Chủ tịch CSC Việt Nam: Đam mê kinh doanh và khát vọng giữ chất xám ở lại

Chủ tịch CSC Việt Nam: Đam mê kinh doanh và khát vọng giữ chất xám ở lại

(ĐTCK) Là cố vấn cao cấp của một tập đoàn đa quốc gia, đồng thời là chủ tịch công ty quản lý và kinh doanh tài sản của chính mình, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT CTCP CSC Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực tìm tòi những hướng đi mới trong công việc, để ngày càng vun đắp cho niềm đam mê kinh doanh.

Được biết đến với vai trò là người chèo lái CSC Việt Nam đầu tư khá thành công vào nhiều lĩnh vực như khoáng sản, xi măng, bất động sản…, cơ duyên nào thôi thúc bà đầu tư vào giáo dục?

Cũng như không ít doanh nhân khác, tôi luôn muốn tìm tòi, phát triển, mở ra những hướng kinh doanh khác để thực hiện đam mê của mình. Các lĩnh vực đầu tư của Công ty đã vận hành ổn định, giáo dục là lĩnh vực mới và là thử thách mà tôi muốn chinh phục. Là cựu sinh viên Trường đại học Hawaii (Mỹ), tôi bắt đầu bằng việc hợp tác với Trường để triển khai một mô hình giáo dục hiệu quả ở Việt Nam, mang lại cơ hội tiếp cận với những kiến thức hiện đại của thế giới cho các DN và doanh nhân Việt Nam có nhu cầu học hỏi và mở mang kiến thức.

 

Khi đưa ra quyết định này, điều gì khiến bà trăn trở nhiều nhất?

Từ những trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy người Việt Nam sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền để được học tập tại nước ngoài, tuy nhiên, việc đầu tư này chưa hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, do tỷ lệ sinh viên quay về Việt Nam làm việc sau khi đào tạo ở nước ngoài không nhiều. Mặt khác, giai đoạn học tập của sinh viên ở nước ngoài khá dài nên cũng cần nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm thì mới có thể bắt nhịp được với thị trường khi trở về Việt Nam và không phải tất cả trong số đó đều có thể thích nghi được.

Sau khi tốt nghiệp khóa học Thạc sĩ quản trị kinh doanh dành cho Giám đốc điều hành tại Đại học Hawaii, tôi quyết định triển khai ý tưởng hợp tác đào tạo với các trường đại học trên thế giới, để người Việt Nam được “du học” tại chỗ, qua đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa tích lũy được kinh nghiệm thực tế, giảm thiểu tình trạng “chảy máu” chất xám. 

 

Ý tưởng trên đã được bà cụ thể hóa bằng mô hình liên kết đào tạo nào? Mô hình này có gì khác biệt so với nhiều mô hình liên kết đào tạo với nước ngoài đang khá thịnh hành tại Việt Nam , thưa bà?

Với tâm niệm đã làm cái gì thì phải tạo sự khác biệt, để không chỉ thành công trong cạnh tranh, mà quan trọng hơn là tạo ra cơ hội học tập thực sự chất lượng cho người học, CSC Việt Nam quyết định trở thành đại diện và đối tác duy nhất tại Việt Nam của Đại học Hawaii trong tuyển sinh và đào tạo chương trình Executive MBA của Trường, chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh được đánh giá là cao cấp nhất tại Việt Nam. Đây là chương trình đào tạo duy nhất tại Việt Nam được cấp chứng nhận bởi Hiệp hội quốc tế các trường hàng đầu về quản trị kinh doanh AACSB (The Association to Advance Collegiate Schools of Business).

Phải nhìn nhận rằng, mọi chương trình đào tạo dù ưu việt đến đâu cũng không thể cung cấp  hết những kỹ năng cần thiết cho một doanh nhân hay một nhà quản trị. Các chương trình đào tạo của Mỹ có một điểm đặc biệt, đó là tính thực tiễn trong chương trình rất cao, chú trọng cung cấp các giải pháp xử lý tình huống qua những case study (bài tập tình huống) đã diễn ra ở các hãng, các công ty lớn. Học viên qua đó sẽ rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, nhằm lấp đầy những kẽ hở, những lỗ hổng mà họ va vấp qua thực tế làm việc hay khi điều hành tại DN mình. Đó là điểm hấp dẫn mà học viên muốn khai thác ở khóa học này.

Hiện nay, chúng tôi đang kết hợp với một nhóm giáo sư thuộc Đại học Havard, do Giáo sư Thomas E.Patterson là người chủ trì về ý tưởng chiến lược, để triển khai thực tế hóa các chương trình đào tạo online. Hy vọng khi dự án này thành công, chúng ta sẽ có những cơ hội mới về phương thức đào tạo hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giới trẻ, có thể chủ động thời gian đào tạo và đặc biệt là tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

 

Trong quá trình đào tạo cho các doanh nhân, bà nhận thấy “lỗ hổng” đáng ngại nhất trong quản lý, điều hành DN ở họ là gì?

Cũng như trên thế giới, khá nhiều doanh nhân Việt Nam không được đào tạo bài bản, nhưng khá thành công trên con đường kinh doanh. Đa phần đó là những trường hợp “thiên phú”, họ rất thông minh và nhanh nhạy với thị trường.

Để chèo lái DN phát triển bền vững, các doanh nhân cần được cập nhật thường xuyên về những kiến thức chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Việc trang bị những kiến thức này giúp cho các DN bớt gặp trở ngại khi muốn mở rộng hợp tác với các DN có tên tuổi trên thế giới, đồng thời quản trị rủi ro DN tốt hơn khi thực hiện các chiến lược phát triển.

 

Nhìn lại chặng đường gần 20 năm gắn với nghiệp kinh doanh, hẳn bà có bí quyết riêng để có được những thành công như hôm nay?

Không chỉ trong kinh doanh, mà cả trong đời sống, phương châm của tôi là “đam mê, đam mê và không ngừng học hỏi”. Tôi luôn tìm được những điểm đáng học hỏi từ cuộc sống, từ bạn bè, từ đối tác và cả từ đối thủ cạnh tranh. Từ họ, tôi tìm được những điều hay, những điều bổ ích mới mẻ để nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thiện mình hơn, cũng như truyền lửa tiếp cho những người xung quanh mình.

Với 20 năm làm việc tại các công ty, tập đoàn nước ngoài, trong đó có 18 năm làm Giám đốc tài chính kiêm Phó tổng giám đốc của Biomin Việt Nam, một tập đoàn đa quốc gia của Áo, bà Nguyễn Thị Trà My luôn là một nhà quản trị tài chính với kiến thức chuyên môn sâu rộng và cách làm việc khoa học. Bà thành lập CSC Việt Nam vào năm 2007, với mục đích quản lý và kinh doanh tài sản của cá nhân. Sau 5 năm thành lập, CSC Việt Nam đang vận hành CTCP Khoáng sản CSC, Nhà máy Xi măng Việt Trung và Công ty Puzzolan Như Xuân... Ngoài các công ty thành viên trong nước, CSC Việt Nam   là một trong các công ty Việt Nam tiên phong đầu tư ra thị trường nước ngoài và đã thành lập một số công ty thành viên như Công ty Bất động sản Việt - Sing ( Singapore ), Công ty CSC - US Hawaii (Mỹ)...

Tuy đã lập công ty riêng, nhưng bà Trà My vẫn tiếp tục đóng góp cho Tập đoàn Biomin ở vị trí cố vấn cao cấp.