Dịch cúm Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp. Ông đánh giá thế nào về công tác kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam đến thời điểm hiện tại?
Ông Đặng Triệu Hoà.
Thông qua thông tin trên các phương tiện truyền thông về mức độ lây nhiễm, tỷ lệ người nhiễm bệnh, cũng như việc chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh, rõ ràng Covid-19 là một dịch bệnh nguy hiểm.
Cho đến thời điểm này, nhìn sang tình hình phòng và chống dịch của các nước trên thế giới, tôi cho rằng, công tác kiểm soát và phòng chống dịch của Việt Nam là rất tích cực, cả về số ca nhiễm và công tác theo dõi cách ly. Ðây sẽ là “điểm cộng” của Việt Nam đối với các bạn hàng quốc tế.
Việc Việt Nam duy trì được khả năng cung ứng, trong khi các nước khác bị gián đoạn, có thể thúc đẩy các thương hiệu chuyển đơn hàng tới Việt Nam nhiều hơn, qua đó cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đến Việt Nam theo sự dịch chuyển của chuổi cung ứng.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiên trì đến khi dịch bệnh này qua đi.
Ðối với STK, để phòng ngừa dịch bệnh, ngay từ đầu tháng 2/2020, Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp cho cán bộ, công nhân viên như kiểm tra thân nhiệt người ra vào Công ty, yêu cầu khách tới thăm Công ty kê khai thông tin về lịch trình di chuyển, thường xuyên vệ sinh và khử trùng văn phòng, nhà xưởng, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch…
Dịch bệnh đã tác động lớn tới nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Ðễ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, các gói kích cầu kinh tế đã được Chính phủ đưa ra. Ông có đánh giá gì về động thái này?
Thông tin được đưa ra về các gói kích cầu bao gồm việc giảm lãi vay, giảm thuế, giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp, cũng như khuyến khích tăng cường sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cho ngành dệt may, da giày..., tôi thấy đây là sự hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam rất cần phát triển nguồn nguyên phụ liệu dệt may trong nước để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Nếu làm tốt được điều này, chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam sẽ hoàn thiện hơn, từ đó tăng khả năng thu hút các đơn hàng may mặc.
Lâu nay, Trung Quốc được ví là công xưởng của thế giới, là nguồn cung nguyên liệu chính cho nhiều nước, bao gồm cả Việt Nam. Ðiều này sẽ tác động thế nào tới ngành dệt may Việt Nam khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất khó lường?
Trong bối cảnh tình hình bệnh dịch hiện tại, nhiều khả năng tổng nhu cầu trên thế giới sẽ sụt giảm, song mức độ giảm bao nhiêu thì chưa thể dự báo bởi đến nay vẫn chưa có giải pháp không chế dịch bệnh hiệu quả.
Tương tự, chúng ta cũng chưa đánh giá cụ thể về tổng cung khi hoạt động sản xuất thay đổi mỗi ngày.
Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan tại nhiều quốc gia, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng số ca nhiễm gia tăng đột biến. Vì vậy, tôi cho rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động chính thức của dịch bệnh này đối với ngành nghề và nền kinh tế các nước. Song, tôi tin chắc rằng, quốc gia nào phòng chống tốt được dịch bệnh sẽ thắng lợi cả về yếu tố con người và kinh tế.
Dịch Covid-19 đang tác động tới “đầu ra” của STK, trong đó có những khách hàng lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… Ông có thể chia sẻ giải pháp ứng phó của STK?
Nhờ sớm có sự chuẩn bị, tăng trưởng đơn hàng của STK vẫn đang khá tốt. Ngoài các khách hàng hiện hữu, chúng tôi cũng có thêm đơn hàng từ một số khách hàng mới.
Ðể ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại, mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược riêng. Với STK, chúng tôi luôn tìm cách cân bằng lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
Theo đó, bên cạnh yếu tố giá cả, STK chú trọng hơn tới giá trị của sản phẩm và giá trị của sự bền vững.
Cụ thể hơn, chiến lược để STK có thể xây dựng mạng lưới khách hàng bền vững là luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh và có chính sách giá hợp lý, hỗ trợ để khách hàng ổn định nguồn cung trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Ðể phân tán rủi ro, STK áp dụng chính sách đa dạng hóa danh mục khách hàng cũng như nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Tất nhiên, chúng tôi vẫn luôn lưu ý tới diễn biến phức tạp của dịch bệnh để có thể đưa ra giải pháp nhanh chóng, kịp thời và phù hợp.
STK đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, trong đó dự kiến tăng tỷ trọng sợi tái chế từ 35% lên 50% tổng doanh thu. Tính khả thi của kế hoạch này ra sao, theo ông?
Mục tiêu nâng tỷ trọng sợi tái chế lên 50% tổng doanh thu trong năm nay được đặt ra dựa trên tính toán về xu hướng thị trường, kế hoạch mua hàng của các khách hàng trực tiếp, cũng như các thương hiệu thời trang lớn.
Kế hoạch là vậy, nhưng mọi việc vẫn phải phụ thuộc vào thực tế. Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid như hiện nay, doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.
Sợi tái chế tiếp tục là động lực tăng trưởng
Ghi nhận thông tin tại buổi gặp gỡ giữa STK và các chuyên gia phân tích, năm 2020, STK đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.558 tỷ đồng, tăng 14,8% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận gộp đạt hơn 399 tỷ đồng, tăng 12,7% với biên lợi nhuận gộp khoảng 16%; lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 234,8 tỷ đồng, tăng 9,4%.
Động lực chính cho kế hoạch trên đến từ việc tăng tỷ trọng sợi tái chế từ 35% năm 2019 lên 50% trong năm nay, đồng thời đơn giá bán bình quân cũng tăng do sợi tái chế có mức giá tốt hơn và dự báo đơn giá nhựa đầu vào được giữ nguyên. Ngoài ra, STK còn đang được hưởng lợi ưu đãi thuế từ Nhà máy Trảng Bàng.
Đại diện STK chia sẻ, năm nay, Công ty sẽ thuê một chuyên gia người Đức để phụ trách bộ phận phát triển sản phẩm mới.
Đây là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao, qua đó kỳ vọng hỗ trợ cho STK trong chiến lược phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để cải thiện biên lợi nhuận.
Thực tế, thời gian qua, STK đã tập trung phát triển mạng lưới khách hàng sử dụng sợi tái chế (chủ yếu là các công ty dệt phục vụ các thương hiệu hàng đầu như Nike, Adidas, Puma...).
STK đang nghiên cứu tăng thêm các tính năng cho sợi tái chế như khả năng chống tia cực tím, hút ẩm, chống nhăn, sợi tái chế màu...
Theo kế hoạch, STK sẽ nâng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% vào năm 2025.
Trong năm 2019, STK đã có một số đơn hàng sợi cho công nghiệp ô tô (là khách hàng ở Mỹ chuyên cung cấp nội thất cho các thương hiệu xe hơi lớn, có nhà máy tại Anh và Mỹ).
Theo Chủ tịch STK, quy trình sản xuất sợi công nghiệp ô tô không khác loại sợi thông thường, nhưng yêu cầu rất cao về chất lượng, bù lại sản phẩm có giá cao và đơn hàng ổn định.
Chia sẻ về nguồn cung nguyên liệu trong bối cảnh hiện tại, ông Hoà cho biết, STK thường mua tích trữ nguyên vật liệu trước cả tháng.
Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của STK không chịu nhiều tác động bởi dịch nhờ đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu từ Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia…, nên khi nguồn cung chính là Trung Quốc bị gián đoạn có thể tăng nhập khẩu từ các thị trường này.
Đối với chiến lược phát triển khách hàng bền vững, ông Hoà cho rằng, điều quan trọng là phải chia sẻ khó khăn với khách hàng, tức là không vì bối cảnh nguồn cung sợi đang thiếu hụt mà “ép” khách hàng phải mua giá cao.
Thay vào đó là cùng nhau đưa ra giải pháp về số lượng đơn hàng, chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng của STK… để phù hợp với nhu cầu khách hàng, từ đó mới có thể duy trì mối quan hệ lâu dài, bền vững.