Chủ tịch HĐQT PVA: “Để nắm bắt cơ hội, nhiều lúc phải mạo hiểm”

Chủ tịch HĐQT PVA: “Để nắm bắt cơ hội, nhiều lúc phải mạo hiểm”

(ĐTCK-online) Mặc dù vốn điều lệ hiện chỉ là 100 tỷ đồng, nhưng Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) đang có trong tay hàng chục dự án với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.

Có những thời điểm tổng số nợ của PVA cao hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu khiến DN này rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Thế nhưng, dưới sự chèo lái của "người thuyền trưởng" - Chủ tịch HĐQT Phan Hải Triều, "con tàu" PVA vẫn đứng vững và ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu của một trong những DN hàng đầu khu vực Bắc miền Trung.   

Cái tên PVA chỉ mới được nhiều người biết đến trong vài năm trở lại đây, ông có thể cho biết thương hiệu này được hình thành như thế nào?

Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVNC - mã PVA), tiền thân là Công ty Xây dựng số 1 Nghệ An được thành lập ngày 20/4/1961. Công ty được tổ chức lại theo Chỉ thị 500/TTG của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 4495/QĐUB của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trên cơ sở hợp nhất 9 DN độc lập thuộc ngành xây dựng Nghệ An. Ngày 19/1/2005, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 284/QĐ-UB-ĐMDN về việc chuyển Công ty Xây dựng số 1 thành CTCP và Công ty đã chính thức hoạt động theo mô hình mới kể từ ngày 22/3/2005.

Sau khi UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chuyển nhượng 51% cổ phần nhà nước tại Công ty cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tháng 3/2007, ĐHCĐ của Công ty đã thông qua việc Công ty trở thành đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí và đổi tên thành CTCP Xây dựng Dầu khí Nghệ An (PVNC). Ngày 4/5/2007, Tập đoàn Dầu khí ra Quyết định số 2397/QĐ-DKVN về việc tiếp nhận PVNC làm đơn vị thành viên của Tập đoàn. Ngày 26/10/2007, Tập đoàn Dầu khí chuyển toàn bộ 51% phần vốn mà Tập đoàn đang nắm giữ tại PVNC sang cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), từ đó PVNC đổi tên thành CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An. Tháng 12/2008, cổ phiếu của Công ty được chấp thuận niêm yết trên sàn Hà Nội với mã giao dịch PVA. Nằm trong định hướng và chiến lược phát triển của PVC về việc phấn đấu đến năm 2015 trở thành Tập đoàn Đầu tư - Xây lắp số 1 Việt Nam, PVA đã góp vốn thành lập thêm một số công ty thành viên và thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động công ty mẹ - con và đổi tên thành Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An vào tháng 8/2010.

Như vậy, PVA là DN có bề dày kinh nghiệm với hơn 50 năm truyền thống. Đầu năm 2011, Công ty đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng.

Sau khi lên sàn, PVA đã trở thành một hiện tượng lớn, đặc biệt là năm 2010, giá cổ phiếu này tăng một mạch lên trên 100.000 đồng/CP. Đó cũng là giai đoạn thương hiệu PVA trở nên nổi tiếng, là mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong một thời gian dài. Thế nhưng, giá cổ phiếu PVA hiện đã rớt xuống gần với mức khởi điểm ban đầu. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

Cuối năm 2009 và năm 2010 là giai đoạn mà PVA trúng thầu và được cấp giấy phép đầu tư nhiều dự án lớn. Tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới và TTCK giai đoạn đó mặc dù không thuận lợi như năm 2007, nhưng cũng đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Tin tốt đến dồn dập đã hỗ trợ giá cổ phiếu PVA tăng mạnh nhiều phiên liên tục. Kết quả kinh doanh của DN giai đoạn đó cũng rất khả quan đã tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư.

Thế nhưng, hiện nay tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất xấu, ở trong nước lạm phát tăng cao, tín dụng thắt chặt đã khiến DN rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Thị trường BĐS đóng băng nên các DN không bán được hàng để thu hồi vốn. Không chỉ PVA mà tất cả cổ phiếu ngành BĐS niêm yết đều rớt giá mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào chúng tôi, bằng chứng là tính thanh khoản của cổ phiếu PVA trong hầu hết phiên giao dịch vẫn rất lớn. Theo tôi, cổ phiếu PVA cũng như nhiều cổ phiếu ngành BĐS khác trên sàn hiện nay đang được định giá rất thấp, đó là cơ hội để các nhà đầu tư mua vào để nắm giữ lâu dài. Khi thị trường BĐS sôi động trở lại, giá cổ phiếu BĐS chắc chắn sẽ trở về giá trị thực của nó.

 

PVA đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP và bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá 11.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Trong bối cảnh TTCK đang kém sôi động, tiền mặt khan hiếm như hiện nay thì việc phát hành cổ phiếu tăng vốn với khối lượng lớn như vậy có khả thi?

Chúng tôi cũng đã tính toán và cân nhắc kỹ càng vấn đề này, nhưng cuối cùng vẫn quyết định tăng vốn. Thứ nhất, điều này thể hiện cam kết của PVA trong việc giữ chữ tín đối với cổ đông, khách hàng và đối tác. Thứ hai, hiện nay PVA đang thực hiện đầu tư một số dự án lớn có tính khả thi cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, đồng thời đang nhận tổng thầu thi công một số công trình có quy mô lớn nên sẽ rất cần thêm vốn để triển khai. Thứ ba, việc tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng sẽ cho phép PVA mở rộng quy mô sử dụng đòn bẩy tài chính trong tương lai. Sau khi hoàn thành việc tăng vốn, Công ty sẽ được nâng cao năng lực, dễ dàng tiếp cận với nhiều công trình và dự án có quy mô lớn hơn để hướng tới mục tiêu trở thành một trong những đơn vị xây lắp và đầu tư BĐS đứng đầu miền Trung.

Với vị thế và tiềm năng của PVA như hiện nay thì mức giá phát hành cổ phiếu như vậy là rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

 

Có người nhận xét, ông là một doanh nhân quyết đoán và có phần mạo hiểm. Tính cách đó thể hiện trong nhiều quyết sách, góp phần nhanh chóng khẳng định tên tuổi của PVA. Xin ông cho biết, vì sao PVA lại quyết định mua lại hàng chục triệu cổ phần Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 Anh Sơn; Công ty Đầu tư và thương mại Dầu khí Nghệ An; CTCP Hoàng Mai Ngọc và một số dự án BĐS, trong khi nguồn vốn của Công ty đang hạn chế?

Trước hết, phải nói rằng, chiến lược đầu tư kinh doanh cũng như tất cả mọi quyết định của PVA đều phải được HĐQT và ĐHCĐ của Công ty nhất trí thông qua, chứ tôi không thể một mình quyết định được. Hơn nữa, trong kinh doanh có nhiều lúc cần phải mạo hiểm  thì mới nắm bắt được cơ hội. 

Các khoản nợ của PVA hiện nay khá nhiều, nhưng chủ yếu là những khoản nợ không tính lãi. Phần lớn số nợ đó là do Công ty đã đầu tư vào những dự án lớn, trong khi nguồn kinh phí chưa đủ chi trả. Có nghĩa là đối tác đã cho PVA mua nợ dài hạn, nhận công trình, dự án trước để đầu tư xây dựng và thanh toán tiền sau mà không phải trả tiền lãi. Khi quyết định mua lại các dự án trên, chúng tôi đã tính toán kỹ đến khả năng thanh toán của DN và hiệu quả kinh tế của dự án trong tương lai.

Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành 4 công trình, dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng để bàn giao và thanh, quyết toán trong năm 2011. Ngày 7/10/2011 vừa qua, HĐQT PVA đã có Nghị quyết số 74/NQ-PVNC về việc tập trung đẩy nhanh công tác hoàn thiện các thủ tục liên quan để khởi công xây dựng một số dự án lớn có lợi thế về thương mại, hiệu quả cao về mặt kinh tế, có tiềm năng tạo ra công việc và lợi nhuận ổn định lâu dài như Dự án Khu A Quang Trung TP. Vinh có tổng mức đầu tư 935 tỷ đồng trong quý IV/2011; Khu đô thị Dầu khí Hoàng Mai có tổng mức đầu tư 1.174 tỷ đồng và Khu đô thị sinh thái Nghi Xuân - Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng vào quý II/2012. Dự kiến, năm 2012 PVA sẽ được PVC giao tổng thầu thi công một số dự án có giá trị gần 1.500 tỷ đồng.