Từ bỏ công việc ổn định của một công chức Nhà nước để dấn thân vào nghiệp kinh doanh và thăng tiến rất nhanh từ vị trí đội trưởng đội xây dựng công trình giao thông thuộc công ty cấp huyện lên vị trí Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT CTCP TASCO, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công công trình giao thông, nhưng con đường đó của ông Phạm Quang Dũng không phải trải bằng hoa hồng. Những trải nghiệm trên con đường kinh doanh càng khiến ông Dũng tâm đắc với triết lý của tiền nhân: “Thất bại là mẹ thành công”.
Tinh thần doanh nhân vượt qua thách thức đó của ông Dũng là một trong những tiêu chí được Hội đồng bình xét Giải thưởng quốc tế “EY – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” năm 2014 tại Việt Nam đánh giá cao.
“Thất bại cũng là một tài sản”
Ông Dũng chia sẻ: “Với tôi, trong kinh doanh, không tồn tại khái niệm may mắn. Kiến thức, kinh nghiệm cùng một ý chí sắt đá mới là những yếu tố giúp doanh nhân thành công. Những người thất bại là những người bỏ cuộc giữa chừng. Thất bại cũng là một tài sản, là bài học kinh nghiệm, không phải vì sợ thất bại mà mình dừng lại. Những người thất bại nhất là những người chưa bao giờ thất bại”.
Không ngại thử thách, dám chấp nhận những thất bại, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra hướng đi mới, chính nhờ phẩm chất đó mà ông Dũng đã dũng cảm từ bỏ công việc ổn định của một công chức trong bộ máy chính quyền huyện Hải Hậu, Nam Định sau 15 năm gắn bó, để dấn thân vào nghiệp kinh doanh từ năm 1995.
Chỉ được đào tạo về kế toán, không có chuyên môn về xây dựng, nhưng ông Dũng đã lập đội thi công trực thuộc Công ty Xây dựng Hải Hậu, một doanh nghiệp cấp huyện chuyên thi công các công trình xây dựng và giao thông. Không trông chờ Công ty giao việc, đội xây dựng của ông Dũng tự tiếp thị, tìm kiếm hợp đồng và tổ chức thi công. Nhờ sự năng động, thi công tốt, chỉ sau hai năm thành lập, đội xây dựng của ông Dũng đã đóng góp tới 2/3 doanh thu cho Công ty.
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông Dũng là khi đội xây dựng của ông tham gia thi công hạng mục đường dẫn lên cây cầu Thức Hóa trên tỉnh lộ 51B do Công ty Xây dựng công trình giao thông Nam Định (sau này được đổi tên thành TASCO) thi công. Thấy cách làm việc hiệu quả, đâu ra đấy, Giám đốc Công ty Xây dựng công trình giao thông Nam Định khi đó đã vận động ông Phạm Quang Dũng lên làm Giám đốc thay ông.
Thời điểm ông Dũng tiếp quản “di sản” của TASCO, Công ty đang ngập trong khó khăn, nội bộ năm bè bảy mối. Hai năm sau, Công ty được cổ phần hóa, giá trị doanh nghiệp được xác định là 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cổ phần hóa là 600 triệu đồng, giá trị doanh nghiệp chỉ còn 600 triệu đồng với mấy căn nhà cấp bốn. Nhưng ông Dũng kiên trì tìm hướng đi giúp Công ty thoát khỏi khó khăn với tâm niệm: càng vượt qua khó khăn bao nhiêu thì thành công lại càng có ý nghĩa bấy nhiêu.
Kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp hầu như bằng không, sóng gió thương trường không thể lường hết được, nên TASCO dưới sự điều hành của ông Dũng có lúc tưởng chừng đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng phẩm chất của người lính từng vào sinh ra tử khiến ông Dũng luôn chấp nhận đương đầu với thử thách và coi khó khăn có thể ẩn chứa nhiều cơ hội. Cảm hứng đó của người “thuyền trưởng” TASCO đã được truyền tới từng kỹ sư, cán bộ công nhân viên trong Công ty, giúp Công ty vượt qua nhiều khó khăn, quy mô ngày càng mở rộng.
Điều chỉnh chiến lược sau 3-6 tháng biến động
TASCO tập trung chủ yếu vào mảng xây dựng hạ tầng, cụ thể là đầu tư làm đường giao thông theo hình thức BOT. Công ty đã mở rộng rất nhiều tuyến đường huyết mạch của nền kinh tế. Người con Nam Định đã dành tình cảm của mình cho quê hương bằng việc đầu tư xây dựng những tuyến đường cao tốc từ Thủ đô về tỉnh cũng như nhiều tuyến đường xuống các huyện, làm thay đổi bộ mặt của quê hương. Nếu như trước kia, từ Hà Nội về Nam Định mất hơn 2 giờ xe chạy thì giờ đây thời gian được rút xuống còn hơn một nửa.
TASCO cũng đầu tư nhiều tuyến đường khác, như tại tỉnh Thái Bình (dự án BOT 39). Hiện TASCO đang triển khai dự án BOT Quốc lộ 1A Quảng Bình có chiều dài 30 km, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là dự án điển hình, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe, dự kiến sẽ hoàn thành trước thời hạn 6 tháng.
Thế nhưng, trong thời kỳ bất động sản tăng nóng, cũng như nhiều doanh nghiệp, đã có lúc TASCO định chuyển hướng đầu tư vào thị trường này, khiến Công ty gặp không ít khó khăn.
Ông Dũng thẳng thắn thừa nhận: “Sai lầm của tôi cũng bắt nguồn từ việc nhìn đâu cũng thấy cơ hội, luôn muốn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh. Đây cũng là sai lầm của rất nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, khi chưa đưa ra được những sản phẩm tốt nhất trên thị trường đã phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm khác mà không hiệu quả”. Bài học được ông rút ra từ “sai lầm” này là doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược hoạt động, kiểm soát chiến lược và điều chỉnh kịp thời khi có biến động.
Trước chủ trương đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông của Chính phủ, ông Dũng đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu của TASCO: mạnh về làm đường nhưng chưa mạnh về làm cầu lớn và ông quyết định phải phát triển năng lực thi công cầu bằng việc mua cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực thi công cầu (với tỷ lệ nắm giữ của TASCO và các cá nhân liên quan tới 41%) để tạo ra một liên minh đủ mạnh trước các đối thủ, hướng tới mục tiêu tham gia đấu thầu và đầu tư các dự án quy mô lớn trong nước và khu vực.
Con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp
Trong giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua, nếu như nhiều doanh nghiệp tập trung vào việc quản lý dòng tiền, thì ông Dũng lại dành mối quan tâm đặc biệt cho việc nâng cấp hệ thống quản trị, đặc biệt là quản trị nhân sự. Bởi ông tâm niệm: không có hệ thống quản trị tốt, chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp thì không thu hút được nhân sự tốt, mà nhân sự tốt chính là tài sản quý nhất, quyết định thành công của doanh nghiệp. Điều đó được đúc rút từ thực tế Công ty từng phải đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám.
TASCO đã đưa hệ thống quản trị thẻ điểm cân bằng (BSC) ứng dụng vào công tác quản trị doanh nghiệp từ năm 2011 và đang dần vận hành ổn định, hiệu quả. Hệ thống quản trị tiên tiến này hiện mới được 7% doanh nghiệp áp dụng, theo báo cáo thường kỳ của TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam. Ông Dũng tin tưởng, với mô hình quản trị này TASCO sẽ có biến chuyển vượt bậc trong vòng một hai năm tới. Hiện nay hệ thống BSC đã được triển khai nhân rộng sang Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và các công ty trong hệ thống.
Ông Dũng luôn tâm niệm rằng, sức mạnh của tập thể được coi là vốn quý. Theo ông Dũng, dù người lãnh đạo giỏi đến đâu cũng không thể tự làm nên thành công, mà cần sự đồng tâm, hiệp lực của cả một tập thể. Vì vậy, mô hình quản lý ông xây dựng hướng tới tư tưởng quản lý mở, lãnh đạo luôn lắng nghe đến cùng mọi ý kiến đóng góp của nhân viên.
“Tôi mất 10 năm để xây dựng hệ thống quản trị nhân sự và có rất nhiều bài học xương máu về quản trị”, ông Dũng nói và cho biết thêm, một trong những sai lầm người ta thường mắc phải khi đánh giá một con người là chỉ nhìn vào những khiếm khuyết, mà quên đi những điều tốt đẹp của họ.
Nhờ có sự khuyến khích, tạo động lực để nhân viên luôn sáng tạo trong công việc hàng ngày, các dự án của TASCO luôn vượt tiến độ từ 6 - 8 tháng, chất lượng tốt.
Với đặc thù kinh doanh mà sản phẩm là công trình hạ tầng đường sá, rất khó tạo sự khác biệt, ông Dũng cho biết, TASCO nỗ lực tạo sự khác biệt bằng việc xây dựng môi trường làm việc, bố trí hiện trường khoa học, từ những việc tưởng như rất nhỏ là bố trí những biển hiệu trên những tuyến đường đang thi công để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Ông Dũng đang nỗ lực bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Luôn khuyến khích và ủng hộ những tư tưởng cách tân, nhưng điều ông lo lắng nhất là thế hệ sau liệu có gìn giữ được văn hóa của doanh nghiệp?
“Biến dạng văn hóa doanh nghiệp là tụt hậu. Duy trì được văn hóa doanh nghiệp, tôn trọng các giá trị cốt lõi thì doanh nghiệp sẽ trường tồn mãi mãi”, ông Dũng chia sẻ.