Năm 2021, ngành xây dựng đối diện với những khó khăn chưa từng thấy, giá vật liệu xây dựng tăng cao chóng mặt, trong khi quy định chống dịch ngặt nghèo khiến hàng loạt công trình phải treo cẩu, ngừng hoạt động. Từ quý IV, khi cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” và cùng với chủ trương thúc đẩy đầu tư công, triển vọng ngành dần sáng hơn. Nhưng theo doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), dù trong cơn bĩ cực của doanh nghiệp, ông vẫn nuôi khát vọng vươn ra thị trường thế giới, ghi danh trên thị trường hoàn cầu.
Được biết, Hội đồng quản trị Hòa Bình vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và gần 79% so với kế hoạch năm 2021. Đâu là cơ sở để Công ty xây dựng kế hoạch này?
Năm 2021, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh và giá vật liệu xây dựng tăng cao. Quý III, quý đỉnh điểm của dịch bệnh tại phía Nam, Hòa Bình chỉ đạt doanh thu 2.092 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2020; lãi ròng 5 tỷ đồng, tương đương 10% cùng kỳ. Điều này khiến doanh thu cả năm đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, không đạt mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, sang năm 2022, ngành xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp dân dụng đang được hưởng lợi từ chủ trương thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt đầu tư hạ tầng của Chính phủ. Đầu tư tư nhân cũng được “cởi trói” khi 10 loại công trình không phải xin phép xây dựng và các thủ tục thẩm định, thiết kế, thanh tra, kiểm tra được giảm đi.
Ngoài ra, sau đại dịch, làn sóng chuyển dịch sản xuất công nghiệp sang Việt Nam rất rõ. Thời gian gần đây, Hòa Bình được mời đấu thầu nhiều dự án tốt, nhiều dự án Công ty đang dự thầu cũng có triển vọng khả quan.
Theo tính toán của chúng tôi, mức doanh số thực hiện năm 2022 có thể đạt đến con số 22.000 tỷ đồng, nhưng do một số hạng mục dự án phải áp dụng chuẩn mực kế toán mới nên chưa được ghi nhận doanh thu trong năm nay.
Giới chuyên gia dự báo 2022 sẽ là năm “bùng nổ” của thị trường bất động sản, Hòa Bình có dự định mở rộng mảng bất động sản để tận dụng cơ hội từ thị trường?
Những năm gần đây, chủ trương của Chính phủ là quy hoạch lại đất đai để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp…; đồng thời, nỗ lực giải quyết những vướng mắc về pháp lý dự án cho phân khúc nhà ở trung bình, trung bình cao và cao cấp. Việc đẩy mạnh hạ tầng đầu tư công cũng sẽ tạo tiền đề cho ngành động sản năm 2022 có những chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, thị trường vẫn chứa đựng yếu tố rủi ro, ví dụ việc đẩy giá đất lên cao gây bất lợi, nhiễu loạn thị trường, làm cho nhà đầu tư hoang mang mất niềm tin. Giá chung cư, nhà ở quá cao cũng khiến người dân khó tiếp cận cơ hội mua nhà.
Gần đây, Hòa Bình tập trung vào mảng xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng là chính. Chúng tôi đang có kế hoạch thoái vốn bớt trong lĩnh vực bất động sản để tập trung làm xây dựng.
Hòa Bình có chiến lược gì để đón đầu cơ hội từ gói đầu tư công vừa được Quốc hội phê duyệt?
Chúng tôi quyết định đầu tư chi phối Công ty 479 vào năm 2019 (nắm giữ 57% cổ phần), một công ty mạnh về đầu tư cầu, cảng… Hiện nay, Công ty 479 Hoà Bình đang tăng trưởng rất nhanh, năm 2020 doanh thu mới 200 tỷ đồng thì đến 2021 đã đạt 700 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là 1.200 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hoà Bình đặt mục tiêu mảng xây dựng dân dụng tăng trưởng 20%, còn mảng hạ tầng tăng 6% so với năm 2021.
Với năng lực và kinh nghiệm của Hoà Bình, tôi tin sắp tới chúng tôi có thể tham gia nhiều dự án đầu tư công trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của ngành xây dựng trong năm 2022?
Tuy cả nước đã bước vào bình thường mới, được hưởng lợi từ vĩ mô và trong năm nay, giá nguyên vật liệu xây dựng đã giảm, song ngành xây dựng vẫn chưa hết khó khăn do dư địa phát triển không còn nhiều.
Trong những năm qua, ngành xây dựng Việt Nam chứng kiến những doanh nghiệp nội trỗi dậy mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên dưới 25%/năm như Coteccons, Delta, An Phong, Ecoba…, hay Hoà Bình đã tăng trưởng trung bình 38%/năm trong 30 năm qua.
Nhưng đến nay, ngành này chỉ tăng trưởng cầm chừng do phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm của ngành bất động sản. Vấn đề đặt ra là cần phải có thị trường mới để giải phóng nguồn lực này.
Có phải ông đang muốn nói đến triển vọng xuất khẩu xây dựng dân dụng mà ông đã từng tâm huyết và đề xuất lên Chính phủ? Chiến lược này đã được ông hiện thực hoá đến đâu?
Trong bối cảnh sức cầu xây dựng trong nước giảm sút, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khốc liệt, muốn trúng thầu, công ty xây dựng phải hạ giá hết mức khiến cho tích luỹ không có và không thể lớn mạnh nhanh.
Tôi đã nhìn ra vấn đề này từ lâu. Hiện thị trường xây dựng trong nước có quy mô rất nhỏ, tổng sản phẩm ngành xây dựng chỉ đạt 50 - 60 tỷ USD/năm, trong khi thị trường toàn cầu lên đến 12.000 tỷ USD, cao gấp hơn 200 lần. Nếu được đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể biến xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia trong những năm tới.
Năm 2011, tôi lần đầu tiên đem xây dựng dân dụng Việt Nam ra nước ngoài. Hoà Bình đã hợp tác với đối tác Malaysia để quản lý xây dựng nhiều dự án ở Kuala Lumpur, có những dự án quy mô đến 1.400 căn hộ, 42 tầng nổi và 7 tầng hầm… Chủ đầu tư Malaysia nhìn ra năng lực nhà thầu Việt Nam có sự khác biệt với nhà thầu Malaysia nên họ mời Hoà Bình sang để làm quản lý. Từ đó, tôi mở rộng sang Myanmar, Kuwait…
Tuy vậy, dù rất tâm huyết, nỗ lực nhưng Hoà Bình vẫn chưa thành công, hiện vẫn còn rất nhiều thử thách. Thời gian qua, chúng tôi xác định mới thăm dò, tìm hiểu để tìm ra thị trường tiềm năng nhất, hiệu quả nhất mà ngành xây dựng Việt Nam có thể thâm nhập được.
Những khó khăn, thử thách có làm ông thay đổi mục tiêu vươn ra thế giới?
Chúng tôi sẽ phải trở thành công ty số 1 ở Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, nhưng đó chưa phải mục tiêu cuối cùng mà chỉ là vị trí bắt buộc phải sở hữu, để có thể tiến xa hơn ra phạm vi toàn cầu. Nói rằng Hoà Bình tham vọng trở thành số 1 thế giới nghe có vẻ không tưởng, nhưng số 1 thế giới ở một phân khúc nào đó thì tôi tin hoàn toàn có thể.
Chúng tôi đang đặt nền móng để từng bước vươn tới quy mô đó. Tôi cũng nói luôn là: Hoà Bình muốn trở thành tập đoàn xây dựng Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế và là doanh nghiệp xây dựng số 1 thế giới trong phân khúc nhà ở cao tầng.
Theo quan sát của tôi, hiện nay một số nước trong khu vực không phải trải qua chiến tranh hay cấm vận như Việt Nam, nhưng tốc độ và trình độ xây dựng nhà ở cao tầng đang chậm hơn chúng ta.
Từ năm 2020, ông đã giao quyền điều hành Tập đoàn cho con trai là Lê Viết Hiếu, một doanh nhân thuộc lứa tuổi 9X và mới làm việc tại Hoà Bình 4 năm. Việc chuyển giao như vậy liệu có sớm quá không?
Chỉ hơi sớm, chứ không phải là quá sớm. Có ba lý do vào thời điểm chuyển giao đó khiến tôi buộc lòng phải giao nhiệm vụ cho Hiếu.
Thứ nhất là để tuân thủ quy định tại công ty đại chúng, một người không được kiêm nhiệm hai chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
Thứ hai, việc lựa chọn Hiếu vào vị trí Tổng giám đốc Hoà Bình không phải quyết định của cá nhân tôi, mà là lựa chọn của cả Hội đồng quản trị.
Thứ ba, Hiếu nhận nhiệm vụ đó vào đúng thời điểm mà Tập đoàn đang cần sức trẻ trong hàng ngũ lãnh đạo. Hiếu được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng hội nhập với kinh tế thế giới, đúng mục tiêu chiến lược mà Hoà Bình đặt ra.
Một câu hỏi mang tính chất cá nhân, sau áp lực của công việc, ông có đam mê sở thích gì để giải phóng năng lượng và cân bằng cuộc sống?
Tôi thích âm nhạc, cũng thường sáng tác nhạc. Tôi cũng thích nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử của những nền văn minh nhân loại.