Việc gia đình Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn không tham gia các đợt huy động vốn dấy lên mối băn khoăn của các nhà đầu tư rằng, doanh nhân trẻ đã cạn lực và không còn tâm huyết với tập đoàn.
Đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu hồi tháng 9 năm nay, giá phát hành chỉ 5.000 đồng/CP, bằng một nửa mệnh giá và thấp hơn thị giá cổ phiếu SHI khoảng 2.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cả 3 cổ đông lớn gồm ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Lê Văn Ngà, thành viên HĐQT SHI, cha ruột ông Sơn và ông Lê Hoàng Hà, Tổng giám đốc SHI, anh trai ông Sơn, đều không tham gia mua cổ phần. Tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông này tại SHI đã giảm xuống còn 40,6%.
Cổ phiếu SHI sau 5 năm niêm yết thực sự chưa tạo ra ấn tượng gì đáng kể với thị trường. Suốt 3 năm qua, cổ phiếu này quanh quẩn ở mức giá 5.000 - 6.000 đồng/CP, thanh khoản cũng èo uột quanh mức vài chục nghìn đơn vị một phiên.
Mãi gần đây, SHI mới tăng giá, hiện đạt mức 9.000 đồng/CP, thanh khoản cũng chỉ nhích nhẹ lên vài trăm nghìn cổ phiếu. Bản thân ông Sơn từng chia sẻ với nhà đầu tư rằng, Sơn Hà là doanh nghiệp có thương hiệu, được nhiều người biết đến nhưng cổ phiếu SHI lại không được thị trường biết đến, bị rơi vào quên lãng trên thị trường.
Nếu 2 đợt phát hành suôn sẻ, SHI sẽ thu về được 50 tỷ đồng. Số tiền không đáng kể cho hoạt động của một doanh nghiệp quy mô khá. Song có phải đối với Sơn Hà, đây là khoản tiền quan trọng, có ý nghĩa cứu cánh?
Các dòng sản phẩm mới như chậu rửa, bình nước nóng Thái Dương Năng... chưa có tên tuổi nên mới đóng góp khoảng 10% doanh thu cho SHI
Nhọc nhằn lợi nhuận
Sơn Hà được biết đến nhiều với sản phẩm bồn chứa nước inox mang thương hiệu Sơn Hà. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm này khá cao, đóng góp 40 - 45% trong cơ cấu lãi gộp, nhưng chỉ đóng góp chưa đến 1/4 tổng doanh thu hàng năm của Sơn Hà. Trong khi đó, doanh thu của sản phẩm này trong những quý gần đây liên tục sụt giảm. Theo giải thích của doanh nghiệp, nguyên nhân là nhu cầu ở thị trường thành phố có dấu hiệu bão hòa, giá bán sản phẩm không thể tăng trong khi chi phí, giá nguyên liệu đầu vào tăng
Phần lớn doanh thu của Sơn Hà đến từ các sản phẩm công nghiệp như ống thép không gỉ và thép cuộn cán, chiếm tỷ trọng gần 60% doanh thu. Đáng chú ý là dù mang lại doanh thu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận của 2 dòng sản phẩm này rất thấp và bị cạnh tranh dữ dội.
Đặc biệt cú ngã ngựa tại thị trường Mỹ do bị áp thuế chống bán phá giá ống thép đã tác động đáng kể tới lợi nhuận của Công ty. Khi các nguyên đơn Mỹ kiện Sơn Hà bán phá giá mặt hàng ống thép vào năm 2012, thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Mỹ với tỷ trọng 78% kim ngạch xuất khẩu. Vào năm 2013, Sơn Hà đã phải hủy đơn hàng sang Mỹ với khối lượng trên 1.000 tấn, đến tháng 6/2013, Công ty giảm xuất khẩu xuống còn 50% và từ đó đến nay chỉ còn chưa đầy 5%. Hiện thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này, Bộ Thương mại Mỹ áp tới 17,2%, tiếng là xuất khẩu sang Mỹ để giữ thị trường chứ với mức thuế như vậy, Sơn Hà khó có lợi nhuận.
Sau cú sốc trên thị trường Mỹ, ông Sơn và các cộng sự đã thấm thía bài học, không “bỏ trứng vào một giỏ”. Trong một thời gian dài, Sơn Hà phải tìm kiếm thị trường các nơi để thay thế, theo lời của lãnh đạo doanh nghiệp này, dù châu Á, châu Phi… đều đến, chỉ trừ Iraq và Afganistan (đang có chiến tranh).
Do tỷ suất lợi nhuận quá thấp, đồng thời sức nóng cạnh tranh khốc liệt, thép cuộn cán dù chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhưng chỉ là mặt hàng chống đói cho doanh nghiệp. Khi được hỏi về chiến lược đối với mặt hàng này, lãnh đạo Sơn Hà cho biết, khi mặt hàng ống thép có đầu ra khả quan, Công ty sẽ thu hẹp sản xuất thép cuộn cán.
Để giải bài toán nguy cơ bão hòa nhu cầu sản phẩm bồn nước, Sơn Hà cũng nghiên cứu để cho ra đời các dòng sản phẩm gia dụng khác như bồn nhựa, chậu rửa inox và bình nước nóng Thái Dương Năng. Nhưng những sản phẩm này chưa có tên tuổi trên thị trường, người tiêu dùng ít biết đến và chỉ đóng góp khoảng 10% doanh thu của Công ty.
Suốt 2 năm qua, lợi nhuận của Sơn Hà rất èo ruột. Với quy mô vốn điều lệ 337 tỷ đồng, lợi nhuận ròng của Công ty trong vòng 3 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt quá 5 tỷ đồng.
Một nghề thì sống, đống nghề thì… thua
Nhiều cổ đông thắc mắc tại sao Sơn Hà gần đây lại chuyển hướng sang bất động sản và kinh doanh siêu thị. Có phải do ngành nghề kinh doanh chính đã hết cơ hội đem lại lợi nhuận?
Trong mảng bất động sản, Sơn Hà đã ngốn khoảng 50 tỷ đồng tiền vốn, nhưng cho đến nay hầu như không có dự án nào đáng kể. Trong mảng siêu thị bán lẻ, Sơn Hà đầu tư không ít nguồn lực để thương hiệu Highway được biết đến rộng rãi. Trực tiếp Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn hoạch định chiến lược và điều hành chuỗi siêu thị này. Tuy nhiên, cạnh tranh quyết liệt, cộng với thị trường đã có quá nhiều tên tuổi lớn, các tập đoàn nước ngoài như Metro, Big C, Lotte… nên siêu thị Highway ít có cơ hội tăng trưởng và sinh lời khả quan.
Đến thời điểm này, ông Sơn đã phải tính toán rút khỏi 2 lĩnh vực trên. Mảng bất động sản, Sơn Hà thoái vốn toàn bộ, hiện chỉ giữ lại 1 dự án là tiểu khu công nghiệp Chèm (Hà Nội), hệ thống siêu thị đang đàm phán bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ động nhìn ra những điểm yếu của mình, ông Sơn và gia đình đã phải rốt ráo tái cơ cấu lại hoạt động của “đứa con tinh thần”. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Sơn Hà đã có chuyển động tích cực hơn, đạt 31 tỷ đồng. Song nhiều nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi liệu những con số này có đến thực từ nội lực doanh nghiệp và sự tăng trưởng có bền vững? Nếu đúng như vậy, tại sao Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn và gia đình lại từ bỏ quyền mua cổ phiếu?