Chủ tịch Tập đoàn Novaon Nguyễn Minh Quý.

Chủ tịch Tập đoàn Novaon Nguyễn Minh Quý.

Chủ tịch Novaon Nguyễn Minh Quý: "Leo lên lưng 10 con hổ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” để phát triển trong giai đoạn khởi nghiệp, doanh nhân Nguyễn Minh Quý đang cùng Novaon tự tin bước đi trên hành trình sáng tạo các sản phẩm công nghệ.

Lối rẽ mới

Phong thái tự tin, trẻ trung, tràn đầy năng lượng, Chủ tịch Tập đoàn Novaon Nguyễn Minh Quý đúng như hình dung của người viết về một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ.

Năm 2006, khi mới 23 tuổi, anh thành lập Novaon, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến (digital marketing).

Công ty nhanh chóng được biết đến với vai trò là đối tác quảng cáo của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, Tiktok, Apple…

Nhanh nhạy áp dụng các chiến thuật phù hợp với thị trường Việt Nam, Novaon trở thành đối tác cao cấp của Google, với mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ.

Novaon được xếp hạng là đối tác có thị phần lớn nhất Đông Nam Á của Google trong năm 2018 và lọt Top 8 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020.

Ghi dấu ấn lớn trong mảng quảng cáo trực tuyến, nhưng đến năm 2016, Novaon công bố trở thành doanh nghiệp làm chủ sản phẩm công nghệ, chứ không dừng lại ở vai trò đối tác cung cấp sản phẩm công nghệ.

Chia sẻ về lối rẽ đó, anh nói: “Sau 10 năm, chúng tôi nghĩ rằng phải có bước ngoặt mới, trụ cột mới vừa kế thừa nền tảng mình có, vừa tạo ra sức bật mới cho tổ chức và đi theo được nhu cầu cũng như bài toán lớn của thị trường”.

Không phải ngẫu nhiên vị doanh nhân sinh năm 1983 có lựa chọn ấy. Quý bảo, thời điểm ấy, anh đã tìm hiểu rất kỹ thị trường. Kỷ nguyên số đang tạo ra những thách thức và cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thích nghi kịp với sự dịch chuyển hành vi của người dùng dẫn tới mất đi lợi thế cạnh tranh, thậm chí phải đóng cửa, trong khi nhiều doanh nghiệp đã ý thức được nguy cơ này nên tạo ra nhu cầu thị trường rất lớn về các giải pháp chuyển đổi số.

Theo anh, các giải pháp chuyển đổi số của nước ngoài không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, bởi giá quá đắt và không phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ thành công của các tập đoàn công nghệ nước ngoài tại thị trường Việt Nam chưa cao.

Khách hàng của họ thường là những doanh nghiệp Top 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, trong khi tại Việt Nam, hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Novaon nhìn ra được dư địa của thị trường này và bắt tay vào khai thác.

Nhưng từ chỗ “đứng trên vai người khổng lồ” công nghệ, làm đối tác quảng cáo cho họ đến việc làm chủ công nghệ không phải là dễ dàng với Novaon cũng như nhà sáng lập Nguyễn Minh Quý.

Qua nhiều phép thử sai

Quý kể, có hàng ngàn khó khăn, thử thách mà anh và cộng sự phải đối mặt. Khó khăn đầu tiên là trả lời câu hỏi “What?” - Làm sản phẩm gì? Có đến 70% start up công nghệ đã thất bại vì lựa chọn sản phẩm sai, tức trả lời câu hỏi “What?” chưa đúng.

Hỏi anh có làm sai nhiều không, chẳng chần chừ, anh đáp: “Tôi đã sai 12 lần, cái giá phải trả cho mỗi lần sai là vài cuốn sổ đỏ. Song qua mỗi lần vấp ngã, tôi rút ra những bài học, lựa chọn làm gì với xác suất thành công cao hơn”.

Quý khoe, Novaon đang sở hữu hệ điều hành doanh nghiệp với hơn 20 phần mềm (marketing, sales, thương mại điện tử, điều hành doanh nghiệp). Các sản phẩm có tính linh hoạt cao, thích ứng với từng nhu cầu của doanh nghiệp (chuyển đổi một bộ phận phòng ban, một công ty con, hay tập đoàn…, mà không nhất thiết bán hết cả hệ điều hành). Điều đặc biệt, khách hàng có thể đưa ra những yêu cầu dựa trên thực tế hoạt động của mình.

“Tôi mất 5 năm để ra được hệ điều hành chuyển đổi số doanh nghiệp này. Trải qua rất nhiều đau thương, phải lỳ đòn mới có được kết quả như vậy”, anh bộc bạch.

Tôi mất 5 năm để ra được hệ điều hành chuyển đổi số doanh nghiệp. Trải qua rất nhiều đau thương, phải lỳ đòn mới có được kết quả như vậy.

Doanh nhân Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon

Chưa có thương hiệu trong lĩnh vực phần mềm, làm thế nào để Novaon có thể tiếp cận và chinh phục khách hàng? Quý thừa nhận, đây là một quá trình không thể đi nhanh được và phải đi từ chỗ mình có lợi thế trước.

Novaon có thế mạnh về digital marketing, nên đầu tiên là phát triển các sản phẩm martech, tức là những sản phẩm công nghệ hỗ trợ hoạt động marketing của doanh nghiệp hiệu quả hơn, tỷ lệ chuyển đổi ở các kênh quảng cáo tốt hơn. Novaon có hệ thống khách hàng lớn trong Top VNR500 nên việc cung cấp thêm công cụ, sản phẩm giúp họ tăng doanh thu sẽ không quá khó khăn.

Sau sản phẩm martech, Novaon dần cung cấp các giải pháp để tăng doanh thu, chuyển đổi số phòng quản lý bán hàng, quản lý thương mại điện tử, dữ liệu khách hàng, quản trị kênh phân phối…

Trước đây, những công ty phần mềm giải pháp công nghệ truyền thống đi vào hạ tầng và lõi quản trị (quản trị tài chính, quản trị kho hàng, quản trị vận hành…) nhưng như anh chia sẻ, “đấy là nơi Novaon vào sau cùng”.

Chiến lược bán hàng tiếp theo là tạo ra hệ sinh thái, Novaon không bán một sản phẩm đơn lẻ mà bán cả hệ sinh thái. “Khó khăn hơn, nhưng nếu thắng sẽ thắng lớn”, anh nói.

Tham vọng bước ra quốc tế

Mục tiêu được Nguyễn Minh Quý đặt ra cho Novaon là nằm trong nhóm công ty công nghệ phát triển nền tảng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới, gần hơn là nằm trong Top 10 công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam.

Năm nay, Novaon tập trung vào kế hoạch thúc đẩy thị trường trong nước. “Sản phẩm phải rất cứng, rất sát thực tế mới tung ra thị trường quốc tế. Tôi chọn Campuchia và Myanmar là hai thị trường đầu tiên để tiếp cận bán sản phẩm ra nước ngoài”, anh chia sẻ.

Quý tự tin khi bước ra môi trường quốc tế vì có thế mạnh. Để cạnh tranh được, một doanh nghiệp phải có năng lực bán hàng và quản lý, làm chủ sản phẩm để thích nghi với thị trường các nước. Năng lực bán hàng thì Novaon có kinh nghiệm, chỉ chờ năng lực làm chủ sản phẩm ở nước ngoài nữa là đẩy thị trường.

“Đầu tiên, Novaon bán digital marketing, sau đó bán các sản phẩm công nghệ. Chúng tôi đang phục vụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam như Panasonic, Lexus, Nissan, Shinhan Bank, Toto…và có thể từ từ mở ra các thị trường mà tập đoàn này có mặt trong khu vực Đông Nam Á”, Quý chia sẻ.

“Người Việt chúng ta học toán tốt, ham học hỏi, nhanh chóng thích nghi với các công nghệ mới, nhân sự trong lĩnh vực phần mềm trong vài năm tới sẽ rất dồi dào. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, tạo ra môi trường tốt cho lĩnh vực này phát triển. Tôi tin, trong 5 năm tới, số công ty công nghệ có giá trị tỷ USD rất nhiều”, Chủ tịch Novaon kỳ vọng vào tương lai của ngành công nghệ số, lĩnh vực mà Công ty đang đẩy mạnh.

Trò chuyện cùng doanh nhân Nguyễn Minh Quý

Nếu phải tổng kết lại thành quả sau 15 năm phát triển doanh nghiệp, anh sẽ nói gì?

15 năm qua, tôi mới đi được hai bước trong hàng trăm bước mình muốn đi. Tài sản lớn nhất mà tôi có được là tạo ra được nền tảng công nghệ, những sản phẩm được hội tụ từ 15 năm kinh nghiệm làm đối tác cho những người tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Thứ hai, sở hữu đội ngũ nhân sự với 700 chuyên gia giỏi về digital marketing, chuyển đổi số. Từ đó, Novaon có thể liên tục sáng tạo sản phẩm, giải pháp và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Anh nhắc nhiều đến bài học đau thương, vậy có khi nào anh cảm thấy chùn bước, muốn dừng lại?

Kể từ lúc lập công ty đến giờ, có thể vì khát vọng xây dựng tổ chức lớn luôn chảy trong mình nên những khó khăn chưa bao giờ làm tôi chùn bước.

Nhưng nhiều áp lực cũng khiến mình có những khoảng lắng, suy nghĩ nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn. Bài học kinh nghiệm rất dài, rút mãi không hết.

Người ta thường nói, kinh doanh chẳng khác nào việc leo lên lưng một con hổ, phải phi liên tục, chứ dừng lại là hổ sẽ quay lại cắn mình. Còn tôi phải leo lên 10 con hổ nên càng không được phép dừng lại, mà phải bao quát và quy hoạch trận đánh để vững vàng tiến lên.

Tin bài liên quan