Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Chúng tôi nợ nhà đầu tư nhiều lời xin lỗi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại tọa đàm trực tuyến “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp" được tổ chức sáng ngày 24/6.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Chúng tôi nợ nhà đầu tư nhiều lời xin lỗi

Tại buổi tọa đàm, khi được hỏi vì sao đã 20 năm trôi qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ, trong khi đây là điều Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã làm được, ông Trần Văn Dũng thừa nhận, có những nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chủ đầu tư là HOSE trong quá trình thực hiện dự án hệ thống giao dịch KRX, cũng không lường hết tình hình và chưa quyết liệt.

Lý do đầu tiên là về mặt nhận thức.

"Thời điểm đó, cơ quan quản lý cũng như các nhà khoa học, các nhà kinh tế mặc dù có hiểu biết về chức năng, cách thức tổ chức thị trường nhưng hầu như không ai biết về cách thức vận hành hệ thống giao dịch", ông Dũng nói.

Thứ hai, tính cầu toàn của cơ quan quản lý cùng mong muốn có một hệ thống đáp ứng đầy đủ, toàn diện đã dẫn tới việc chuẩn bị cho hệ thống có nhiều vấn đề.

Ông Trần Văn Dũng (thứ 3 từ trái qua) trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 24/6.
Ông Trần Văn Dũng (thứ 3 từ trái qua) trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 24/6.

"Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt dự án, lúc này chúng tôi vẫn chưa có hình dung về hệ thống. Thị trường còn nhỏ, chỉ có vài mã cổ phiếu và đã được Thái Lan hỗ trợ, thì dự án được điều chỉnh chậm lại một chút. Trong quá trình đó, cơ quan quản lý cũng đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để lên mô hình thị trường và hồ sơ mời thầu. Lúc này, giới hạn về mặt nhận thức trở thành trở ngại, mất nhiều thời gian để định hình hệ thống", ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, triển khai dự án, lúc này chỉ triển khai cho HOSE, nhưng dự án là một dự án tổng thể cho cả HOSE, Trung tâm Lưu ký, thậm chí thay thế cả hệ thống HNX, đáp ứng cho cả phái sinh, trái phiếu dẫn tới dự án mở rộng ra. Đến năm 2009, HOSE ký được hợp đồng bảo trì với Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, lúc này hệ thống vẫn ổn nên chưa có sự quyết liệt trong triển khai.

“Đến khi triển khai hệ thống KRX thì một nhà thầu phụ rất quan trọng phía Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc bỏ cuộc, không tham gia nữa, đối tác mất rất nhiều thời gian tìm nhà thầu thay thế. Đến lúc giải quyết xong bài toán tổng thể, thi công, lắp đặt xong phần cứng và phần mềm thì bùng phát dịch Covid-19. Do hợp đồng ký kết không được thay đổi nội dung và kinh phí của dự án, nên kinh phí sẽ tăng lên rất nhiều nếu đưa hàng chục chuyên gia Hàn Quốc sang và ở lại, lúc đó chúng tôi chưa biết xử lý thế nào”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết thêm, từ ngày 14/6/2021, đã tiến hành thử nghiệm và dự kiến đến cuối năm sẽ đưa hệ thống vào hoạt động chính thức.

“Chúng tôi sẽ đưa hệ thống mới đi vào hoạt động sớm nhất, đồng thời cũng sẽ đảm bảo an toàn nhất để không còn sự cố xuất hiện. Mặc dù không có ngày cụ thế, nhưng chắc chắn không vượt quá thời hạn chúng tôi cam kết với thị trường, với các nhà đầu tư”, ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cũng kỳ vọng, trong năm 2022, nếu hệ thống KRX đi vào vận hành thì thị trường có thể thực hiện giao dịch trong ngày mở ra các thị trường mới như trái phiếu doanh nghiệp và có thêm các chỉ số mới, phái sinh chỉ số mới.

"Ở cương vị Chủ tịch UBCK, cũng từng đứng đầu HNX, HOSE, việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi. Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất. Tôi cũng bày tỏ lời xin lỗi đến các nhà khoa học, các nhà báo, các công ty chứng khoán vì dù nhận được nhiều câu hỏi trong thời gian qua, nhưng vì không có nhiều thời gian, nên chưa thể giải đáp được đầy đủ. Chúng tôi cũng rất cảm ơn tất cả mọi người vì những nỗ lực chung trong suốt gần 1/4 thế kỷ", ông Dũng nói.

Tin bài liên quan