Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Chưa phải thời điểm thích hợp để điều chỉnh tỷ giá

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2013 biên độ điều chỉnh tỷ giá vẫn ở mức +/- 3% nhưng một số chuyên gia lại không đồng tình như vậy và cho rằng nên “phá giá” VND thêm 4% trong năm, vì lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn lạm phát ở Mỹ.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước lại có lập luận khác và cho rằng thời điểm này chưa phù hợp để điều chỉnh tỷ giá.

 

Doanh nghiệp và chuyên gia "đòi" điều chỉnh tỷ giá

 

Không thể phủ nhận rằng, trong suốt năm 2012, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chủ động giữ nguyên ở mức 20.828 VND/USD, nếu tính từ thời điểm điều chỉnh cuối cùng vào ngày 24/12/2011. Ngay cả “chỉ tiêu” điều chỉnh tỷ giá năm 2012 được xác định là +/-3% bởi tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hồi đầu năm thì cũng chỉ dùng hết +1% với mức biến động cho phép đối với cặp USD/VND ở khoảng 20.620 VND - 21.036 VND/USD.

 

Tuy nhiên, mức ổn định này lại chưa nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp xuất khẩu và các chuyên gia ngân hàng vì họ cho rằng do tỷ giá ổn định nên lợi nhuận thu về không cao như mong muốn.

 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết, “Chúng tôi tính toán, năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Như thế, khả năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vượt trội nhu cầu xuất khẩu và đưa nền kinh tế chuyển dần từ thặng dư thương mại đến thâm hụt thương mại như từng xảy ra ở các năm trước. Bức tranh tỷ giá lúc đó sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là khi các nhà nhập khẩu cần nhiều hơn ngoại tệ và tất nhiên, cán cân thanh toán có thể chuyển dịch theo hướng thâm hụt mạnh, dù năm nay đang là thặng dư."

 

Ông Nghĩa kiến nghị, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này cũng giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cũng cho rằng: "Đã đến lúc, phải nghĩ đến chuyện 'phá giá' thêm VND thì xuất khẩu mới có lợi. Hiện tại, Mỹ đã nới lỏng tiền tệ bằng khá nhiều gói cứu trợ và chúng sẽ kích thích mạnh tiêu dùng, tác động tốt cho xuất khẩu của các nước; trong đó có Việt Nam . Có thể, Việt Nam vẫn còn e ngại giảm đầu tư nước ngoài nên mới duy trì tỷ giá dưới giá trị thật như vậy, nhưng hãy tận dụng tốt cơ hội để đẩy thêm hàng vào Mỹ."

 

Còn theo ông Trương Văn Phước, luôn luôn có những ý kiến bình luận về tỷ giá, suy cho cùng, cũng là một điều hay. Nhờ đó các cơ quan quản lý luôn đặt mình trong một trạng thái phải quan sát thường trực các biến động của thị trường ngoại hối. Vì tỷ giá luôn là một vấn đề quan trọng và phức tạp. Mỗi người có quyền tiếp cận ở những chiều khác nhau.

 

Nhân hàng Nhà nước: Chưa phù hợp

 

Tuy nhiên, trước vấn đề này, đại diện Vụ chính sách tiền tệ-Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Việc cân nhắc điều chỉnh tỷ giá theo khuyến nghị của một số chuyên gia kinh tế thời gian gần đây cần được xem xét thận trọng trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ năm 2013.

 

Bởi, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012 thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang phải thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, cần cân nhắc việc điều chỉnh tỷ giá với lạm phát bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 1,25% và tháng 2, tháng có Tết Âm lịch, CPI sẽ cao hơn so với tháng 1.

“Như vậy rất nhiều yếu tố tạo áp lực gia tăng lạm phát trong thời gian tới và đặt ra vấn đề kiểm soát lạm phát thực hiện mục tiêu đề ra là khó khăn. Tại thời điểm này chưa nên đặt vấn đề tăng tỷ giá, vì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát,” vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích, trong số bất cập việc điều chỉnh tăng tỷ giá điều mà chúng ta cần cân nhắc nhất đó là tác động tăng điều chỉnh tăng tỷ giá đối với lạm phát trong nước. Bởi vì đối với Việt Nam sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, khi điều chỉnh sẽ làm giá mặt hàng xuất khẩu tính bằng VND gia tăng, góp phần tạo lạm phát. Ngoài ra, khi điều chỉnh cần cân nhắc đến một số vấn đề như: nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của ngân sách tính bằng VND sẽ tạo khó khăn thêm cho ngân sách.

 

Đồng tình với chủ trương trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài có lợi cho nhập khẩu nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ giá ổn định cũng giúp tạo lòng tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam . Đây là điều rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp giải thể lên tới 50.000 đơn vị, số doanh nghiệp gặp khó khăn do không tiếp cận được vốn rất lớn, lao động thất nghiệp tăng cao.

 

Tuy nhiên, ông Hiếu lại cho rằng, sang năm 2013, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định nếu một số điều kiện vĩ mô không thay đổi nhiều. Nếu lạm phát tăng trở lại trên mức 10%, chắc chắn sẽ có tác động rất xấu tới tỷ giá. "Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên phá giá đồng tiền mà nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào thị trường hối đoái mà để nền kinh tế tự điều chỉnh. Việc phá giá đồng tiền có lợi ngay cho xuất khẩu nhưng lại tạo sự bất ổn về tâm lý, làm giảm lòng tin," ông Hiếu nhấn mạnh.

 

Khi tỷ giá được điều chỉnh, ngay cả khi ở trong mức 3% đặt ra, vẫn có tác dụng phụ, như khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa vào nước ta tăng lên, ảnh hưởng nhất định đến lạm phát. Nhưng không thể có liều thuốc nào có thể trị được mọi loại bệnh và giúp mọi thành phần của nền kinh tế khỏe mạnh được.