Ông Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết

Chủ tịch FLC: Thách thức chỉ làm chậm những kế hoạch lớn

(ĐTCK) Một ngày đầu xuân 2012, trong văn phòng mới khang trang tại Tòa nhà FLC Landmark, ThS, Luật sư, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC Group) Trịnh Văn Quyết tâm sự: “Những khó khăn của năm 2011 có thể là nỗi ám ảnh của nhiều DN, nhưng với tôi, đó là một năm thắng lợi kép”.

Khủng hoảng: cơ hội tích lũy

Trong nguy có cơ. Câu nói tự bao đời, nhưng vẫn là bài học chưa bao giờ lỗi nhịp với bất kỳ một doanh nhân, DN nào. Và quả thực, thế giới đã có nhiều ông trùm tài chính, kinh tế sinh ra từ những cuộc khủng hoảng, trong đó phải kể đến G. Soros, Warrent Buffett...

“Trong khủng hoảng, giá các tài sản bị sụt giảm mạnh. Ở góc độ tiêu cực, bạn sẽ thấy túi tiền của mình sụt đi. Nhưng nhìn một góc độ khác, giá các tài sản rẻ đi là cơ hội để bạn sở hữu được nhiều hơn. Tất nhiên, bạn cần phải có tiền”, ông Quyết - một trong 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011 - nhận xét.

Năm 2011, trong khi nhiều DN bất động sản phải đối mặt với nguy cơ phá sản, không có tiền để chi trả lãi vay, thì FLC bất ngờ đưa kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7% vốn điều lệ. Trả lời câu hỏi tại sao lại chia cổ tức thời điểm này, thay vì giữ lại để mở rộng nguồn tiền cho DN, ông Quyết chỉ trả lời đơn giản: Có tiền, có lãi thì chia cho cổ đông thôi.

Theo ông Quyết, trên thực tế, FLC hầu như không vay nợ ngân hàng. Nếu sáp nhập FLC Land vào FLC, thì cả hệ thống của FLC chỉ nợ chưa tới 100 tỷ đồng. Trong khi đó, FLC còn nhiều tài sản chưa thực hiện bán, trong đó lượng lớn là diện tích sàn các tầng văn phòng và trung tâm thương mại của Tòa nhà FLC Landmark (đã hoàn thành trước kế hoạch 4 tháng), một số diện tích căn hộ khác mà FLC vẫn không muốn bán giai đoạn trước…

Cả tài sản hàng nghìn tỷ đồng hiện tại vẫn chưa được tính vào doanh thu, trong khi vay nợ thấp, nên ông Quyết tự tin rằng, khó khăn nhất năm 2011 mà FLC phải chịu là triển khai chậm lại những kế hoạch cho một hoài bão lớn, chứ không phải là những cuộc đối đầu với thách thức vĩ mô để tìm kiếm cơ hội tồn tại.

Với việc mua lại thành công Dự án Sân golf - resort, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì, Hà Nội), Chủ tịch FLC cho rằng, Công ty đã được hưởng lợi từ những khó khăn của thị trường. “Hãy tưởng tượng, nếu trong hoàn cảnh kinh tế diễn ra bình thường, cơ hội để mua được những dự án như trên với giá rẻ, hoặc cơ hội “săn” được nguồn nhân sự chất lượng cao từ các nơi khác, là rất thấp. Nhưng trong khủng hoảng, điều gì cũng có thể xảy ra. Cơ hội luôn đến với những người có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Quyết nói.

Trong một cuộc đua song mã, chỉ cần trụ vững khi đối thủ đi lùi đã là một chiến thắng. Ban lãnh đạo FLC cho rằng, mình đã không chỉ đứng im tốt, mà còn bước từng bước chậm, chắc hướng về phía trước.

 

Phải trụ hạng mới mong đoạt Cup

Việc tận dụng cơ hội trong khủng hoảng trong năm 2011 sẽ là nền tảng để FLC bước vào năm 2012, với kế hoạch kinh doanh (vừa được ĐHCĐ thông qua) khá ấn tượng, trong đó mục tiêu doanh thu là gần 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 309 tỷ và dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15%.

Giống như nhiều lãnh đạo DN khác, ông Quyết cho rằng, 2012 sẽ là một năm bản lề, nhưng không phải bên kia cánh cửa là một không gian toàn màu hồng. Theo ông Quyết, năm 2012 sẽ là năm sàng lọc DN trước khi để tất cả cùng bước sang một giai đoạn mới. Nếu không phải là câu chuyện may mắn, thì chỉ những DN có tiền, có dự án tốt, nhân sự có chất lượng, làm ăn bài bản… mới có thể đón cơ hội sau khủng hoảng. Bởi vì, kiệt quệ thanh khoản sẽ là hòn đá tảng cản bước DN.

“Ai cũng cho rằng, sau khủng hoảng sẽ là cơ hội để làm lại. Lãi suất sẽ giảm, cầu sẽ tăng, làm ăn sẽ có lãi. Nhưng họ quên mất một điều, muốn làm lại, thì phải bắt đầu bằng cái gì?”, ông Quyết ví von, phong độ của một đội bóng trong một năm có thể không tốt, nhưng nếu muốn năm sau đoạt Cup, thì chắc chắn năm nay không thể rớt hạng. Cũng giống như một DN, muốn tận dụng cơ hội của diễn biến vĩ mô tích cực, thì DN ấy phải sống được qua thời kỳ khủng hoảng.

Để giờ này có thể ngồi tại văn phòng, nhâm nhi cà phê mỗi sáng bàn về kế hoạch tương lai với nhiều dự án lớn, ông Quyết cho rằng, một phần do Công ty đã kiên định chủ trương giữ uy tín với khách hàng trong tiến độ thi công dự án, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, làm ăn thận trọng. Một lý do không thể thiếu nữa, đó là sự may mắn, khi mở bán căn hộ của dự án FLC đúng thời điểm thị trường còn sốt nóng. Sự may mắn của FLC có được ngày hôm nay, theo ông Quyết, một phần bởi chính định hướng kinh doanh: thà đi chậm mà chắc, còn hơn đi nhanh để có lúc phải bước lùi. Diễn biến thị trường tín dụng, bất động sản 2 năm vừa qua đã chứng minh được tính đúng đắn của định hướng chiến lược ấy.

Có lẽ đây là lý do khiến ông Quyết tự hào, mình là người hưởng lợi kép từ khủng hoảng. Ngoài giá trị hữu hình là những dự án giá rẻ, ông còn nhận về riêng cho mình những bài học kinh doanh, mà để có nó, không ít người phải trả giá, thậm chí bằng cả sự nghiệp và tuổi trẻ.