Bây giờ nhắc lại những chuyện đã qua tưởng chừng như dễ dàng hơn, nhưng thực tế, con đường tôi đã đi qua rất nhiều chông gai.

Chẳng hạn với Gigatum, dù hiện tại đã hoạt động ổn định nhưng trước đó, Công ty thành lập được 6 tháng thì cổ đông mâu thuẫn, lương của Chủ tịch phải cắt giảm từ hơn 14 triệu đồng/tháng xuống còn 6 triệu đồng/tháng; 18 tháng thì cạn vốn, khó khăn vẫn chồng chất.

Một khi đã cạn tiền, tình hình rất căng thẳng, thậm chí chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân cũng phải tính toán. Có khi không đủ tiền đi xe ôm, phải đi bộ 3km về nhà.

Ăn trưa ở quán cơm nào cũng cần suy tính, thú thật có những thời điểm, trong ví chỉ có 10.000 – 20.000 đồng.

Gigatum không phải là công ty đầu tiên do tôi sáng lập, mà là công ty thứ hai. Công ty đầu tiên được tôi cùng 3 người bạn khác khởi xướng mang tên gọi MOEX năm 2012.

Khi đó, chúng tôi “đốt” hơn 1 tỷ đồng và nhận về thất bại. MOEX cung cấp dịch vụ tương tự như UberMoto và GrabBike hiện nay.

Năm 2012, một công ty với mô hình như vậy tại Indonesia (Go-Jek) cũng được thành lập và phát triển, trở thành doanh nghiệp trị giá 3 tỷ USD vào tháng 5/2017, trong khi chúng tôi lại lụi tàn.

Đối với tôi, khó khăn luôn đồng hành cùng khởi nghiệp, từ những vấn đề như không tìm được nhân sự làm việc, cho tới không phát triển được thị trường.

Nhưng khó khăn là rất đỗi bình thường và nếu khởi nghiệp mà không gặp khó khăn là đã đi sai đường. Thử thách càng lớn thì cơ hội thành công càng cao.

Nguyên nhân thì có rất nhiều: cách làm chưa đúng, đội ngũ nhân sự thiếu… Rất có thể chúng tôi đã khởi nghiệp sai ngay từ đầu, dù toàn là những người có kinh nghiệm.

Đây là bài học tôi luôn nhắc nhở bản thân, không phải cứ nghĩ đúng là làm đúng. Một khi bắt tay vào làm mới thấy khó hơn nhiều và việc khiến những người xung quanh cùng làm đúng càng khó hơn, chưa kể tới phải điều hành một hệ thống đi đúng hướng.

Nhưng tôi đã xác định lựa chọn khởi nghiệp là chấp nhận khó khăn, là sẵn sàng bán nhà, bán ô tô để khởi nghiệp nên không có gì phải sợ. Không dám chấp nhận rủi ro thì không thể thành lập các công ty tầm cỡ ở Việt Nam.

Vốn là câu chuyện “nước chảy chỗ trũng”, tức là một khi doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh đủ tốt thì dòng tiền sẽ tìm đường chảy vào.

Nếu chưa được đón nhận vốn đầu tư, nghĩa là kế hoạch kinh doanh, chiến lược, cách hành động chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư, thậm chí, nguyên nhân cũng có thể do cá nhân người khởi nghiệp chưa tạo đủ niềm tin.

Một khi doanh nghiệp khởi nghiệp làm tốt các vấn đề trên, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng góp vốn. Theo tôi, không biết tìm người có thể đưa tiền cho mình kinh doanh thì tốt nhất cũng không nên khởi nghiệp.

Bởi bán ý tưởng chính là sản phẩm đầu tiên của chủ doanh nghiệp và công ty đó, dù quy mô lớn bé ra sao.

Như vậy, nên đặt vấn đề là công ty của bạn còn điểm nào chưa đủ hấp dẫn để thu hút, hoặc bạn đã tiếp cận hết các cơ hội của mình chưa, thay vì tại sao không có tiền để khởi nghiệp.

Có nhiều nguồn vốn khác nhau để thu hút, nhưng thông thường, cách tốt nhất là thuyết phục từ những người thân xung quanh, bởi người thân là người hiểu bạn và thật sự mong muốn bạn thành công vô điều kiện, đây là “nguồn vốn dễ”.

Nếu những người xung quanh bạn, những người gần gũi bạn nhất mà không ủng hộ tiền thì nên xem lại liệu bạn có quá “điên rồ” hay không.

Bên cạnh đó, doanh nhân là những người cởi mở, dễ tiếp cận nên khi khởi nghiệp, bạn có thể tìm đến doanh nhân trong lĩnh vực mình theo đuổi hoặc gần giống, trước tiên là để nhờ họ đánh giá lại ý tưởng kinh doanh, sau đó mới là tìm nguồn vốn.

Đừng ngại chuyện người khác lấy ý tưởng của mình, bởi nếu thích, doanh nhân đó có thể sẵn sàng góp vốn để bạn khởi nghiệp.

Bạn càng đẩy lùi thời điểm huy động vốn từ “người ngoài” càng tốt, vì bạn sẽ giữ được lượng cổ phần cao hơn, thực tế là không nhà đầu tư nào định giá doanh nghiệp khởi nghiệp cao ngay từ đầu.

Dùng “nguồn vốn dễ” để đi càng xa càng tốt, đi xa đồng nghĩa với việc rủi ro giảm và giá trị công ty tăng lên, tỷ lệ cổ phần bán ra để huy động vốn khó sẽ thấp xuống.

Câu chuyện khởi nghiệp không có công thức chung và việc bắt đầu không quá quan trọng, vấn đề là cái đích mà doanh nghiệp đạt tới.

Có con số thống kê cho rằng, 97% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ chết. Vậy những cá nhân khởi nghiệp nên đối diện vấn đề này như thế nào?

Tôi biết tỷ lệ thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp rất thấp, nhưng đây là chuyện bình thường. Biết được rủi ro lớn thì người khởi nghiệp sẽ càng thận trọng, quyết tâm, nỗ lực hơn.

Theo tôi, khi đã bắt đầu làm, chỉ nên quan tâm mình sẽ kinh doanh cái gì? Hướng tới đối tượng khách hàng nào? Làm sao thuyết phục được người dùng? Thực hiện mục tiêu từng giai đoạn ra sao? Tìm người cùng chí hướng như thế nào?... Đây mới là những vấn đề cần phải bận tâm chứ không phải là câu chuyện “sống, chết”.

Có như vậy, tôi tin rằng các công ty khởi nghiệp sẽ thành công.

Cá nhân tôi, có những lúc đã gần kiệt quệ nhưng vẫn giữ niềm tin sẽ thành công. Niềm tin quan trọng hơn việc lo sợ thất bại, nhưng đó phải là niềm tin được xây dựng trên nền tảng hiểu rõ việc mình làm.

Mất tiền sẽ lấy lại được tiền. Cái mất nhiều hơn không phải là tiền mà là mất thời gian, cơ hội và quan trọng là làm ảnh hưởng đến những người xung quanh như gia đình và nhân viên.

Với tôi, được làm những việc mình thích đã là hạnh phúc, khởi nghiệp là thỏa lòng rồi nhưng khi khởi nghiệp nên nghĩ cho nhiều người xung quanh hơn là nghĩ cho bản thân.

Bên cạnh đó, tôi không thích Gigatum được gọi là công ty startup với nghĩa cần được hỗ trợ, nâng đỡ, ưu ái… vì chúng tôi đã hơn 4 năm, “hơi già” so với tên gọi này.

Hiện tại, tôi chỉ quan tâm đến những yếu tố mà mình kiểm soát được như: hàng tháng trả đủ lương, cuối năm báo cổ đông là đã tạo những lợi nhuận như thế nào, khách hàng hài lòng với dịch vụ được cung cấp ra sao...

Ở góc độ xã hội, phong trào khởi nghiệp có mặt tốt là khuyến khích người Việt Nam chủ động kinh doanh, kích thích phát triển kinh tế tư nhân, rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Nếu thiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền kinh tế rất khó vận động nên Việt Nam cần nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn nữa.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ startup là phải giải quyết một vấn đề nào đó của cuộc sống, bằng góc nhìn của người làm thương mại, kinh doanh. Có như vậy, lợi ích đó mới tồn tại và phát triển, đóng góp tích cực cho xã hội.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, nếu khởi nghiệp trở thành “phong trào”, cứ nhất định phải hùa theo để khởi nghiệp thì lại thành tiêu cực.

Nhiều cá nhân sẽ có ích cho xã hội và đạt được thành công khi trở thành nhân viên tốt tại một công ty, hơn là lãng phí tiền bạc, công sức của bản thân, gia đình.

Đừng giữ tư tưởng “tôi phải khởi nghiệp”, thay vào đó cần chọn con đường đúng và phù hợp với mình.