Sau nhiều ngày nghị án, sáng 18/4, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Khánh Hồng (SN 1967, ở Bắc Giang, cựu chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Tân Hồng) mức án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
10 bị cáo còn lại, trong đó có một số cán bộ, nhân viên ngân hàng giữ vai trò đồng phạm lĩnh mức án từ 3 năm án treo đến 23 năm tù về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo trạng, Công ty Tân Hồng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết trồng rừng nguyên liệu. Bị cáo Hồng liên hệ với Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Hồng Hà xin vay vốn bằng hồ sơ sai sự thật. Số tiền 20,5 triệu USD giải ngân, Hồng chỉ sử dụng đúng mục đích 4,6 tỷ đồng. Số tiền còn lại bị cáo trả nợ ngân hàng, rút tiền mặt sử dụng.
Các bị cáo hợp thức hồ sơ vay bằng cách lập khống 965 phiếu chi tiền. Hiện nay, Công ty Tân Hồng mất hoàn toàn khả năng thanh toán.
Mặt khác, thông qua các mối quan hệ làm ăn, Công ty Tân Hồng, Công ty Đức Hùng (do Hồng đứng sau điều hành) ký 14 hợp đồng kinh tế với 9 doanh nghiệp như CTCP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội, CTCP Kim khí Hà Nội, CTCP Máy và thiết bị dầu khí… Tin tưởng vào bảo lãnh của ngân hàng, các doanh nghiệp đã chuyển tiền, chuyển hàng cho Hồng với tổng giá trị là 540 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, bị cáo Hồng có hành vi chiếm đoạt của ngân hàng và doanh nghiệp số tiền 863 tỷ đồng.
Theo HĐXX, đối với 14 hợp đồng mua bán hàng hóa trên cơ sở các hợp đồng bảo lãnh, bị cáo Hồng không có tiền trả nợ nên bàn với Đỗ Đức Hưng, Giám đốc Agribank chi nhánh Hồng Hà. Bị cáo Hưng cố tình ký các bảo lãnh vượt quyền. Các giao dịch dân sự xác lập với người không có thẩm quyền, không đúng quy trình, quy định, không thu phí, không hạch toán và có mục đích gian dối ngay từ đầu.
Các bị cáo ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để chiếm đoạt nên giao dịch vô hiệu. Bên có nghĩa vụ là Agribank không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với các doanh nghiệp. Đặc biệt các hợp đồng kinh tế do Công ty Tân Hồng ký kết, về mặt hình thức là các mặt hàng sắt thép, thực tế là huy động vốn. Trừ hai hợp đồng là có thật.
Về nguyên tắc, các hợp đồng vô hiệu ngay từ đầu, giả tạo, việc xác lập giao dịch không được pháp luật thừa nhận.
Do đó, bị cáo Trịnh Khánh Hồng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trả lại cho các doanh nghiệp: CTCP Thép Việt Nhật 29 tỷ đồng, Công ty Gang Thép Thái Nguyên tại Hà Nội 17 tỷ đồng…. Ngoài ra, bị cáo còn có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng số tiền 581 tỷ đồng.
Đối với các bất động sản thế chấp cho các khoản vay, HĐXX đề nghị tiếp tục kê biên, phát mại tài sản.