Từ những hoạt động, diễn biến diễn ra trong quý đầu tiên của năm, ông nhìn nhận triển vọng thị trường, sức tiêu dùng năm nay như thế nào?
Kinh tế vĩ mô đang có triển vọng tốt song sức tiêu dùng chưa tăng mạnh, chủ yếu là do hệ quả từ tâm lý phòng thủ của người dân thời gian qua.
Thị trường đã suy giảm trong suốt 3 năm, sức tiêu thụ giảm đã tạo ra một mặt bằng giá mới với nhiều mặt hàng, trong đó có cả những sản phẩm do Sơn Hà sản xuất.
Hiện nay, lãi suất thấp, vay mua tiêu dùng đã tăng trở lại, tạo cơ sở tốt cho doanh nghiệp, hay nói khác đi là nền tảng của những DN như Sơn Hà đang dần ổn định trở lại.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao năm 2014, Công ty vượt kế hoạch lợi nhuận gấp 3 lần. Tôi tin, theo đà đi lên, mọi thứ sẽ sáng hơn trong năm 2015.
Vậy cảm giác của ông khi điều hành doanh nghiệp hiện nay khác trước như thế nào?
Nói chung, hiện giờ, tôi thấy khá thoải mái. Cách đây 2 năm, doanh nhân chúng tôi nhìn thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng, phải vật lộn để làm sao chống chọi được với lãi suất rất cao.
Hiện câu chuyện chỉ tập trung vào việc làm sao để DN hoạt động thật hiệu quả. Tôi đã tự đặt ra kế hoạch dài hơi cho mình, đó là trong phạm vi 4 - 5 năm, phải dồn lực để DN lớn mạnh hẳn lên đã.
Năm nay, SHI có kế hoạch tăng vốn lên nhiều lần, bằng nhiều cách khác nhau, trong khi lãi suất ngân hàng xuống thấp. Tại sao doanh nghiệp lại chọn cách làm như vậy?
Huy động vốn từ những cổ đông đồng hành với mình sẽ giúp mình chủ động hơn trong các phương án kinh doanh. Cứ nói lãi suất ngân hàng thấp nhưng cũng phải trên 10%, không hề thấp với DN làm thực.
Hơn nữa, chúng ta đều thấy cơ quan quản lý đang rất cố gắng để giữ tỷ giá và lãi suất biến động thấp, vậy câu hỏi đặt ra là liệu có giữ mãi được không?
Trong những kịch bản nào thì những chính sách neo giữ như vậy sẽ phải bung ra. Trải qua những đợt khủng hoảng trước đây, tôi nghĩ rằng DN cần tính trước mọi chuyện, chuẩn bị cho mọi kịch bản.
Đợt tăng vốn năm trước của SHI ông không tham gia, nhiều người thắc mắc có phải ông không còn tâm huyết với doanh nghiệp?
Trước thời điểm phát hành, cổ phiếu SHI thanh khoản rất thấp. Tôi nhận thức rằng đó là điểm bất lợi cho cổ đông, bởi vậy tôi muốn có số lượng cổ đông nhiều hơn, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư đại chúng nhiều hơn, tạo thuận lợi cho họ khi giao dịch. Khi người ta đầu tư vào cổ phiếu của mình, có được lợi nhuận, thì lúc mình phát hành người ta mới ủng hộ.
Có thời gian, doanh nhân Lê Vĩnh Sơn đã đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, vậy tới đây, nếu huy động vốn thành công, ông có tiếp tục bỏ trứng nhiều giỏ?
Tôi và SHI cũng đã trải qua nhiều bài học và đã quyết liệt thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản, SHI hiện chỉ còn một dự án.
Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tái cấu trúc hơn nữa để tập trung cho ngành nghề cốt lõi, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân dụng trực tiếp, đồng thời nghiên cứu các phương án để có thể thúc đẩy sức tiêu thụ lớn hơn.
Tiền huy động được chúng tôi sẽ dùng để đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất ống thép tại Myanmar. Dự án này SHI góp 45% vốn, dự kiến quý III năm nay sẽ có quyết định đầu tư. Đồng thời, chúng tôi sẽ tái cơ cấu bổ sung vốn cho các dự án tại Việt Nam.
Chúng tôi đang cố gắng mỗi năm có 1 - 2 sản phẩm mới trở lên, trong đó, Sơn Hà trực tiếp đầu tư vào việc sản xuất để trong mỗi hộ gia đình, các thiết bị inox dân dụng là do Sơn Hà sản xuất,chẳng hạn như các thiết bị nhà bếp...
Nhiều DN Việt Nam làm sản xuất thường có biên lợi nhuận thấp vì không chủ động được khâu phân phối. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp luôn là mối quan tâm của những người làm sản xuất như chúng tôi. Chúng tôi đặt kế hoạch mỗi năm sẽ mở 10 - 15 đại lý ở các tỉnh thành. Hệ thống phân phối của Sơn Hà hiện có 40 điểm, sẽ tiến tới mở rộng lên 100 điểm.
Gần đây, chúng tôi cũng nhận được ý kiến là nên thưởng cổ phần hoặc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho một số khách hàng, đại lý và hạn chế chuyển nhượng căn cứ vào sự gắn bó hàng năm với công ty. Chúng tôi sẽ xem xét ý kiến này.
Với những kế hoạch lớn như vậy, ông có tính đến chuyện hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài không?
Quan điểm của tôi là nên hợp tác với nhiều người, nhưng quả thực, tôi cũng không trông đợi gì nhiều từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mình phải tự lực là chủ yếu.