Chia sẻ về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, anh Hà Đức Hùng – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, dịch đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là doanh nghiệp trẻ.
Theo thống kê của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, có 89,9% số lượng doanh nghiệp được khảo sát trả lời có chịu tác động của dịch Covid-19. Các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải đối mặt như: không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh là 58,4%, nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh là 45,8%, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp là 44,3%, hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được là 39,7%, không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh là 38,5%, thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu là 30,9% …
Theo anh Hùng, với những khó khăn trên, việc Việt Nam đã khống chế và kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 có ý nghĩa vô cùng lớn, để doanh nghiệp tái khởi động trở lại sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Những thiệt hại nặng nề trong đại dịch vừa qua, là bài học sâu sắc và thấm thía đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ. Thiệt hại đó đã để lại cho doanh nghiệp một bài học, thì lúc này mới chịu thay đổi và có sự phòng ngừa rủi ro chứ trước đó thành công thì hầu như không để ý đến”, anh Hùng nói.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, Hội đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp hội viên vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo đó, căn cứ thực trạng, tình hình và nguồn lực của doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc các khoản đầu tư, cân đối lại nguồn vốn. Tiết kiệm và cắt giảm các khoản chi không cần thiết.
Bên cạnh đó, cần phải tìm kiếm thị trường mới, các kênh tạo ra doanh thu mới, đối tác mới, sản phẩm mới, điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng. Tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức chương trình ATM gạo để hỗ trợ người khó khăn.
Theo anh Hà Đức Hùng, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ lúc này là Chính phủ cần thực hiện ngay các đề xuất thiết thực của hầu hết các cộng đồng doanh nghiệp; Tăng cường đầu tư công và giải ngân vốn…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động tự cứu mình trước, cần xác định lại chiến lược kinh doanh trong thời kỳ bình thường mới, đưa ra mục tiêu mới và thực hiện một cách mới mẻ. Xác định lại khách hàng mới, nhà cung cấp mới để đa dạng hóa khác hàng và nhà cung cấp.
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin khôn ngoan là bước cần thiết trong thời điểm này; Áp dụng các biện pháp tiết kiệm để tối thiểu hóa chi phí, tăng tính cạnh tranh. Tìm kiếm cơ hội mới, thị trường mới, tham gia các hiệp hội để liên kết sức mạnh, nâng cao năng lực bằng cách tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn…
“Trước khó khăn này, doanh nghiệp cần phải có tâm thế chủ động, mạnh mẽ, khắc phục khó khăn, với tinh thần tự cứu mình trước. Chuẩn bị các điều kiện để nắm bắt thời cơ kinh doanh khi thị trường hồi phục, sau khi đất nước khống chế thành công dịch bệnh”, anh Hùng chia sẻ.