Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (ANV) khẳng định tại ĐHĐCD đang diễn ra chiều nay (17/5).
Ông Tới cho biết, đã rất lâu rồi ANV mới tổ chức ĐHĐCĐ ở TP.HCM với sự tham dự của đông đảo của nhà đầu tư.
"Trước thềm đại hội, nhiều người hỏi thăm tôi với vai trò doanh nhân. Tôi đâu phải doanh nhân, tôi chỉ là anh bộ đội đánh trận, góp sức cho đất nước trong chiến tranh biên giới năm 1977. Tôi cũng tốt nghệp trường sỹ quan chính quy. Cuộc đời không biết đâu mà lần, tôi không nghĩ mình đi kinh doanh, tôi chỉ mong một điều là sống vẹn toàn bản thân mình, điều đó quá hạnh phúc rồi, nói gì chuyện giàu có. Cuộc đời lúc thịnh, lúc suy, nhưng vẫn phải luôn vững vàng mọi lúc, cuộc đời có khó khăn vẫn phải luôn tươi cười. Đó là ý chí”, ông Tới chia sẻ.
Nói về định hướng chiến lược của ANV trong giai đoạn 2019-2020, ông Tới cho biết, xuất thân từ quân đội, có “máu” tốc chiến tốc thắng, khi thị trường Mỹ công bố đánh thuế năm 2002, áp dụng vào 2003, ANV đã dồn toàn lực để xuất khẩu hết vào thị trường Mỹ và ANV thắng lợi rực rỡ.
Chỉ trong 6 năm, quy mô, doanh số Nam Việt dẫn đầu thị trường, nhưng khi có quá nhiều tiền, ông nghĩ cần "chia trứng vào nhiều giỏ" - quan điểm không sai, từ đó Nhà máy Cromit Cổ định Thanh hóa và DAP số 2 Lào Cai ra đời thành công, bán được sản phẩm, nhưng lỗ quá, không chịu nổi.
Lịch sử ANV gặp những tháng ngày khó khăn do ảnh hưởng tư DAP Lào Cai. Để cứu Nam Việt, gia đình ông đã mua lại dự án DAP Lào Cai, chứ không phải lấy túi bên A bỏ bên B.
“Chưa bao giờ lấy của ANV bỏ túi riêng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch, không bao giờ tôi làm”, ông Tới khẳng định.
Năm 2011, Nam Việt quyết định quay lại ngành cá tra. Nếu Công ty có được hệ thống ngay từ đầu thì sẽ rất “thăng hoa”. "Tôi suy ngẫm lại và quyết tâm lên kế hoạch phục hồi Nam Việt”, ông Tới nói.
Theo ông Tới, ngành cá có 5 giai đoạn trong quy trình sản xuất khép kín, nắm được sẽ chắc phần thắng trong tay. Bao gồm, con giống tốt, cung cấp đầy đủ cho vùng nuôi là ưu thế số 1. Muốn làm được, cần vùng nuôi rộng, chỉ 100 ha không thể làm được, nhưng hiện chỉ có ANV mới làm được.
Thứ hai là yếu tố cá nguyên liệu. Tất cả công ty hiện tại hầu như phải mua bên ngoài, vì không đủ cá trong vùng nuôi. Trong khi nhu cầu thị trường rất khác nhau, Mỹ ăn khúc giữa con cá, size 700gr -1,2kg, EU thì ăn từ khúc 500-800 gr, Trung Đông 1,2-2kg.
Theo ông Tới, chẳng công ty nào đạt yêu cầu để nuôi tất cả các sản phẩm này. Với ANV, tập trung giải quyết được bài toán này thì sức mạnh sẽ tăng lên rất nhiều. Năm 2018, có nhiều đơn hàng giá trị cao, nhưng không thể cung cấp được. Số lượng và size cỡ con cá là rất quan trọng.
Thứ ba, nhà máy thức ăn, yếu tố này thì cần tiền và công nghệ là đầu tư được.
Thứ tư, nhà máy chế biến, ANV đang có 4 nhà máy, đủ công suất để vươn lên đầu bảng cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hiện nay lại hơi khó ở nguồn nhân lực đang bị đổ dồn sang các lĩnh vực khác như dệt may, gia dày, trong khi mức lương thấp hơn 50%. Do đó, ANV cũng sẵn sàng trang bị công nghệ để giảm nguồn nhân lực tối đa, chi phí tối ưu, đồng thời đảm bảo nguyên liệu, thị trường ổn định, giữ tốc độ đều để công nhân có công việc liên tục mới giữ chân được nhân sự.
Thứ năm, vấn đề thị trường là khó nhất, sản xuất nhiều mà không có đầu ra sẽ “tự chết” nên chính sách của ANV là mở rộng tất cả các thị trường, muốn vậy phải đảm bảo chất lượng và giá cạnh tranh.
"Qua Mỹ không khó, khó là xuất khẩu vào thị trường Mỹ bền vững, nhưng Nam Việt sẽ bằng mọi giá quay lại thị trường Mỹ. Hiện đa cơ cấu thị trường của Nam Việt khá đa dạng", ông Tới khẳng định.
Ông Tới cho rằng, thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và có thể trở thành thị trường số 1 với dân số đông nhất thế giới. Trong đó, cá tra rất được ưa chuộng và được người dân Trung Quốc chế biến rất nhiều món. Nhưng ngược lại, cũng có những vấn đề như công nợ. Nam Việt đã xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch. Còn các thị trường khác cũng tiềm năng là Nam Mỹ, Trung Đông cũng đang được Nam Việt đẩy mạnh.