Chưa nên vội vàng dò đáy lúc này

Chưa nên vội vàng dò đáy lúc này

(ĐTCK-online) Nhận định xu hướng thị trường sẽ còn tiếp tục lình xình đi ngang theo xu hướng giảm, các CTCK đưa ra khuyến nghị, NĐT chưa nên vội vàng dò đáy lúc này.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 19/7.

 

Nhà đầu tư nên thận trọng

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Diễn biến của đa số cổ phiếu trên thị trường phiên giao dịch ngày 18/7 được phản ánh khá sát với diễn biến của chỉ số HNX-Index, trong khi VN-Index bị chi phối mạnh bởi kết quả khớp lệnh của STB, VCB và VIC.

Mặc dù mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu, nhưng cách thị trường phản ứng trước với thông tin đã cho thấy kết quả này không đủ sức thuyết phục nhà đầu tư.

Với kỳ vọng sẽ có những phiên “wash out” sau những tin tức vĩ mô không mấy thuận lợi gần đây, người mua nhiều khả năng sẽ chọn chiến lược đặt mua giá thấp. Quan sát giao dịch của phiên 18/7 chúng tôi nhận thấy lực mua tuy đã giảm so với những phiên tuần trước nhưng vẫn đủ chống đỡ trước áp lực bán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng khi đánh giá sức chống đỡ của lực cầu hiện tại, vì chỉ cần áp lực bán gia tăng, trạng thái cân bằng duy trì suốt 2 tuần gần đây sẽ có thể chuyển sang giảm mạnh. Kinh nghiệm cho thấy lực cầu sẽ không duy trì tốt như cũ nếu cổ phiếu dần đánh mất các ngưỡng hỗ trợ.

 

Chưa nên vội vàng dò đáy lúc này

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi động tuần mới bằng những gam màu trái ngược. Trong khi HNX- Index kéo dài chuỗi ngày giảm điểm liên tục của mình lên con số 4 thì VN-Index đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên dưới sự trợ lực đáng ghi nhận của một số cổ phiếu vốn hóa lớn trụ cột.

Nhìn chung, bầu không khí giao dịch chẳng có gì thay đổi nhiều so với tuần trước, vẫn là sự ảm đạm và lình xình một cách buồn chán, chủ yếu do thị trường thiếu vằng thông tin hỗ trợ. Mà cũng theo đó thì tâm lý của các nhà đầu tư tiếp tục chìm vào sự thận trọng và chờ đợi, chờ đợi những thông tin mới hơn từ phía vĩ mô và gần nhất sắp tới đây có lẽ là về mức tăng CPI của các tỉnh thành cũng như của cả nước trong tháng 7 này.

Do đó, trước khi thông tin chính thức được công bố, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng chủ đạo là giằng co đi ngang hoặc giảm nhẹ, và phiên giao dịch ngày 19/7 cũng có thể là một phiên giao dịch như vậy, theo đó các nhà đầu tư chưa nên vội vàng dò đáy lúc này.

 

Nên hạn chế các giao dịch

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 18/7 đã diễn ra trong không khí ảm đạm, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều rơi vào trạng thái giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, về cuối phiên, giao dịch trên sàn HOSE diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn cùng với nỗ lực tăng điểm của một vài cổ phiếu dẫn dắt. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index đảo chiều tăng nhẹ.

Nhìn chung, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, xu hướng lình xình giảm nhẹ vẫn đang tiếp diễn. Tâm lý đầu tư chìm trong trạng thái cầm chừng quen thuộc. Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn đang đón nhận luồng thông tin không mấy khả quan từ các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, tình hình giá cả leo thang trở lại, giá vàng trong nước tăng cao cũng làm tăng thêm những lo ngại về chỉ số CPI tháng 7 sẽ tăng trở lại so với tháng trước.

Như vậy, mặc dù mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức thấp kỷ lục, trong đó bao gồm những mã có kết quả kinh doanh khá tốt, nhưng FPTS vẫn chưa thể lạc quan vào diễn biến tiếp theo của thị trường do vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro của các khoản đầu tư là khá lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế các giao dịch, và tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đầu tư chắc chắn hơn.

 

Nhà đầu tư lướt sóng có thể tham gia thị trường

(CTCK ACB - ACBS)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index bất ngờ tăng 0,24%, lên 415,77 điểm, trong khi đó HNX-Index vẫn giảm 0,72% về 71,02 điểm. Thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức rất thấp khi giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt 348 tỷ đồng, còn trên HNX chỉ là 228 tỷ đồng.

Trong thời gian gần đây, dòng tiền vào thị trường đã bị suy kiệt một cách rõ rệt. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước một số thông tin vĩ mô sắp được công bố. Hiện tượng, chỉ số VN-Index bất ngờ lấy lại sắc xanh nhờ sự chi phối của một số mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như VIC, STB, VCB và VPL.

Khối ngoại tiếp tục một phiên bán ròng 12,5 tỷ đồng trên toàn thị trường. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn thận trọng với xu hướng của thị trường. Xét đến các yếu tố vĩ mô, CPI là thông số đang được mong đợi nhất hiện nay. Với diễn biến tình hình giá cả trong thời gian qua thì nhiều khả năng CPI trong tháng này có thể ở mức khá cao. Trong khi đó, về chính sách vĩ mô trong những ngày gần đây thì chưa có một quyết định quan trọng nào được công bố. Tình trạng giá vàng trong nước tăng khá mạnh cùng với giá thế giới cũng đã làm cho nhà đầu tư “bất an”.

Với những diễn biến đó chúng tôi cho rằng, thì trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng rủi ro thị trường tiếp tục giảm mạnh không lớn do đã được “chiết khấu” vào tuần trước. Sự phân hóa của cổ phiếu giúp cho các chỉ số giao động trong biên độ hẹp. Nhà đầu tư lướt sóng có thể tham gia thị trường tận dụng cơ hội từ sự phân hóa này.

 

Khả năng thị trường tiếp tục xu hướng lình xình

(CTCK Woori CBV)

Xu hướng tăng giảm liên tục với khối lượng giao dịch thấp vẫn là xu thế chủ đạo trên thị trường trong phiên ngày 18/7. Không có các đột biến và điều chỉnh trong phiên này.

Phần lớn các blue chip đều trong trạng thái giảm điểm, lực mua chỉ tồn tại ở mức giá thấp và yếu không đủ để nâng được giá các blue chip lên những mức cao hơn trong khi đó lực bán chỉ chấp nhận ở các mức giá cao. Do đó, không có nhiều mã blue chip được khớp ở giá tốt. Các mã blue chip được giao dịch nhiều nhất vẫn là các mã thuộc ngành tài chính, tuy nhiên thanh khoản thấp hơn nhiều so với các phiên trước.

Không có những biến động khiến thị trường bật ra khỏi quỹ đạo giao dịch lình xình từ nhiều phiên. Đầu tư ngắn hạn cũng không thực sự hiệu quả vì các thông tin vào thời điểm này không có lợi cho thị trường.

Khả năng thị trường tiếp tục xu hướng lình xình trong tuần này khi chờ đợt tin tức vĩ mô về thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sắp được công bố. Xu hướng thị trường phụ thuộc vào sự mạnh dạn giải ngân của nhà đầu tư trong thời gian tới khi số liệu CPI tháng 7 được công bố song hành với đó là sự cải thiện đáng kể về thanh khoản.

 

Các thông tin đang hỗ trợ cho xu thế điều chỉnh giảm

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thị trường khởi đầu tuần mới không có nhiều nét tích cực. HNX-Index đang giảm dần về mốc 70 điểm trong khi VN-Index tăng nhẹ nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự khô kiệt giao dịch kéo dài trên cả 2 sàn đang dần khiến những người lạc quan cũng cho rằng thị trường cần có một sự biến động giảm đáng kể để kích cầu hơn là nghĩ rằng thị trường đang ở trạng thái “đáy”.

Khá nhiều thông tin không được coi là tích cực đã được tung tin ra vào đầu tuần: hiện tượng bán ròng của tự doanh các CTCK; một số đáng kể các CTCK lỗ trong 2 quý đầu năm; chốt tỷ lệ margin 30% kể từ 1/8; lo ngại CPI tháng 7 cao sẽ khiến lãi suất khó giảm tiếp…

Dường như đang có một sự hỗ trợ về thông tin cho xu thế điều chỉnh khi mà tâm lý nhà đầu tư đang khá mong manh. Bên cạnh đó, thị trường  thực sự thận trọng trước một số vụ thâu tóm lớn đang manh nha và đánh giá tác động của những sự kiện này lên TTCK trong thời gian tới.

 

Xu hướng chung vẫn là biến động nhẹ theo hướng tiêu cực

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Giao dịch trầm lắng tái diễn là biểu hiện rõ nhất trong phiên giao dịch đầu tuần. Hai sàn đóng cửa với kết quả trái chiều, trong đó VN-Index tăng điểm nhờ lực đỡ từ một số cổ phiếu trụ cột cá biệt, nổi bật là VCB và VIC. Khoảng 30% giá trị mua vào và 50% giá trị bán ra phiên này của NĐT nước ngoài liên quan đến cổ phiếu VIC. Như vậy, VIC đóng vai trò chủ yếu trong tổng giá trị bán ròng phiên của khối này sau khoảng hai tuần họ mua ròng VIC.

Phiên giao dịch ngày 18/7 tiếp tục cho thấy tâm lý chán nản của NĐT. Trong khi điểm số của HN-Index biểu hiện xu hướng tiêu cực, điểm số tăng của VN-Index cũng không thực sự thuyết phục bởi lẽ số lượng cổ phiếu giảm điểm vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số thông tin vĩ mô khả năng sẽ được công bố vào cuối tuần như số liệu ước tính về thâm hụt thương mại, CPI của các địa phương. Mặc dù vậy, chúng tôi không nhận thấy có thông tin nào đủ tích cực để thu hút dòng tiền ngắn hạn cho TTCK. Và xu hướng chung cho thị trường do vậy vẫn sẽ là biến động nhẹ theo hướng tiêu cực.

KQKD quý II đang dần được hé lộ và dù không tích cực trên diện rộng nhưng sóng ngắn hạn vẫn có thể diễn ra ở một số cổ phiếu riêng lẻ có KQKD tốt. Và do đó, vẫn có một ít cơ hội dành cho NĐT có khả năng nắm bắt thông tin tốt, song đây sẽ chỉ là những trường hợp cá biệt. Với quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng vùng điểm thích hợp nhất để NĐT có thể bắt đầu giải ngân là dưới 400 điểm đối với VN-Index và dưới 70 điểm đối với HNIndex.       

 

Thị trường tiếp tục giảm nhẹ

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát tháng 7, dự báo kết quả kinh doanh quý II xấu của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt và dẫn đến làn sóng đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng. Điều này khiến cho thị trường tiếp tục giảm nhẹ với thanh khoản thấp trong sự nghi ngờ. Quá trình này còn có thể kéo dài thêm vài phiên tới khi có kết quả lạm phát tháng 7/2011 đưa ra thì thị trường có thể break out hoặc breakdown khỏi mô hình falling wedge.