Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để sửa quy định này theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước, đề nghị sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP được nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đề cập. VCCI đã có kiến nghị gì về nội dung này chưa, thưa ông?
Ngay sau khi Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP được trình Chính phủ vào đầu tháng 3, VCCI đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Lý do là các nội dung trong dự thảo này có nhiều thay đổi so với bản được lấy ý kiến doanh nghiệp trước đó.
Cụ thể, nội dung tăng mức khống chế lãi vay từ 20% lên 30% được giữ lại. Hai nội dung còn lại mà doanh nghiệp đã đề xuất và được ghi nhận là việc cho phép chuyển chi phí lãi vay thuần vượt quá mức khống chế sang các năm tiếp theo và việc cho phép áp dụng cho kỳ tính thuế 2017 và 2018 đã không còn trong bản dự thảo trình Chính phủ.
Đây là lý do mà doanh nghiệp phải tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển chi phí lãi vay thuần vượt quá mức khống chế sang các năm tiếp theo, nhưng không quá 5 năm kể từ kỳ phát sinh.
Hoạt động này phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong 1-2 năm đầu kinh doanh có chi phí lãi vay rất cao do phải đầu tư lớn mua sắm, xây dựng tài sản cố định. Chi phí này sẽ nhanh chóng giảm đi ở những năm tiếp theo, phù hợp với vòng đời của dự án kinh doanh.
Nội dung này cũng phù hợp với nguyên tắc chuyển lỗ đã được quy định tại Điều 16, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có ý kiến là, Điều 16, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ quy định về “chuyển lỗ”, chứ không quy định về việc “chuyển chi phí”?
Cách hiểu này là máy móc và không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Cần phải hiểu quy định chuyển lỗ là nhằm phù hợp với các dự án kinh doanh dài hạn, có kết cấu doanh thu - chi phí không cân đối giữa các năm tài khóa.
Đối với các dự án này, những năm đầu tiên thường có chi phí cao mà doanh thu thấp, nên doanh nghiệp thường bị lỗ, đến những năm sau thì mới giảm lỗ hoặc bắt đầu có lãi. Bởi vậy, nếu xét về từng năm, thì có năm doanh nghiệp có thể có lãi, nhưng có thể lỗ khi xét tổng thể cả dự án. Về nguyên tắc, thuế thu nhập doanh nghiệp là phần thu của Nhà nước trên phần lãi của doanh nghiệp.
Vì thế, việc thu thuế đối với dự án lớn phải dựa trên trung hạn (5 năm), chứ không nên chỉ tính ngắn hạn cho từng năm. Chi phí lãi vay là một trong những chi phí lớn nhất, quan trọng nhất trong những năm đầu của các dự án kinh doanh dài hạn. Do đó, việc áp dụng quy định chuyển lỗ khi xác định chi phí lãi vay là phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và nguyên tắc xác định thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi rằng, nội dung về hồi tố đang được nghiên cứu tiếp…
Khi trao đổi tại các cuộc lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi trên, VCCI đã phân tích rất kỹ đề xuất này. Trong kỳ tính thuế 2017 và 2018, nhiều nội dung của Điều 8.3, Nghị định 20 không được quy định đủ chi tiết, gây nhiều bất cập. Vì vậy, Nghị định sửa đổi phải khắc phục được các vấn đề trên, phù hợp với bản chất của vấn đề.
Chẳng hạn, Nghị định 20/2017/NĐ-CP xác định mức khống chế dựa trên “chi phí lãi vay” mà không phải là “chi phí lãi vay thuần”. Điều này dẫn đến việc một doanh nghiệp vay tiền, rồi cho vay lại số tiền đó, thì chi phí lãi vay sẽ được tính, nhưng không được trừ phần lợi nhuận từ khoản cho vay. Đây là điều bất hợp lý vì doanh nghiệp chỉ là trung gian, không tạo ra thu nhập từ việc vay và cho vay để phải chịu thuế.
Việc áp dụng cho năm 2017 và 2018 là hồi tố và sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những doanh nghiệp đã và chưa được thanh, kiểm tra về thuế?
Đây là vấn đề thứ hai mà tôi muốn làm rõ ở trên. Đây đúng là một quy định hồi tố. Tuy nhiên, đây là trường hợp hồi tố có lợi cho doanh nghiệp, thuộc các trường hợp được phép theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc này có thể gây sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp đã được thanh, kiểm tra và chưa thanh, kiểm tra về thuế, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp đã được thanh, kiểm tra về thuế thì không thể điều chỉnh số thuế phải nộp. Đây là điều không khả thi, nhưng điều đó không nên là lý do để tước đi quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp còn lại.
Đã có trường hợp nào tương tự vậy chưa, thưa ông?
Thực tế, đã có một số trường hợp cho hồi tố, như trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong các nghị định về thuế (khoản 8, Điều 1).
Phải nói thêm, mục tiêu của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là ngăn chặn tình trạng gian lận thuế trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, chống hiện tượng kê khai chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, nhưng phải đảm bảo không làm khó các doanh nghiệp trong nước.
Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh doanh lớn, dài hạn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi các dự án này lại là những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, giúp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và là điểm tựa cho nhiều ngành kinh tế khác phát triển.
Việc tháo gỡ khó khăn về chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp này sẽ có tác động rất tích cực trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm tốc bởi nhiều lý do, trong đó có tình hình dịch bệnh.