Hiện tổng lượng trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng đang nắm giữ đến nay là bao nhiêu và họ có nhu cầu sử dụng sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để phòng vệ rủi ro ra sao, theo ông?
Trong tổng số khoảng 1 triệu tỷ đồng trái phiếu chính phủ đang lưu hành, có hơn 90% do khối ngân hàng thương mại và quỹ bảo hiểm xã hội nắm giữ. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là sản phẩm duy nhất các ngân hàng có thể sử dụng để bảo hiểm cho rủi ro lãi suất.
Tất nhiên, thanh khoản của thị trường hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ hạn chế trong thời gian đầu hoạt động, nên không thể bảo hiểm rủi ro cho khối lượng lớn trái phiếu chính phủ. Bảo hiểm rủi ro ban đầu sẽ phần lớn là cho các sổ giao dịch trái phiếu chính phủ, nên khối lượng giao dịch sẽ chỉ chiếm khoảng 10 - 20% lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành.
Có nghĩa là thanh khoản hạn chế là một trong những khó khăn lớn nhất mà thị trường hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ phải vượt qua trong thời gian hoạt động ban đầu?
Ðúng là thanh khoản sẽ hạn chế trong thời gian đầu hoạt động của sản phẩm phái sinh thứ hai, do mới chỉ có 7 ngân hàng thương mại tham gia từ đầu.
Cách nào giúp thị trường vượt qua khó khăn đó, theo ông?
Cần có thời gian để thị trường chứng minh tính hữu dụng của mình với cả bên mua và bên bán. Sau quá trình này, thị trường sẽ tự điều chỉnh hợp lý. Khi hiệu quả của thị trường được chứng minh, số lượng bên mua, bên bán tham gia sẽ tăng, qua đó dần góp phần tăng thanh khoản và tăng hiệu quả cho thị trường.
Ðiều đương nhiên là trong giai đoạn ban đầu thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là sự khởi đầu cần thiết và các bên cần hợp sức để vượt qua thách thức nhằm hướng tới phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp thị trường phái sinh trái phiếu nói riêng, thị trường chứng khoán phái sinh nói chung.
Có nên tính tới việc cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ?
Như tôi đã phân tích, thị trường hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là để phòng ngừa rủi ro lãi suất cho những bên đối mặt với rủi ro này. Trong khi nhà đầu tư cá nhân hiện không nắm giữ trái phiếu chính phủ, nên ban đầu không cho phép họ tham gia giao dịch sản phẩm này là hợp lý.
Căn cứ vào thực tế của thị trường, khi nào có nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu chính phủ, lúc đó nhà quản lý có thể tính toán để xem xét cho phép họ tham gia.
Ngoài khó khăn về thanh khoản, một cái khó nữa là do các ngân hàng thương mại hiện nắm phần lớn lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành, nên có thể đa phần chỉ phát sinh nhu cầu mở vị thế bán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để phòng vệ rủi ro cho danh mục trái phiếu mà họ đang nắm giữ. Theo ông, điều này có dẫn đến rủi ro mất cân đối cung - cầu trên thị trường?
Sẽ có cả người bán và mua tham gia thị trường. Bên bán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất, do đó ngân hàng là người bán chính. Trong khi đó, bên mua sẽ tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn về diễn biến thị trường nên có thể là các ngân hàng thương mại, các quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu.
Khi có sự mất cân đối cung cầu thì sẽ xuất hiện giao dịch arbitrage để hưởng chênh lệch giữa giá trái phiếu và giá hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Bởi vậy, cung - cầu trên thị trường phái sinh trái phiếu cũng sẽ tự điều chỉnh giống như thị trường hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.
Ngày 4/7/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khai trương giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm. Có 3 mã hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được niêm yết là GB05F1909, GB05F1912, GB05F2003, sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 9/2019, tháng 12/2019 và tháng 3/2020. Trong ngày 4/7, có 10 hợp đồng được giao dịch; ngày 5/7 là 15 hợp đồng (giá trị danh nghĩa 1 hợp đồng là 1 tỷ đồng).