Trao đổi về sự đánh giá của công luận về hoạt động của tổ chức này, vị Phó Thống đốc NHNN bộc bạch, dư luận đánh giá về VAMC đôi khi hơi thái quá, trước đây có lúc quá bi quan, gần đây dường như lại hơi quá lạc quan. “Trong khi tôi cảm thấy thực ra chưa được như thế, trong quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn nhất định”, ông Bình nói và cho rằng:
Hiện tại, VAMC mới triển khai được việc mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách bằng trái phiếu đặc biệt. Xét về bản chất, giải pháp này mới chỉ hỗ trợ, giúp các ngân hàng giải quyết tạm thời các khoản nợ của mình, đồng thời hỗ trợ các đơn vị này trong quá trình tái cơ cấu, bởi lẽ nếu buộc phải xử lý ngay toàn bộ số nợ xấu được tích tụ trong nhiều năm hoạt động trong một thời gian ngắn thì gánh nặng chi phí sẽ vượt quá khả năng tài chính của nhiều ngân hàng.
Có thể nói, nợ xấu hiện nay là khá lớn, yêu cầu phải xử lý số nợ xấu này đang ăn mòn nguồn thu nhập, thậm chí cả nguồn vốn chủ sở hữu của không ít ngân hàng. Nếu không có VAMC thì phần trích lập dự phòng cho số nợ xấu của các ngân hàng là rất lớn và một số ngân hàng có thể không có đủ nguồn thu nhập để trích lập dự phòng.
Chính vì vậy, cơ chế hoạt động của VAMC tạo điều kiện giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu phù hợp với khả năng của mình và có điều kiện để triển khai tái cơ cấu lại hoạt động. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi VAMC đã thực sự đóng góp được nhiều vào quá trình tái cơ cấu chưa, thì đến thời điểm hiện tại là chưa được nhiều.
Lý do là thời gian hoạt động còn quá ngắn, số lượng nợ xấu mua từ các ngân hàng (và các TCTD khác) còn ít và quan trọng là việc mua nợ xấu từ các ngân hàng mới có tác động bước đầu đến cơ cấu nợ của các ngân hàng, chưa giúp được khách hàng của các ngân hàng, các con nợ trả được nợ, chưa giúp được ngân hàng thu hồi được nợ.
Chính vì vậy, công bằng mà nói, mặc dù đã đáp ứng được mong đợi ban đầu, nhưng so với yêu cầu thì VAMC còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Nhưng rõ ràng, số ngân hàng muốn bán nợ cho VAMC đang tăng lên, trong đó có cả các ngân hàng đang hoạt động rất lành mạnh. Điều này chứng minh rằng VAMC đang tạo được sự tin tưởng trên thị trường?
Có thể khẳng định, sau một thời gian dè dặt, các ngân hàng bắt đầu nhận thức được lợi ích của cơ chế mua bán nợ thông qua VAMC, hiểu rằng nhờ cơ chế này, họ có thể nhanh chóng làm sạch được bảng cân đối kế toán, giảm được chi phí trích lập dự phòng, có khả năng tăng được thanh khoản, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín dụng của thị trường.
Thực sự thời gian ban đầu, không phải ngân hàng nào cũng đã hiểu vấn đề một cách thấu đáo như vậy. Nhưng bên cạnh đó lại có những ngân hàng rất nhạy bén, họ đã nhanh chóng nhận thấy những điểm đặc thù của cơ chế này và tận dụng triệt để để cơ cấu lại danh mục nợ của mình, từ đó đã cải thiện được một bước năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện tái cơ cấu bản thân ngân hàng. Nhận thức của nhiều cán bộ lãnh đạo các ngân hàng về cơ chế hoạt động của VAMC đã và đang thay đổi, đó là điều ấn tượng nhất đối với tôi.
Việc ngày càng có nhiều ngân hàng muốn bán nợ xấu của mình cho VAMC liệu có dẫn tới sự “ưu tiên”, dẫn tới cơ chế xin - cho không?
Việc mua nợ của VAMC trước hết phải căn cứ trên hồ sơ đề nghị bán nợ của các ngân hàng. NHNN cũng như VAMC đã có hướng dẫn rất cụ thể về trình tự, thủ tục và hồ sơ liên quan đến việc bán nợ và khoản nợ xấu cần bán.
Nhiều ngân hàng đã nhận thức đúng đắn về việc phải xử lý nợ xấu và tận dụng cơ hội để tái cơ cấu
Trong VAMC, cũng có sự phân cấp rõ ràng, khoản nợ nào có giá trị trên 100 tỷ đồng thì Hội đồng thành viên mới họp và quyết định, còn những khoản nợ có giá trị dưới 100 tỷ đồng thì Tổng giám đốc quyết định. Rõ ràng, VAMC không mua tất cả các khoản nợ xấu mà các ngân hàng muốn bán, mà chỉ xem xét, mua các khoản nợ xấu đủ điều kiện theo quy định.
Cho đến nay, việc mua bán nợ xấu chưa thấy có vấn đề gì phức tạp, hồ sơ bán nợ của các ngân hàng khá rõ ràng, nên chưa gặp phải những khó khăn đặc biệt nào trong quá trình xem xét và quyết định. Tất nhiên, cũng có những khoản nợ VAMC không mua, đây là những khoản nợ xấu không đáp ứng được yêu cầu và thông thường, ngay ở cấp chuyên viên cũng đã có ý kiến trả lời.
Một câu hỏi mang tính chất giả định, nếu được làm lại, ông sẽ đề xuất xây dựng mô hình VAMC thế nào?
Thực sự mà nói, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi hài lòng với hoạt động của VAMC. Nếu làm lại, chắc cũng không thể làm được nhiều hơn, mặc dù một vài quy định về cơ chế hoạt động của VAMC có thể được điều chỉnh cho phù hợp hơn, đặc biệt là các quy định về cơ chế tài chính.
Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, khi VAMC mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực xử lý nợ thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phức tạp hơn phải giải quyết so với giai đoạn trước đây, khi hoạt động chủ yếu là mua nợ xấu.
Mua bán nợ theo giá thị trường sẽ còn là một câu chuyện khác nữa và chắc chắn sẽ phức tạp hơn, vì có nhiều quy định chưa thật phù hợp với tính chất đặc thù cũng như những yêu cầu đặc thù bảo đảm cho hoạt động đặc biệt của VAMC trong việc xử lý nợ xấu.
Chắc chắn tới đây sẽ phải nghiên cứu để đưa ra những quy định phù hợp bảo đảm để VAMC thực hiện được sứ mạng đặc biệt của mình.
Có phải nhiều ngân hàng muốn bán đứt các khoản nợ xấu của mình để khỏi phải bận tâm đến, song VAMC vẫn chưa thực hiện phương thức mua đứt bán đoạn, thưa ông?
Thực tế, chưa có ngân hàng nào chào bán nợ xấu của mình theo giá thị trường. Nếu có những khoản nợ như vậy thì hiện tại chưa chắc VAMC đã mua được vì nhiều lý do. Trước hết, với nguồn vốn điều lệ 500 tỷ đồng hiện nay, VAMC chắc không thể có khả năng mua những khoản nợ xấu kiểu này.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cơ chế mua bán giữa VAMC và ngân hàng bán nợ, cũng như giữa VAMC và các nhà đầu tư mới, trong đó cơ chế định giá nợ nên thế nào để tạo chủ động, rút ngắn thủ tục và thời gian cho các bên, ai là những người có thể tham gia vào các giao dịch này. Đối với VAMC, đây còn là thách thức về năng lực, trình độ của nguồn nhân lực, bởi lẽ các khoản nợ phải được đánh giá, phân tích…
Như vậy, không chỉ đối với việc mua bán nợ xấu (và tài sản bảo đảm của các khoản nợ này) theo giá thị trường, mà cả đối với việc xử lý nợ xấu mà VAMC đã mua nói chung, là một câu chuyện không đơn giản và cần phải có một sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt và chắc chắn phải có sự phối hợp của các cơ quan khác thì mới có thể triển khai được.
Vậy còn chuyện bán lại nợ xấu đã mua thì bao giờ VAMC mới tiến hành?
Như đã nói, đây là một nội dung VAMC phải làm, nhưng để triển khai cũng không phải đơn giản. Sau ưu tiên ban đầu là việc mua lại nợ xấu để giúp các ngân hàng giảm bớt gánh nặng về tài chính trong quá trình tái cơ cấu, việc xử lý số nợ xấu đã mua sẽ là ưu tiên tiếp theo.
Việc xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần là việc bán nợ cho các nhà đầu tư mới, vì điều cần quan tâm là thực tế các DN Việt Nam, khách hàng vay của các ngân hàng nói chung còn nhỏ bé, đang trong quá trình phát triển, còn có nhiều bất cập trong quản lý.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi phải xử lý nợ và cả tài sản bảo đảm của họ, điều đầu tiên cần nghĩ tới là làm thế nào để hỗ trợ, giúp họ vượt qua được khó khăn, chứ không phải tìm mọi cách để bán các khoản nợ và tài sản của họ với giá rẻ mạt.
Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc. Chỉ nên làm điều này, khi các giải pháp xử lý khác không thực hiện được. Bên cạnh đó, về mặt thời điểm, không nên nhìn tình hình kinh tế một cách quá bi quan. Nền kinh tế Việt Nam đang vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Điều đó có nghĩa, điều kiện kinh doanh sẽ thuận lợi hơn và tài sản sẽ có được giá trị của nó.
Đấy cũng là một lý do nữa cho thấy tại thời điểm hiện nay, việc mang nợ đi bán rẻ bằng mọi giá không phải là một giải pháp tốt.
Vậy, thông điệp trong vấn đề VAMC, vấn đề tái cơ cấu là gì?
Tái cơ cấu là việc không thể không làm, ngân hàng nào không chủ động tái cơ cấu sẽ không có cơ hội tồn tại và phát triển trong một hệ thống ngân hàng cạnh tranh rất khắc nghiệt hiện nay.
Những khó khăn vừa qua và hiện nay của các ngân hàng cho thấy yêu cầu thay đổi tư duy và phương thức quản trị tại nhiều ngân hàng là sự bắt buộc và cấp thiết.
VAMC đang tạo ra một cơ chế đặc biệt để giúp các ngân hàng có thể xử lý nợ xấu của mình một cách thuận lợi hơn, giúp các ngân hàng cơ cấu lại nguồn lực của mình một cách phù hợp hơn, có điều kiện tập trung nguồn lực vào các hoạt động tái cơ cấu khác.
Nhìn lại quá trình hoạt động ban đầu của VAMC, tôi không có nuối tiếc gì. Tôi thật sự tin rằng, nhiều ngân hàng nhận thức đúng đắn được những yêu cầu về việc phải xử lý nợ xấu và biết cách tận dụng được cơ hội để thay đổi, để tái cơ cấu.
Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm và không ít khó khăn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ từng bước giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong thể chế, cơ chế liên quan đến hoạt động của ngân hàng, của VAMC để góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD.