SoftBank là “tay to” trên thị trường phái sinh, đứng sau đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cú đánh cược 4 tỷ USD
Tỷ phú Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank Group thời gian qua đã có cú đánh cược tại thị trường phái sinh. Các tài liệu cho thấy, SoftBank đã chi khoảng 4 tỷ USD mua quyền chọn mua cổ phiếu, tập trung vào các cổ phiếu công nghệ mà Tập đoàn đang nắm giữ. Tổng giá trị cổ phiếu trong các quyền chọn lên đến 30 tỷ USD.
Những cổ phiếu công nghệ mà SoftBank nắm giữ, cũng như tham gia mạnh trên thị trường quyền chọn bao gồm Amazon, Microsoft, Netflix và Tesla.
Sự gia tăng khối lượng mua quyền chọn mua - hợp đồng cho phép người sở hữu có quyền mua cổ phiếu với mức giá ấn định trước trong tương lai - trở thành động lực thúc đẩy đà tăng của nhiều cổ phiếu công nghệ. Với chiến lược này, SoftBank có thể chốt lời từ xu hướng tăng giá.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ, nhất là sàn Nasdaq - nơi tập trung các cổ phiếu công nghệ lớn đã có diễn biến điều chỉnh kể từ phiên 3/9. Trong đó, Nasdaq vừa trải qua những phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Theo báo cáo tài chính mới nhất giai đoạn tháng 3-6/2020, SoftBank sở hữu 1,04 tỷ USD cổ phiếu Amazon, 475 triệu USD cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google), 248,6 triệu USD cổ phiếu Adobe, 189 triệu USD cổ phiếu Netflix và 122,9 triệu USD cổ phiếu Tesla (giá trị tính tại thời điểm 30/6/2020).
Giá cổ phiếu SoftBank ngay lập tức giảm hơn 7% sau khi các thông tin trên được công bố, khiến giá trị thị trường của Tập đoàn bị thổi bay khoảng 9 tỷ USD.
Những vết trượt dài
Sau không ít thương vụ đầu tư liều lĩnh và chuyển hướng đột ngột, thời gian gần đây, nhà đầu tư 63 tuổi này có những thay đổi theo hướng “thân thiện” hơn với cổ đông, cộng đồng nhà đầu tư vào SoftBank, nhất là sau áp lực từ cổ đông lớn Elliott Management Corp.
Chẳng hạn, Masayoshi Son cho biết sẽ bán 4.500 tỷ yên (42 tỷ USD) tài sản và mua lại cổ phiếu trị giá 2.500 tỷ yên để hỗ trợ đà hồi phục của giá cổ phiếu SoftBank.
Trước đó, cổ phiếu này lao dốc bởi WeWork - một trong những khoản đầu tư lớn của Tập đoàn vướng vào hàng loạt bê bối và không thể lên sàn như kế hoạch.
Tuy nhiên, việc tiến vào “sới bạc” phái sinh vừa qua khiến niềm tin vào Masayoshi Son một lần nữa lung lay.
Theo đó, những vết trượt trong quá khứ và tình hình không lấy làm khả quan của các khoản đầu tư lại trở thành tâm điểm.
Vision Fund, quỹ đầu tư quy mô 100 tỷ USD của SoftBank, đồng thời là quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, vừa báo cáo thua lỗ 17,7 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, nguyên nhân chính là việc phải đánh giá lại các khoản đầu tư vào Uber Technologies và WeWork.
Khoản đầu tư thất bại nhất của SoftBank là WeWork. Từng được đánh giá là kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) hàng đầu, được định giá 47 tỷ USD vào đầu năm 2019, WeWork bất ngờ xuống dốc vì bê bối của CEO Neuman, làm ăn thua lỗ, trì hoãn IPO…
Hiện tại, SoftBank đã nắm quyền kiểm soát hoạt động của WeWork, nhưng đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch - dịch vụ lưu trú điêu đứng và WeWork cũng trong cảnh khốn đốn. Theo đó, từ mức 47 tỷ USD, WeWork hiện được định giá gần 5 tỷ USD.
Khoản đầu tư lớn khác là vào Uber, SoftBank chi hơn 9 tỷ USD để sở hữu 15% cổ phần. Hoạt động của Uber thu hẹp khi rời khỏi thị trường Đông Nam Á, dừng dịch vụ vận chuyển đồ ăn tại Ấn Độ.
Công ty này vừa tiến hành đợt cắt giảm khoảng 25% trên tổng số hơn 26.000 nhân viên, đóng cửa 45 văn phòng và bán bớt tài sản…
Nguyên nhân chính là những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thất bại khi cố gắng thâu tóm GrubHub, sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ ở cả dịch vụ chia sẻ xe, vận chuyển đồ ăn…
Khoản đầu tư vào OYO cũng gây ra “nỗi đau” cho SoftBank. OYO là startup khách sạn với 1,2 triệu phòng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Tháng 12/2019, thương hiệu OYO đã tiến vào thị trường Việt Nam với 90 khách sạn nhượng quyền đầu tiên tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang.
OYO lên kế hoạch sẽ đầu tư hơn 50 triệu USD vào Việt Nam trong những năm tới, tạo ra khoảng 1.500 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, vết xe đổ WeWork lặp lại khi có nhiều scandal liên quan tới cách thức quản lý công ty, cũng như môi trường làm việc…, khiến uy tín của OYO bị ảnh hưởng. Bước sang năm 2020, OYO chịu thêm áp lực từ đại dịch Covid-19 nên việc duy trì hoạt động gặp khó khăn.