Chữ W nào cho chỉ số chứng khoán?

Chữ W nào cho chỉ số chứng khoán?

Trong một thị trường mà không ai có thể biết được hay đoán được xu thế, nhà đầu tư cũng nên chọn cách đứng hai chân trên hai cạnh của chữ W, để nếu chữ W đó bất thần bị lộn ngược thì còn kịp mà rút chân ra.

Trò chơi của các ông lớn vẫn tiếp tục tra  tấn nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trừ phiên giao dịch cuối tuần trước với cuộc đánh lên bất ngờ - kịch bản được lặp lại của phiên cuối tuần trước nữa - tình hình thanh khoản tuần qua càng trở nên tệ hại, đội cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN... vẫn tiếp tục được làm giá, càng làm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mất dần niềm tin vào việc thị trường đang cố xác lập vùng đáy.

 

Tổ chức phân tích độc lập Vietstock đã đặt hai câu hỏi chính xác về sự nghi ngại đối với thị trường: liệu dòng vốn đầu cơ có đang rời bỏ thị trường, khi hiện tượng thoát hàng xảy ra khá mạnh mẽ, đặc biệt trên HNX ở các nhóm cổ phiếu Small Cap và Micro Cap; việc tăng trưởng của thị trường có bền vững khi hiện tượng nâng đỡ cổ phiếu chủ chốt với lực cầu đột biến vào cuối phiên vẫn thường xuyên xảy ra?

 

Tất cả được minh chứng rõ ràng với tỷ lệ tăng của nhóm cổ phiếu Large Cap là mạnh nhất - 4,47%, tiếp theo là nhóm Mid Cap 2,16%, còn Small Cap chỉ có 1,07% và Micro Cap gần như đi ngang khi chỉ tăng rất nhẹ 0,04%.

 

Vì sao thị trường lại tăng điểm mạnh vào phiên cuối tuần trước? Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi tương tự xảy ra trong suốt 6 tuần lễ qua, kể từ thời điểm chỉ số chứng khoán của hai sàn đi xuống sau khi lập đỉnh vào giữa tháng 9/2011. Những lần trước, người ta vẫn nại ra một lý do nào đó tương đối hợp lý - như CPI giảm hoặc chính sách về thị trường vàng thay đổi, hoặc lợi nhuận đột biến của một số doanh nghiệp niêm yết...

 

Nhưng lần này lại có nhiều lý do hơn. Đó là việc chỉ số CPI toàn quốc đã chỉ dừng ở mức 0,38% trong tháng 10/2011 và đang có chiều hướng tiếp tục khả quan vào tháng 11/2011. Phiên đánh lên cuối tuần qua cũng trùng với thời điểm mà Ngân hàng nhà nước trình dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho Chính phủ.

 

Phải chăng sau mấy tháng chờ đợi, cuối cùng dòng tiền từ kênh vàng cũng "quyết định" đổ vào kênh chứng khoán? Đây là một khả năng có thể diễn ra, như nó đã từng được dự báo không ít lần. Nhưng ứng với lần này, bản dự thảo nghị định của Ngân hàng nhà nước không đề cập đến động tác nào mà sẽ trực tiếp "siết" kênh vàng. Trong khi đó, giá vàng vẫn tiếp tục dao động ngang mà chưa có chiều hướng sụt mạnh. Liệu có thể hy vọng gì từ dòng tiền từ vàng trong bối cảnh như thế?

 

Còn nếu căn cứ vào sự khả quan từ chỉ số CPI thì lại hình như không có cơ sở lắm. CPI thực chất đã giảm rõ vào tháng 9/2011 chứ không phải đến bây giờ mới khả quan, nhưng chứng khoán lại không phản ứng tích cực như nó thường phải "làm" như vậy để đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế. Nói cách khác, thị trường chứng khoán và các nhà đầu cơ lớn đã bỏ qua những cơ hội khá tốt từ đầu tháng 9/2011 đến nay, khác hẳn với giai đoạn tháng 2-3/2009 là thời gian mà thị trường đã khởi động rõ rệt cho giai đoạn phục hồi.

 

Sự an ủi còn lại chỉ đến từ động thái mua ròng của khối nước ngoài trong tuần trước. Tuy vậy, chuyện mua bán của nước ngoài vẫn thường là một ẩn số, và cho đến nay chưa có phân tích nào đánh giá được động thái đó ảnh hưởng tích cực  như thế nào đến thị trường. Hơn nữa, dù là mua ròng trong tuần qua, nhưng đừng quên là trong tháng 9/2011, khối nước ngoài đã bán ròng đến hàng ngàn tỷ đồng.

 

Một lý do "mơ hồ" khác nhằm giải thích cho phiên tăng cuối tuần trước là sự tăng tiến của Dow Jones. Trong mười ngày qua, chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng đến 15-17%, trở thành một hiện tượng không chỉ có ý nghĩa đối với các thị trường chứng khoán quốc tế mà còn hàm chứa những dấu hiệu về khả năng phục hồi của nền kinh tế - phục hồi tạm thời trong quá trình suy thoái.

 

Tuy vậy, cần nhắc đến từ "mơ hồ" vì bản thân mối quan hệ giữa Dow Jones với chỉ số chứng khoán Việt Nam vốn đã luôn mơ hồ, không chứng minh được mối liên hệ song ánh, và trong thực tế là gần như không có tác động qua lại nào.

 

Cũng có công ty chứng khoán hy vọng vào sự hình thành của cạnh bên phải của mô hình chữ W. Quả thật, có thể nhận ra rõ ràng hình ảnh này ở đồ thị chỉ số VNI, và thấp thoáng ở đồ thị của chỉ số HNX. Riêng với HNX, chỉ với một phiên bật tăng mạnh cuối tuần trước, chỉ số này đã vượt đỉnh gần nhất của nó, mang lại một mẫu hình đồ thị kỹ thuật khả quan hơn hẳn.

 

Về lý thuyết, cho đến nay mô hình chữ W vẫn còn giá trị, tuy không thuyết phục bằng việc nếu nó đã xảy ra cách đây vài ba tuần. Từ giai đoạn phục hồi từ giữa tháng 8/2011, đến nay đồ thị của thị trường đã kéo dài được gần hai tháng rưỡi, tương ứng với khoảng thời gian 2,5-3 tháng mà chúng tôi đã đề cập trong những nhận định trước, "đủ số" để bắt đầu một giai đoạn vận động mới.

 

Nếu mô hình chữ W được phát triển, khả năng tốt nhất của thị trường trong thời gian tới là diễn biến tăng trưởng răng cưa, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Hiện tượng này phải được củng cố với khối lượng và giá trị giao dịch tăng ổn định, đồng thời buộc những cổ phiếu siêu lớn phải nằm im chứ không thể tự tung tự tác như trước đây.

 

Thị trường lại một lần nữa đánh đố nhà đầu tư, đánh đố tất cả các công ty chứng khoán và tổ chức phân tích dộc lập. Thị trường sẽ tăng tiếp theo mô hình phục hồi chữ W hay chỉ tăng được một vài phiên rồi lại suy thoái như nó đã từng làm thế không biết bao nhiêu lần? Dù thế nào đi nữa, một sự thật không thể phủ nhận được là tuyệt đại đa số nhà đầu tư chỉ còn trông chờ vào động lực duy nhất cho sức tăng của thị trường là lực cầu quy mô của nhóm tạo lập thị trường. Mà lực cầu đó thì lại chập chờn như một bóng ma, thoắt ẩn thoắt hiện, không ai có thể biết được.

 

Vì thế, việc bàn tới khía cạnh mô hình kỹ thuật chữ W có lẽ chỉ... cho vui. Còn thực tế, dù thị trường có "oải" đến mức không thể giảm hơn được nữa, nhưng nếu không có lực đánh lên của tổ chức lớn thì đường biểu diễn của chỉ số chứng khoán cũng sẽ y chang như thị trường bất động sản phía Nam từ đầu năm 2009 đến nay - kéo ngang dài hạn với sự bất động hoàn toàn về mặt bằng giá và thanh khoản.

 

Và trong một thị trường mà không ai có thể biết được hay đoán được xu thế, nhà đầu tư cũng nên chọn cách đứng hai chân trên hai cạnh của chữ W, để nếu chữ W đó bất thần bị lộn ngược thì còn kịp mà rút chân ra.