên một thị trường cạnh tranh bình đẳng khi các nguồn cung cấp thông tin đã được chuẩn hóa, tiếp cận với thông lệ quốc tế.