Tốt nghiệp khoa tự động hóa trường Đại học Bách khoa TP. HCM năm 2004, chàng trai trẻ Nguyễn Hoài Thi bước vào đời với công việc đầu tiên là nhân viên lập trình tự động hoá tại một công ty kỹ thuật, nhận mức lương khởi điểm 1,8 triệu đồng/tháng.

Sau một thời gian làm việc với mức lương không đủ sống, anh quyết định chuyển sang làm nhân viên kinh doanh ở công ty thứ 2 và cuộc đời có thể bước sang một trang mới, phù hợp với năng lực hơn.

Sau gần 6 năm đi làm cho 2 công ty, ở tuổi 30, Nguyễn Hoài Thi quyết định nhảy ra làm riêng, dù không biết chắc có thành công hay không.

“Khi bắt đầu khởi nghiệp, lý do của tôi không phải là mình phải kiếm được nhiều tiền, hay thấy công ty hiện tại làm ăn lãi quá mà ra riêng. Đơn giản chỉ là tôi đi tìm hạnh phúc trong công việc, mong muốn mang đến cho khách hàng một sản phẩm chất lượng với tính cam kết cao.

Khi đã có vài thành công nhất định trên thị trường, tôi đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện Made in Vietnam, một sứ mệnh xây dựng thương hiệu Việt với ước mơ vươn ra thị trường quốc tế, không chỉ là đại diện cho sản phẩm được tích hợp, đóng gói từ bàn tay của người Việt, mà còn là xuất khẩu con người Việt ra khỏi biên giới Việt Nam", anh chia sẻ.

Là sinh viên khoa tự động hóa Đại học Bách khoa TP. HCM, chàng trai sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, Đà Nẵng này từng tham gia đội tuyển thi Robocon toàn quốc. Anh có thế mạnh riêng trong tìm tòi, nghiên cứu, giải quyết vấn đề bằng công nghệ tự động.

“Tôi gần như là một trong những người đầu tiên làm nghề quan trắc môi trường tự động tại Việt Nam, bắt đầu tìm hiểu và bán các thiết bị phân tích chất lượng nước tự động từ năm 2007, rồi lắp ghép các thiết bị được nhập về từ nước ngoài thành một giải pháp quan trắc tự động kiểm soát liên tục chất lượng nước thải vào môi trường, được lắp ở khâu cuối cùng của hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy và khu công nghiệp.

Tôi làm không chỉ vì một đơn đặt hàng từ Chi Cục Bảo vệ môi trường TP. HCM, mà hoàn toàn bởi sở thích, vì mình học tự động hoá nên suy nghĩ rằng cái gì cũng có thể được tích hợp lại, hay còn gọi đơn giản là lắp ráp và tôi đã tự tạo ra công việc tương lai cho chính mình”, anh kể lại.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông tư 08/2009 về bảo vệ môi trường ở khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, yêu cầu tất cả các nhà máy xử lý nước thải trên 1.000 m2 phải lắp hệ thống quan trắc tự động.

Nhận thấy đây là cơ hội lớn, cuối tháng 12/2010, anh lập Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt An với số vốn 200 triệu đồng, trong đó, 140 triệu đồng là số tiền anh dành dụm sau thời gian đi làm và một cộng sự góp 60 triệu đồng.

Với thế mạnh là người nghiên cứu sâu về quan trắc môi trường tự động nên anh nhanh chóng thâm nhập sâu vào thị trường và phát triển đi lên nhanh chóng.

“Giá trị của công ty thể hiện ở việc giải bài toán cụ thể cho khách hàng về quan trắc môi trường tự động liên tục và về công cụ phần mềm giám sát, điều khiển trên nền tảng web và thiết bị di động mobile.

Chúng tôi đưa ra sản phẩm khi thị trường chưa có công ty nào thực sự làm khách hàng hài lòng, cả phần cứng và phần mềm.

Ngay cả một số công ty nước ngoài nhìn vào phần mềm của chúng tôi cũng phải yêu thích vì tính ứng dụng cao. Vậy là phải tìm cách bán ra bên ngoài thôi”, anh chia sẻ.

Hiện nay, Việt An Group đang chiếm hơn 60% thị phần quan trắc môi trường tự động tại Việt Nam. Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 250 tỷ đồng, nhưng riêng trong 6 tháng đầu năm đã thu về hơn 110 tỷ đồng.

“Tôi đi lên từ con số 0. Đến nay, Công ty đã có doanh thu trung bình trên 100 tỷ đồng. Đây là thành quả có được từ sự tận tâm.

Hơn 6 năm thành lập, tôi tự hào rằng mình chưa phải vay một đồng nào cho hoạt động kinh doanh và vẫn chưa nợ lương anh em một ngày nào, nhưng vẫn tăng trưởng từng ngày”, Chủ tịch Việt An Group bộc bạch.

Tất nhiên, trên con đường kinh doanh không chỉ trải hoa hồng, cũng có thời điểm Nguyễn Hoài Thi căng như dây đàn khi 5 tháng trôi qua không có nổi một hợp đồng.

Đó là giai đoạn đầu năm 2013, khủng hoảng kinh tế ập đến ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty, trong suốt nửa năm, không ký được hợp đồng nào mới và anh em ngồi chơi là chính vì không có việc làm.

“Chúng tôi khủng hoảng thực sự, căng thẳng đến mức phải dựa vào chuyện thuê thầy phong thủy để giải tỏa tâm lý nhưng mãi 3 tháng sau vẫn không thấy kết quả biến chuyển.

Rồi sau đó, tôi nghiệm ra bài học là cần phải đi thẳng vào tâm bão. Mình gặp vấn đề gì thì phải trực diện đối mặt và giải quyết vấn đề đó.

Chẳng hạn, bán hàng chưa tốt thì đẩy mạnh kinh doanh, không thể trông đợi vào việc cầu khấn hay phong thuỷ”, Chủ tịch Việt An Group chia sẻ.

Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Nguyễn Hoài Thi đúc rút ra bí quyết kinh doanh cho riêng mình, cái mà anh gọi là “tam giác chết chóc Bermuda”.

Anh lý giải, nếu một trong ba đỉnh của tam giác đều là nhu cầu khách hàng, tốc độ thực hiện và chi phí hoạt động bị mất cân bằng thì công ty sẽ đóng cửa, nên nếu không muốn phát triển thụt lùi, cần quan tâm cả ba yếu tố cùng lúc.

Năm 2016, công ty của Nguyễn Hoài Thi gây sự chú ý lớn khi trúng thầu hợp đồng cung cấp trạm quan trắc môi trường tự động cho Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Sau khủng hoảng môi trường diễn ra, Formosa cẩn trọng hơn trong vấn đề xử lý nước thải và quan trắc môi trường tự động.

Các doanh nghiệp Việt nhiều lần tiếp cận Formosa nhưng đều thất bại bởi những doanh nghiệp FDI như Formosa thường ưu tiên số 1 việc sử dụng công nghệ và thiết bị từ các doanh nghiệp đến từ đất nước họ.

“Chúng tôi đã vượt qua nhiều đối thủ, ký hợp đồng với Formosa bởi làm được điều mà không ai làm được tại thời điểm đó, mang lại cho khách hàng sự tự tin.

Chúng tôi thắng một phần bởi trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, chúng tôi có hàng sẵn và sự quyết liệt trong giải quyết bài toán của khách hàng. Bên cạnh đó, việc am hiểu tường tận và đam mê với lĩnh vực này khiến khách hàng có niềm tin vào chúng tôi”, Nguyễn Hoài Thi kể về câu chuyện thắng thầu tại Formosa Hà Tĩnh.

Kết quả, Formosa Hà Tĩnh đã mua 4 container các máy phân tích môi trường tự động với 14 thông số đo cùng lúc, mỗi container có giá trị gần 10 tỷ đồng.

Đây là thương vụ lớn nhất của Viet An Group trong năm 2016, đưa doanh số cả năm lên gần 180 tỷ đồng, doanh thu đạt gần 120 tỷ đồng.

Chủ tịch Việt An chia sẻ, anh đang có hai thứ giá trị nhất là sản phẩm trạm quan trắc môi trường tự động và phần mềm giám sát môi trường, với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm này trong thời gian không xa.

Anh cho biết, người Việt Nam rất thông minh, thích ứng nhanh. Chẳng hạn, tại Tây Ninh không có biển, không có tôm, nhưng có muối tôm rất nổi tiếng.

Đó là bởi người dân tại đây biết tìm kiếm các thành phần cần thiết để tạo ra sản phẩm có giá trị. Từ câu chuyện này, theo anh, bài toán ở đây là bài toán về giá trị, thương hiệu, biết kết hợp các yếu tố để tạo nên sức mạnh thương hiệu từ giá trị của sản phẩm.

“Tôi đang cổ vũ các công ty Việt Nam đi mua công ty nước ngoài, sở hữu công ty nước ngoài. Tại sao chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu 500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng?

Đó là vì khi có tiền, chúng tôi sẽ đi mua những công ty nước ngoài có giá khoảng 50 triệu USD trở lại, đó có thể chính là những đối tác hiện nay của chúng tôi, sau đó cử người sang quản lý để học cách tổ chức công việc tại các quốc gia phát triển”, Chủ tịch Việt An Group nói.

Thực tế, Việt Nam không thiếu doanh nghiệp ngàn tỷ, có thể đi thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi vẫn mơ một ngày nào đó người Việt mình có thể mua được các công ty nước ngoài, và thuê họ làm cho mình. Chúng ta, người Việt, có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình một cách tích cực ra thế giới”, Nguyễn Hoài Thi chia sẻ về khát vọng bấy lâu của mình.

Trò chuyện với báo Đầu tư Chứng khoán sau khi vừa gặp gỡ đối tác Malaysia, anh hào hứng chia sẻ đã có buổi làm việc thành công.

Việt An đang chuẩn bị sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này và nối tiếp sau đó là kế hoạch chinh phục các thị trường nước ngoài khác. Anh tự đặt ra cho mình một sứ mệnh làm nên các sản phẩm Made in Vietnam trong lĩnh vực quan trắc môi trường tự động và xuất khẩu với tham vọng năm 2020 sẽ phủ sóng trên nhiều thị trường.

“Chúng tôi đang mời thêm người giỏi về Việt An để từng bước hiện thực hoá mục tiêu thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, khởi đầu là những doanh nghiệp nhỏ.

Việt An được xây dựng không phải để bán mà để lại di sản cho thế hệ mai sau, cho người Việt, tôi muốn thế giới biết đến những sản phẩm có giá trị, chất lượng và con người Việt có cam kết uy tín mang thương hiệu Made in Vietnam”, Nguyễn Hoài Thi khẳng định.

Hiện nay, Việt An đang tập trung xây dựng nền tảng vững chắc, sau năm 2020 sẽ tính đến huy động vốn, mở rộng phát triển. Ngoài Công ty cổ Phần Kỹ thuật môi trường Việt An, ông chủ Nguyễn Hoài Thi còn thành lập 3 công ty khác kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm, tư vấn và Internet of Things.

“Tôi xây dựng Việt An Group gồm 1 công ty mẹ và 4 công ty con với khát vọng ngày nào đó đủ lớn trở thành một Tập đoàn và hiện thực hóa giấc mơ thâu tóm doanh nghiệp ngoại”, Chủ tịch Việt An Group nói.