Chủ tịch Quốc hội lo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đủ điều kiện trình Quốc hội, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ tư, chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Khuôn khổ đầu tư công đã suôn sẻ

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ về kế hoạch này và hồi âm một số vấn đề được đặt ra tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đã được chuẩn bị rất kỹ và công phu, đã 2 lần lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, 3 lần Chính phủ họp cho ý kiến, đã lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và đã báo cáo Bộ Chính trị.

"Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiếp thu và và hoàn thiện để có kế hoạch hôm nay", Bộ trưởng nói.

Về những điểm mới của kế hoạch, theo Bộ trưởng là đã nói đến vấn đề kinh tế số và kinh tế đô thị. Đây cũng là gợi ý của Chủ tịch Quốc hội.

Điểm mới thứ hai được Bộ trưởng đề cập là phát huy được yếu tố con người, giá trị văn hóa truyền thống của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Đột phá ở kế hoạch lần này tập trung vào vấn đề thể chế; chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển các lực lượng doanh nghiệp; giải quyết những vấn đề vướng mắc về đất đai, đầu tư kinh doanh, nợ xấu, phát triển các loại thị trường cũng như phát triển liên kết vùng, Bộ trưởng khái quát trong điều kiện eo hẹp về thời gian.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định kế hoạch đã hoàn toàn đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thêm.

Nhấn mạnh thêm một số vấn đề, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói, 5 năm vừa qua tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được kết quả quan trọng, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt được (17/22 chỉ tiêu).

"Nếu đầu nhiệm kỳ chúng ta không bị sự cố môi trường của Formosa, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn rất nặng ở miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, năm 2020 không bị tác động của đại dịch thì kết quả của 5 năm vừa qua còn tốt hơn nhiều. Với khó khăn ở năm đầu và năm cuối nhiệm kỳ, những kết quả như vậy là rất tích cực", ông Vương Đình Huệ đánh giá.

Nổi bật, theo Chủ tịch Quốc hội là nền tảng vĩ mô giữ được ổn định, cho nên khả năng chống chịu của năm 2021 có sự góp sức từ những tích lũy của 5 năm vừa qua. Nhất là cơ cấu lại nợ xấu, nợ công đạt kết quả rất nổi bật, tín nhiệm quốc gia tăng.

"Đại hội XII có nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm phải giải quyết, trong đó có vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế và tập trung để giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng và tình trạng nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta làm được và thậm chí làm cao hơn cả mong muốn. Điều đó chúng ta cần phải nhấn mạnh", ông Huệ phát biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ba động cơ tăng trưởng là đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giữ được. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch rất tích cực và đúng hướng. Tỷ trọng nông nghiệp, lao động nông nghiệp cũng giảm rất mạnh so với cách đây 5 năm.

Vấn đề nữa theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần nhấn mạnh là lần đầu khuôn khổ đầu tư công trung hạn được áp dụng, số lượng các dự án giảm được rất nhiều. Tình trạng manh mún, dàn trải được khắc phục cơ bản.

"Trong 5 năm, chúng ta đã nỗ lực hai lần nghiên cứu để sửa đổi Luật Đầu tư công. Tuy có những vấp váp, vì bao giờ lúc đầu cũng chưa quen, nhưng 5 năm đầu tiên chúng ta triển khai Luật Đầu tư công, khuôn khổ đầu tư công như vậy là suôn sẻ. Chúng ta càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Cũng được làm rất tốt, theo Chủ tịch là môi trường đầu tư kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện liên tục, cả Chính phủ và Quốc hội đều nỗ lực.

Gắn với chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Sau những kết quả, Chủ tịch Quốc hội nêu một số vấn đề trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải tập trung.

Đó là năng lực của thị trường vốn đang đang hạn chế, thị trường khoa học, công nghệ cũng chưa có sự phát triển tương xứng.

"Trước đây chúng ta mới nói là vay trong khả năng trả nợ, nhưng bây giờ chúng ta phải lưu ý là vay trong khả năng huy động và khả năng trả nợ của nền kinh tế. Đôi khi mình muốn vay thêm nhưng không vay được, không biết vay từ đâu. Các đồng chí thấy ví dụ như các gói đầu tư PPP của dự án đường bộ cao tốc phía Đông, mấy gói liên quan đến PPP là không thu xếp được về tín dụng, tức là muốn vay nhưng không vay được. Điểm này chúng ta phải hết sức chú ý. Khả năng huy động vốn tới đây cũng là vấn đề thách thức", ông Huệ phát biểu.

Đáng lưu ý nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu trước đó, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách.

Khả năng huy động vốn đã hạn chế rồi, nhưng khả năng hấp thụ vốn cũng gặp những trở ngại. Bằng chứng là ta có tiền mà không tiêu được, tín dụng thì tăng chậm và có nguy cơ rủi ro, có xu hướng bị nắn vào những khu vực có rủi ro cao, ví dụ như là chứng khoán, bất động sản, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Đầu tư công bắt đầu sang nhiệm kỳ này giải ngân rất chậm, có nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng chứng tỏ năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm. Tăng trưởng tín dụng cũng chậm, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt cho rằng, 5 năm qua việc giải quyết các năng lực sản xuất dư thừa và yếu kém chưa làm dứt điểm được, như là các dự án yếu kém, thua lỗ, các ngân hàng 0 đồng.

Bày tỏ đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phân tích thêm về bối cảnh, những vấn đề tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các vấn đề kinh tế - xã hội khả năng còn kéo dài.

Kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều và bị phân hóa, phụ thuộc vào mức độ và tiến độ bao phủ vaccine cũng như quy mô của các chính sách hỗ trợ. Các rủi ro, gián đoạn về đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn hiện hữu, chúng ta không được chủ quan, ông nói.

Một nội dung nữa, theo Chủ tịch, cần phải nhấn mạnh trong bản kế hoạch lần này, đó là cũng có rủi ro nhất định đối với lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Khi Việt Nam bắt đáy và bắt đầu có thể phục hồi thì thế giới lại tăng trưởng chậm lại. Nếu các đối tác chiến lược của Việt Nam mà tăng trưởng chậm lại thì động cơ tăng trưởng của Việt Nam, nhất là xuất khẩu sẽ bị tác động.

Cần phải tính đến, theo ông Vương Đình Huệ là khó khăn trong cân đối tài khóa và tiền tệ, một phần do đã bị xói mòn trong thời gian vừa qua do suy giảm tăng trưởng, suy giảm về ngân sách, nhất là ngân sách trung ương. Vai trò của ngân sách trung ương đã không giữ được vai trò chủ đạo. Điều này cũng là thách thức trong nhu cầu nới lỏng hơn và có gói để hỗ trợ và kích thích tăng trưởng kinh tế đủ lớn.

Khẳng định dư địa của chính sách tài khoá không còn nhiều, Chủ tịch đề cập đến trần nợ công.

"Vì chúng ta điều chỉnh tăng GDP vừa rồi, điều chỉnh lên đến gần 1 triệu tỷ đồng, mẫu số tăng lên thì tỷ lệ giảm đi, quan trọng là khả năng huy động vốn và khả năng trả nợ. Trong khi chúng ta còn nhiều khoản chi khác cho phòng, chống dịch, hỗ trợ các địa phương hụt thu, dự phòng cho công tác phòng, chống dịch thời gian tới cũng phải mất thời gian và nguồn lực', ông Huệ lưu ý.

Về các quan điểm và giải pháp , Chủ tịch Quốc hội cho biết ông rất chú ý đến ý kiến của Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra kế hoạch) cũng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần phải nhấn mạnh là kế hoạch tái cơ cấu của nhiệm kỳ này cần phải gắn với chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

Tới đây, chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế cũng phải gắn với kế hoạch tái cơ cấu này. Như vậy, chúng ta vừa phải trọng cung nhưng lại vừa phải kích cầu, Chủ tịch nói.

Nhấn mạnh yêu cầu cải thiện thị trường vốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước cần tính toán giải pháp để có thể mở rộng được năng lực thị trường vốn, bao gồm thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tín dụng,..

Ông cũng cho biết, Bộ Tài chính đang tính toán thêm cả việc phát hành công trái quốc gia, tức là bán lẻ, mua qua người dân như trước kia, chứ không phải qua tổ chức bán buôn như là qua ngân hàng thương mại, qua tổ chức tín dụng nữa.

Thêm một lần nhắc đến năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, ông Huệ cho rằng phải tập trung cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực này. "Bởi vấn đề rất cấp bách là có thêm những điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và tái thiết kinh tế. Nhưng vấn đề đưa vào đâu và có tiêu được không như đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng nay nói là rất chí lý. Phải phân tích kỹ điểm này, tới đây đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để có thể là đúng mà lại tiêu được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Và theo ông, những yếu tố cần cải thiện để tăng cường năng lực hấp thụ vốn, đó là phân bổ và giải ngân đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, cải tiến năng lực quản trị, điều hành các dự án đầu tư, giải quyết các vấn đề về dự án treo, dự án chậm tiến độ, các yếu tố về vấn đề quy hoạch.

Lần này chúng ta quyết tâm có giải pháp tổng thể và phù hợp để giải quyết dứt điểm những năng lực sản xuất dư thừa, thực chất là đã chết lâm sàng rồi, các dự án yếu kém, thua lỗ, các ngân hàng mua lại bắt buộc.. cần tập trung tháo gỡ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý cuối cùng trong phát biểu của mình.

Tin bài liên quan