Ông Nguyễn Trung Hà

Ông Nguyễn Trung Hà

Chủ tịch TVS: Giá dầu giảm, lẽ ra doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn

(ĐTCK) “Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào sức khỏe của khu vực doanh nghiệp…”, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) Nguyễn Trung Hà chia sẻ với ĐTCK.

Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2015?

Nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tích cực hơn trong năm 2015, bởi 3 yếu tố chính.

Thứ nhất là tác động tích cực từ giá dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nền kinh tế chịu tác động hai chiều, nhưng chiều hưởng lợi nhiều hơn. Nếu như những nước thuần nhập khẩu xăng dầu, họ được hưởng lợi 100 phần từ giá dầu thế giới giảm, thì Việt Nam được hưởng lợi khoảng 60 - 70 phần, sau khi trừ đi các tác động tiêu cực của hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Thứ hai, đó là những yếu tố tác động tích cực từ quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Thứ ba, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có triển vọng khả quan. Theo nhiều dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2015. Với nền kinh tế Trung Quốc, tuy gặp phải những khó khăn, nhưng vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.

Giá dầu thế giới giảm mạnh giúp giảm chi phí đầu vào, nên bức tranh lợi nhuận của DN sẽ được cải thiện, thưa ông?

Giá dầu giảm mạnh, lẽ ra DN được hưởng lợi nhiều hơn nếu Nhà nước không tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu. Giá dầu sụt giảm khiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) chịu nhiều sức ép, nên nhà điều hành đã tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để phần nào bù đắp cho phần hụt thu NSNN từ nguồn xuất khẩu dầu thô giảm. Cân đối thu chi NSNN không chỉ là bài toán khó trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn.

Thay vì tăng mạnh thuế, nếu nhà điều hành dành một phần dư địa này cho giảm thêm giá xăng dầu sẽ giúp DN giảm đáng kể chi phí đầu vào, qua đó cải thiện hiệu quả kinh doanh và đóng thuế nhiều hơn cho NSNN. Nói nôm na, giá dầu giảm, DN nên được hưởng lợi 7 phần, Nhà nước chỉ nên hưởng 3 phần, thay vì tỷ lệ này đang bị đảo ngược. Lựa chọn cách này, tuy khiến tốc độ thu vào ngân sách chậm, nhưng sẽ giúp chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực giảm thêm, qua đó gia tăng “sức khỏe” cho DN. Đây là điều rất tích cực, nhất là trong bối cảnh sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào “sức khỏe” của khu vực DN.

Với những nhìn nhận về bức tranh kinh tế như trên, ông dự báo gì về TTCK 2015?

Nếu giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh, TTCK sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực.

Một giải pháp gốc rễ khác để hỗ trợ TTCK phát triển bền vững là thúc đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, theo tôi, nhà điều hành cần phân định rõ phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trên thế giới, sự lẫn lộn về phạm vi, chức năng hoạt động của hai lĩnh vực này đã dẫn đến nhiều bài học thất bại mà Việt Nam cần tránh.

Trong khi nguyên tắc gần như quan trọng nhất của ngân hàng thương mại là đảm bảo thu đúng gốc và lãi theo thời hạn đã định để thỏa mãn đòi hỏi đặt an toàn lên trên hết, thì với ngân hàng đầu tư có phần ngược lại, đó là đồng vốn đi săn tìm rủi ro để có được lợi nhuận hấp dẫn và đương nhiên chấp nhận tỷ lệ rủi ro mất vốn cao hơn.

Lý thuyết về hoạt động của ngân hàng đầu tư là chấp nhận rủi ro cao, nhưng thực tế hoạt động của TVS với định hướng được định ra ngay từ khi đi vào hoạt động cách đây 8 năm là phát triển TVS trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu Việt Nam, lại đang cho thấy “vênh” so với lý thuyết, thưa ông?

Không thể chủ quan cho rằng, hiểu về rủi ro thì có thể làm liều. Nhà quản trị chuyên nghiệp và có tầm không cho phép mình hành xử như vậy. Để trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu và luôn duy trì lợi nhuận dương kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, TVS có triết lý hoạt động khá bảo thủ. Một mặt, Công ty tuân thủ chặt chẽ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro, với sự hỗ trợ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới, với tư cách là đơn vị đầu tư chiến lược vào TVS. Mặt khác, TVS biết cách bỏ qua những cơ hội (kèm theo đó là rủi ro), mà với lợi thế của mình, TVS nhận thấy cơ hội đó khó mang lại lợi ích.

Để TVS lớn mạnh về dài hạn, sau khi cùng đơn vị tư vấn EY xây dựng hệ thống quả trị rủi ro, TVS đã đưa hệ thống này vào vận hành trong năm 2014. Với kết quả vận hành tích cực, TVS chủ động và hiệu quả hơn trong quản trị rủi ro, qua đó giúp HĐQT định hình rõ hơn khẩu vị rủi ro trong hoạch định chiến lược hoạt động theo hướng tiếp tục củng cố TVS là ngân hàng đầu tư hàng đầu thị trường, nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông, khách hàng, Công ty trong thời gian tới, nhất là sau giai đoạn TVS niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM.

Chiến lược hoạt động sắp tới của TVS là tranh thủ tối đa các cơ hội ngắn hạn mà nền kinh tế mang lại, nhưng rất thận trọng trong trung hạn và rất vững chắc về dài hạn.

Tin bài liên quan