Đang có sự không rõ ràng về chuẩn đo và lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Đang có sự không rõ ràng về chuẩn đo và lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta nên bỏ công thức “cơ bản tán thành”

Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế chủ trì về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 năm qua, với nhận định là “kết quả không như mong đợi”, đã khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên rằng, chúng ta nên bỏ công thức viết là “cơ bản tán thành”, phải làm rõ nguyên nhân và mục tiêu tái cơ cấu từ nay đến năm 2015 đạt đến đâu, đến năm 2020 đạt thế nào...

Mối quan ngại của các vị đại biểu dân cử đã không dừng lại ở tiến độ tái cơ cấu như những lần trước, mà đòi hỏi sâu hơn, bao gồm cả cách thức thực hiện, giải pháp cụ thể với những thước đo kết quả và trách nhiệm tương ứng.

Tuy nhiên, vào lúc này, 6.000 trang báo cáo từ các địa phương, các bộ, ngành gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn thiếu căn cứ để trả lời. Đúng như chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển đã lý giải: đó là một chương trình thiếu chuẩn đo, không mô tả được thì không thể đo lường được, hệ quả là không thể quản lý được.

Đáng lo ngại là sự không rõ ràng về chuẩn đo và lộ trình đang khiến những đánh giá về kết quả thực hiện đề án này luôn vấp phải tranh cãi. Thậm chí, giới chuyên gia kinh tế còn nghi vấn cả kết quả đạt được mà các bộ, ngành đã báo cáo. Lý do đưa ra là đang có sự can thiệp bằng những biện pháp hành chính, thay vì những thay đổi mang tính cơ cấu, động lực tăng trưởng thực sự… khi không có sự gắn kết trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng trong thực thi các công việc vô cùng khó khăn này.

Vẫn là những mô - típ báo cáo khá quen thuộc lý giải cho những tồn tại trong thực hiện như “nhìn chung hệ thống pháp lý đã được ban hành, nhưng một số trường hợp chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật”, “chưa có giải pháp, chính sách hiệu quả”, “một số cơ chế, chính sách quan trọng chậm được ban hành, ảnh hưởng đến tiến độ”…

Với mô - típ này, có thể hình dung sự tương đồng trong các báo các từ các địa phương, bộ, ngành. Như vậy, sức ép và kỳ vọng lớn của người đứng đầu Quốc hội với đoàn giám sát hoàn toàn có thể lý giải được, khi theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ tám, khai mạc ngày 20/10 tới, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trên cơ sở đó sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này. “Nếu dự thảo nghị quyết theo kiểu ‘cơ bản tán thành’ thì sẽ rất khó thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt thẳng vấn đề.

Đây không phải là câu chuyện mới, thậm chí là rất cũ khi được nêu lại khá nhiều lần kể từ năm 2011, khi Quốc hội ra nghị quyết về tái cơ cấu; sau đó là năm 2013, khi Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế... Một năm qua, khi các đề án cụ thể của 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng dần được hoàn thiện và đi vào thực hiện, câu hỏi về kết quả thực thi liên tục được đặt ra.

Song nếu không có thước đo cụ thể, thì những câu hỏi này rất có thể lại được đặt ra vào năm tới.

Tin bài liên quan