Chủ tịch Thế giới di động: Con người làm việc cũng chỉ có 2 động lực, một vì tiền, hai vì niềm vui

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động chia sẻ, đến một lúc nào đó, sẽ bước được qua giai đoạn làm vì tiền và chỉ còn làm vì niềm vui - yếu tố mang lại động lực “rất khủng khiếp”.

Ước tính mức định giá như thế nào là hợp lý, có tách các mảng để IPO, lãnh đạo có cảm thấy mệt mỏi, có thấy mình được trả công xứng đáng sau những công việc đã làm… là những câu hỏi mà cổ đông vừa đặt ra cho 3 lãnh đạo quan trọng tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG), trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức chiều nay.

Trong khi ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập/Chủ tịch HĐQT Thế giới di động nói “không thấy có gì mệt mỏi lắm, vì không quá khó và thấy giá trị việc mình làm”, thì ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới di động (phụ trách chuỗi Bách hoá xanh) lại chọn câu trả lời rằng “có lúc vui, có lúc không vui thì áp lực nhưng tựu chung, vui nhiều hơn không vui”.

Ông Nguyễn Đức Tài lý giải, nếu không yêu thích công việc mình làm thì chắc hẳn sẽ thấy mệt mỏi và lấy ví dụ về trạng trái “tóc tai dựng lên, mặt mũi bơ phờ” từ bạn bè của ông - những người đang điều hành các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Hay ví dụ từ các cầu thủ, thích đá bóng thì ngoài việc được chơi theo sở thích, họ còn được trả tiền. Với ông Tài, đó là điều không có gì tuyệt vời hơn.

Nhưng nếu trong vai một cầu thủ không thích đá bóng và xem việc chạy vòng vòng trên sân 90 phút mỗi ngày chỉ để kiếm tiền thì điều ấy là “quá cực, quá khổ”.

Ông Nguyễn Đức Tài trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức chiều 15/5..

Ông Nguyễn Đức Tài trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức chiều 15/5..

Gắn bó với Thế giới di động từ những ngày đầu thành lập đến nay, ông Tài “không thấy có gì mệt mỏi lắm” vì những công việc phải làm, với ông là không quá khó và từ đó, ông có thể nhìn thấy giá trị từ công việc mình đã làm.

Doanh nhân này cho rằng, con người khi làm việc gì cũng chỉ có 2 động lực. Một là vì tiền. Hai là vì niềm vui.

“Ước mơ của Tập đoàn này rất đơn giản. Trong 5-7 năm tới sẽ lấy lại ngành bán lẻ này về tay người Việt Nam.

Nó (Thế giới di động - PV) không muốn ai đó từ phương trời xa xôi đến múa rìu, thống trị và nói rằng Việt Nam phải mua hàng của họ”, ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập/Chủ tịch HĐQT/cổ đông sở hữu hơn 15% vốn tại Thế giới di động thẳng thắn chia sẻ.

Sẽ có giai đoạn chỉ làm vì tiền, rồi sau một thời gian, công việc có thể được thực hiện bằng sự kết hợp giữa mục đích vì tiền và vì niềm vui.

Đến một lúc nào đó, sẽ bước được qua giai đoạn làm vì tiền và chỉ còn làm vì niềm vui - yếu tố mang lại động lực mà theo ông Tài là “rất khủng khiếp”.

Còn ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế giới di động (phụ trách chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh) tỏ ra hài lòng khi thấy bản thân được tưởng thưởng xứng đáng.

Làm việc ở Thế giới di động, Hiểu Em có được động lực từ cả tiền và niềm vui.

“Đúng, có thể là thu nhập hàng tháng, lương thưởng (ở Thế giới di động - PV) cũng bằng hoặc là thấp hơn so với thị trường một chút, nhưng rõ ràng, chúng tôi đi chung trên một con thuyền. Và khi con thuyền này ra khơi cùng đánh cá và khi quay về với chiếc thuyền đầy cá thì tất cả đều được chia lại cho nhau”, ông Hiểu Em nói.

Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh tin rằng, trong hơn 16 năm qua (công ty thành lập năm 2004 - PV) Thế giới di động đã có nhiều sáng tạo.

Nếu không, họ chỉ là một công ty bán điện thoại trong khi hiện nay đã mở rộng sang bán lẻ điện máy, dược phẩm, thực phẩm, đồng hồ…và để ngỏ khả năng mở thêm ngành hàng trong tương lai.

“Các doanh nghiệp khác rất sáng tạo trong việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Nhưng để từ quy mô startup đến khi thành công rồi lớn mạnh luôn đòi hỏi nỗ lực và tập trung khủng khiếp. Đội ngũ tại Thế giới di động có được năng lực này”, ông Doanh đánh giá sau hơn 13 năm làm việc tại doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy số 1 Việt Nam.

Ông Trần Kinh Doanh đã từng và đang là lãnh đạo rất quan trọng tại Thế giới di động.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động.

Trước khi mô hình bán lẻ thực phẩm là chuỗi Bách hoá xanh ra đời, ông Doanh tham gia đặt nền móng, đưa chuỗi bán lẻ điện thoại phát triển mạnh.

Sau này, khi Bách hoá xanh được đặt vào vị trí trụ cột tăng trưởng cho công ty trong tương lai, ông Doanh được giao và nhận lấy trách nhiệm đứng mũi chịu sào cho chuỗi .

Sinh năm 1973, tốt nghiệp đại học Kinh Tế TP.HCM chuyên ngành kinh tế học, ông Doanh được Thế giới di động giới thiệu là người “có những đóng góp vô cùng to lớn cho công ty, là người trực tiếp hoàn thành nhiệm vụ đưa hệ thống thegioididong.com có mặt ở 63 tỉnh, thành phố”.

Điểm qua sơ lược như vậy để thấy, khi nói về Thế giới di động, ngoài “linh hồn” của doanh nghiệp này thường được nhắc đến là ông Nguyễn Đức Tài thì vai trò, vị trí của một lãnh đạo như ông Trần Kinh Doanh là không thể không đề cập đến.

“Tôi nghĩ, đối với tôi thì nó (phần trả công - PV) cũng không xứng đáng. Mọi Đại hội đồng cổ đông, ai cũng hỏi về ESOP. Tiền thưởng đối với cá nhân tôi đến từ ESOP, nhưng nếu so với tạo ra những mảng kinh doanh mới, lớn lên và hiệu quả thì tôi thấy 3% nó không nhiều”, ông Trần Kinh Doanh thẳng thắn trả lời câu hỏi: "ông có cảm thấy mình được trả công xứng đáng với những gì đã làm tại công ty hay không?".

CEO Nguyễn Đức Tài trả lời hai câu hỏi của cổ đông về mức định giá và tách các mảng để IPO:

Ông ước tính mức định giá của công ty bao nhiêu là hợp lý?

Định giá công ty này là bao nhiêu thì khó nói. Nhưng với một công ty bán lẻ ngon lành (như Thế giới di động - PV) thì định giá của nó trong khoảng 0,8-1,2 trên doanh số là một mức giá hợp lý.

Thế giới di động có ý định tách các mảng ra để IPO hay không?

Ngắn hạn thì chưa, còn trong tương lai thì chưa biết. Đó cũng là một cái gì đó thú vị và vẫn là một khả năng để mở.

Đến khi Bách hoá xanh ngon lành (có lãi bù đắp mọi chi phí bao gồm cả khấu hao - PV) thì chúng tôi sẽ xem xét việc tách ra để IPO có phải là một cơ hội hay không.

Vì các mô hình kinh doanh quá lớn để chung với nhau thì cũng không hiệu quả. Còn nếu nó chưa đủ lớn lại tách ra thì cẩn thận chết yểu.

Đủ lông, đủ cánh thì cho nó cất cánh lên trời, nó bay. Chưa đủ lông, đủ cánh mà thả ra sẽ không bay được và rớt đất.

Tin bài liên quan