"Khi nào Bộ Tài nguyên môi trường có công văn trả lời đất không thuộc diện đấu giá mà “giao, thuê đất” thì Sở Tài nguyên môi trường mới thụ lý hồ sơ giao đất cho QCG. Nhưng chúng tôi lo lắng là nếu thời gian kéo dài thì sẽ hết hạn giấy phép chấp thuận đầu tư thì có khi phải làm lại từ đầu mất 3 năm nữa...", bà Loan nói.
Phước Kiểng là dự án lớn của QCG và cũng là tài sản đã đảm bảo để QCG nhận khoản vay hàng nghìn tỷ đồng từ đối tác bên ngoài là công ty Sunny. Sau này khi dự án hoàn thành mặt bằng, QCG phải giao một phần đất tương ứng vơi giá trị khoản vay cho đối tác để làm sao đối tác không thiệt hại.
Đền bù giải phóng mặt bằng của Phước Kiểng đã diễn ra hơn 10 năm do các hộ lấn chiếm vào cất nhà không hợp pháp ở bờ đê do việc quản lý lỏng lẻo của đia phương. QCG đã làm giấy phép xây dựng nhà tái định cư cho trên 100 hộ lấn chiếm, đã giải phóng cho 60 hộ, còn lại 3% mà chủ yếu 4 hộ đòi đền bù 25-30 triệu/m2, tương đương 750 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp không có tiền trả.
Trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Sông Đà Thủ Đức, bà Loan cho biết, dự án có diện tích 2,8 ha đã đền bù 100% nhưng quay ra triển khai thì hết hạn giấy phép đầu tư phải xin lại từ đầu.
Theo bà Loan, hai khoản nợ ngân hàng lớn nhất của QCG đã giảm được, chỉ còn 600 tỷ đồng trong đó 500 tỷ đồng cho thủy điện thì nguồn thu từ thủy điện đủ trả lãi suất và có lãi một chút. Các khoản nợ của cá nhân và đối tác không có áp lực trả nợ để tránh bị phát mã tài sản nhưng phải hoàn thành thủ tục dự án để trả sản phẩm cho đối tác.
Bà Loan chia sẻ với cổ đông rằng, môi trường kinh doanh ngành bất động sản từ tháng 4 năm ngoái đến nay ngày càng khó khăn. Các thủ tục triển khai dự án ách tắc nên QCG không có dự án mở bán và cũng không dám vượt rào để triển khai dù có những dự án phù hợp phân khúc căn hộ trung bình mà thị trường đang cần.
QCG có dòng tiền trang trải hoạt động và trả lãi ngân hàng chứ không đến mức bị lỗ như các công ty khác. Năm 2018 chỉ ghi nhận hoạt động ổn định khi QCG tập trung hoàn thiện bàn giao Block B dự án Lavida quận 7, dự án Central Premium quận 8, dự án Decapella quận 2 trong quý II-IV/2019.
Mảng cao su của QCG, theo bà Loan, thu không đủ bù chi nên vẫn phải bù đắp từ nguồn thu khác như thủy điện để duy trì vườn cây chờ giá cao su tăng trở lại, bà Loan chia sẻ.
Năm 2019, QCG trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ là 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban tổng giám đốc QCG, năm 2018 tình hình tài chính ổn định hơn so với năm 2017. Tổng tài sản năm 2018 là 11.017,13 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 80,4% (năm 2017 là 85,1%), tài sản dài hạn 19,6% (năm 2017 là 14,9%). Tài sản ngắn hạn tăng tập trung chủ yếu do khoản phải thu từ việc ứng cho các bên thi công dự án, phải thu của khách hàng đến hạn và hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Công ty đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai thác cao su, thủy điện..., tạo điều kiện cho công ty tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tập trung nguồn tài chính đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường. Mở rộng thị trường tạo quỹ đất tại các tỉnh lân cận như Vũng Tàu và Bình Dương, đón đầu thị trường bất động sản trong tương lai, đa dạng hóa sản phẩm.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2018, QCG sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ chia 10%/vốn điều lệ. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu QCG chỉ hơn 2.000 đồng/CP nên nếu phát hành sẽ pha loãng cổ phiếu trên thị trường và giảm giá cổ phiếu. Vì vậy, HĐQT trình ĐHCĐ không phát hành tăng cổ phiếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu.