Chưa thể đóng mạch toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào cuối năm 2025 vì thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
Còn 215 km đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận vẫn chưa tìm được vốn đầu tư.
Một đoan đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan.

Một đoan đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong công văn số 10469/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ GTVT gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về Dự án đường Hồ Chí Minh năm 2021.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Bộ GTVT được phân bổ 304.104,741 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (273.427,8 tỷ đồng vốn trong nước và 30.676,941 tỷ đồng vốn nước ngoài).

Với việc bố trí vốn như trên, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ngoài việc cân đối bố trí vốn cho các dự án đang thực hiện dở dang, Thủ tướng Chính phủ đã cân đối bố trí vốn để khởi công mới Dự án thành phần đoạn Hòa Liên - Túy Loan (tổng mức đầu tư 2.296 tỷ đồng); đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (tổng mức đầu tư 6.964 tỷ đồng) để tiếp tục triển khai theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội về Dự án đường Hồ Chí Minh.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi bố trí đầy đủ vốn xử lý các khoản nợ đọng thuộc trách nhiệm của ngân sách Nhà nước, hoàn ứng kế hoạch và các dự án chuyển tiếp (tổng số 146.922,815 tỷ đồng), số vốn được phân bổ còn lại chỉ đủ để đầu tư nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc quan trọng khác theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ưu tiên bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng) và một số rất ít các dự án mang tính động lực, một số công trình cấp bách, điểm nghẽn thuộc các chuyên ngành giao thông khác.

Do vậy, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh, gồm các đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn; phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến với tổng chiều dài 215 km cũng như nhiều công trình cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các dự án đã có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn này.

Đối với 215 km đường Hồ Chí Minh chưa cân đối được vốn, Bộ GTVT cho biết là các đoạn tuyến nêu trên đều đã có các tuyến quốc lộ khác song hành hoặc đảm bảo kết nối các điểm khống chế; nhu cầu vận tải trên tuyến chỉ tăng cao tại một số vị trí qua khu vực đô thị và đoạn đi trùng với quốc lộ hiện hữu.

Căn cứ nhu cầu vận tải trên tuyến, điều kiện nguồn lực, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư trước một số phân đoạn như đoạn Chợ Mới - Chợ Chu, đoạn Phú Hộ - Trung Hà, đoạn Bến Nhất - Gò Quao, các phân đoạn còn lại sẽ kiến nghị đầu tư khi điều kiện nguồn lực cho phép.

Riêng đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến được dự kiến đầu tư theo hình thức BOT nhưng theo nghiên cứu sơ bộ, việc đầu tư theo hình thức BOT là không khả thi do hiện tại có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành, mặt khác do có thay đổi về cơ chế, chính sách nên phương án đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu để kết hợp thu phí là không phù hợp.

“Đối với các đoạn tuyến chưa được nối thông, trước mắt Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tăng cường duy tu các tuyến quốc lộ song hành để đảm bảo kết nối và khai thác an toàn, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động nguồn vốn phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Tại công văn số 10469, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án: Chợ Mới - ngã ba Trung Sơn tỉnh Tuyên Quang; phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.

Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp nên Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội, đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại đã có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến trong giai đoạn sau năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho biết là theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt, hiện nay có đoạn Cam Lộ - Hòa Liên và Chơn Thành - Đức Hòa đang đầu tư theo phương án phân kỳ giai đoạn 1 đáp ứng cho 2 làn xe, vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đường cao tốc sẽ thực hiện trong giai đoạn sau năm2025 trên cơ sở nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực.

Tin bài liên quan