Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, việc chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể sẽ làm mai một đi văn hóa Việt Nam. Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc, ông có bình luận gì về ý tưởng và những phản biện trên? IBC nói riêng, Tập đoàn Egroup nói chung sẽ làm gì để góp sức cho khát vọng phát triển trẻ em Việt Nam có năng lực “công dân toàn cầu”, thưa ông?
Nhìn ở góc độ giáo dục, tôi cho rằng ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một động thái rất tích cực và cần thiết, đúng như cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nếu đề xuất này được cụ thể hóa thành chính sách, đó sẽ là một nguồn lực lớn cho phát triển con người Việt Nam và tiếng Anh sẽ là bàn đạp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam, hội nhập với kinh tế thế giới và là công cụ để chúng ta quảng bá tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới.
Mặt trái của sự hội nhập là nỗi lo hiện hữu về sự mai một văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong thế giới phẳng hội nhập cao như hiện nay. Tuy nhiên sự mai một đó không phụ thuộc vào sự phổ biến của tiếng Anh mà phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của cá nhân. Đây lại là kết quả của nền giáo dục và truyền thống văn hóa của gia đình.
Nhìn từ trường hợp Hàn Quốc, sau một thời gian dùng tiếng Anh tiếp thu kiến thức khoa học của thế giới và vẫn đang tiếp tục có các chính sách phát triển đào tạo tiếng Anh với sự tham gia của khối tư nhân, Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc ngang hàng với các nước phát triển khác.
Vị thế đó cho phép văn hóa Hàn Quốc lan tỏa và có sức ảnh hưởng mạnh. Văn hóa truyền thống của Hàn Quốc không bị mất đi, ngược lại được quảng bá khắp thế giới.
Về phần mình, Egroup và cụ thể là IBC có kế hoạch phát triển hai nội dung quan trọng trong việc phát triển con người thế hệ công dân toàn cầu là (i) đào tạo tiếng Anh theo chương trình phát triển ngôn ngữ thứ hai ESL (thông qua Apax English) và (ii) phát triển tư duy mới (thông qua CMS).
Học tiếng Anh tốt là công cụ cần thiết để giao tiếp và học hỏi kiến thức, văn minh nhân loại; đào tạo tư duy tốt để khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm mạnh để người Việt làm chủ cuộc chơi trên quy mô lớn toàn cầu.
Năm 2019 là năm thể hiện sức khỏe nội tại của doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam. Đây sẽ là một năm nhiều cơ hội, trong đó, các ngành bất động sản, tài chính, công nghệ, giáo dục tiếp tục là những điểm sáng.
Năm 2018, IBC mong muốn mở rộng hoạt động đào tạo tiếng Anh Apax English tại khu vực phía Nam, nâng tổng số trung tâm lên 100. Nhưng hiện tại số trung tâm Apax English đã giới thiệu ra công chúng mới đạt con số 68 trung tâm. Vậy năm 2019, IBC có tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường phía Nam không và giải pháp để thực hiện mục tiêu này là gì, thưa ông?
Với Apax Holdings, tôi luôn giữ vững quan điểm coi trọng tăng trưởng nhanh nhất với chiến lược Mượn - Giành - Dẫn. Ở thời điểm vừa qua, chúng tôi nhận thấy có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đặt ra trong thời gian tới nếu cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đây là một sự điều chỉnh chủ động nhằm mang tới kết quả cao hơn nữa.
Năm 2019, Apax Holdings sẽ tăng tốc trở lại để đảm bảo kế hoạch trong dài hạn. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn vốn và đào tạo nhân sự để chuẩn bị cho việc này.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất mới và chất lượng giáo viên, năm tới Apax Holdings sẽ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, bổ sung các dịch vụ mới phù hợp với thị trường miền Nam để chiếm lĩnh thị trường này.
Nếu đặt 2 chỉ tiêu sau cạnh nhau: Số trung tâm tiếng Anh dự tính mở 2018 là 100 với lợi nhuận IBC dự tính là 92,1 tỷ đồng; Số trung tâm thực hoạt động 2018 là 68 (giảm 30% so với kế hoạch), lợi nhuận 2018 dự tính là 79,58 tỷ đồng (giảm 13% so với dự tính) thì phải chăng các trung tâm tiếng Anh của IBC hiện có đạt hiệu quả tốt hơn so với kế hoạch, thưa ông?
Đây là một minh chứng cụ thể về việc cải thiện chất lượng tăng trưởng. Trong kế hoạch năm 2018, ban đầu chúng tôi tập trung nguồn lực cho tăng trưởng cả quy mô và tăng chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy cần đẩy mạnh hơn cho nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó cụ thể là chất lượng nhân sự, hệ thống quản lý chất lượng và khâu chăm sóc khách hàng sau một thời gian tăng trưởng nhanh.
Chính vì thế, sau quyết định này, bên cạnh chỉ số hiệu quả về tăng doanh thu và lợi nhuận như trên đã nói, năm nay chỉ số chất lượng dịch vụ tăng lên rõ rệt, mức độ hài lòng và tỷ lệ tái tục của khách hàng cao hơn.
Ông dự cảm như thế nào về sự phát triển của nền kinh tế, TTCK Việt Nam 2019? Tại IBC, nhà đầu tư, cổ đông có thể kỳ vọng điều gì năm 2019, thưa ông?
Năm 2019 là năm thể hiện sức khỏe nội tại của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nhất là cuộc chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung chưa có lối ra.
Nhìn chung đây sẽ là một năm nhiều cơ hội, với tăng trưởng mạnh về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI). Các ngành bất động sản, tài chính, công nghệ, giáo dục tiếp tục là những điểm sáng. Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới niêm yết trên thị trường và chỉ số chứng khoán nhiều khả năng sẽ tăng, giá trị giao dịch sẽ ở mặt bằng cao hơn.
Với cổ phiếu IBC của Apax Holdings, tôi mong các cổ đông tin tưởng vào giá trị dài hạn và tầm nhìn giáo dục của chúng tôi. Chính niềm tin cùng kỳ vọng Apax Holdings sẽ phát triển mạnh mẽ của nhà đầu tư khiến thị trường không xảy ra tình trạng bán ngay cả khi chúng tôi điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh xuống còn 79 tỷ đồng.
Năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hoạt động đào tạo tiếng Anh với các sản phẩm mới thông qua Apax English, chiếm lĩnh thị trường miền Nam như cách chúng tôi đã thành công ở miền Bắc.