Khi giá cả tăng cao, người ta mới giật mình rà soát lại mới thấy những thiếu hụt và lỗ hổng trong quản lý, phân phối và giá cả của nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm (ảnh laodong)

Khi giá cả tăng cao, người ta mới giật mình rà soát lại mới thấy những thiếu hụt và lỗ hổng trong quản lý, phân phối và giá cả của nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm (ảnh laodong)

Chủ quan ngay khi "nước sôi lửa bỏng"

Đối với thị trường, giá cả, ngay cả lúc tưởng như bình ổn nhất cũng không thể chủ quan. Như thế, mới thấy lo khi sự chủ quan lại xảy ra ngay cả lúc "nước sôi lửa bỏng", cả nước tập trung để chống tăng giá và lạm phát. Đó là một bài học, một hạn chế không nên lặp lại trong quản lý kinh tế.

Diễn biến mới nhất của chỉ số giá cả đã đi ngược hoàn toàn với những dự báo và kỳ vọng trước đó của các cơ quan quản lý. Chỉ số giá cả trong tháng 7 đã đột biến tăng trở lại sau hai tháng có dấu hiệu giảm tốc độ gia tăng. Điều này tất nhiên đã gây ra những tác động không tốt lên nền kinh tế, khiến điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn... Hơn thế, nó đã gây ra nhiều nỗi lo lắng và làm niềm tin của người dân về chính sách ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát đang được tiến hành.

 

Sau khi giá cả tăng, không chỉ cơ quan quản lý giá và cả các bộ quản lý ngành như nông nghiệp, công thương... đã phải tất tả rà soát, kiểm tra lại nguyên nhân đẩy lạm phát tăng đột biến trở lại. Và người ta phát hiện ra lý do bắt nguồn từ chính những nhân tố không hề xa lại: giá thực phẩm tăng, ảnh hưởng của thời tiết...

 

Đáng nói hơn, những diễn biến này đã được cảnh bảo nhiều nhưng rồi nó xảy ra.

 

Chính vì thế, lãnh đạo cơ quan quản lý đã bày tỏ sự bất ngờ trước diễn biến mới của giá cả. Thậm chí, vị lãnh đạo này còn thừa nhận, trong quản lý điều hành giá cả đã có sự chủ quan, không quyết liệt mới dẫn đến thực tế trên.

 

Đây là lời thừa nhận rất đúng với thực tế, và không chỉ đúng trong tháng 7 này. Điều đó còn đúng cho cả một thời gian dài trước đây. Trong tháng 7, nhân tố khiến giá cả tăng mạnh trở lại chính là giá lương thực thực phẩm bất ngờ leo thang. Tuy nhiên, đây lại là điều hoàn toàn không phải mới mẻ và đột xuất.

 

Ai cũng biết, lương thực, thực phẩm chiếm phần lớn trong tiêu dùng người Việt. Giá lương thực, thực phẩm luôn là một nhóm hàng quan trọng, chiếm quyền số lớn trong chỉ số giá cả. Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống luôn có nhiều biến động, đặc biệt. Không đâu xa, ngay đầu năm 2011, dưới tác động của giá đầu vào tăng, dịch bệnh bùng phát khiến cho nhóm hàng này càng trở nên đắt đỏ và có dấu hiệu khan hiếm... dẫn tới một đợt sốc giá.

 

Với những gì đã xảy ra, cơ quan quản lý nông nghiệp, cơ quan quản lý giá cả đều nắm được điều này. Song, đáng buồn là thực tế, sự chủ quan và lơi là trong quản lý đã khiến cho giá cả vẫn tăng gây tác hại cho cả nền kinh tế và người dân phải trả giá.

 

Hơn thế, khi giá cả tăng cao, người ta mới giật mình rà soát lại mới thấy những thiếu hụt và lỗ hổng trong quản lý, phân phối và giá cả của nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm. Thật đáng buồn khi ở đất nước trù phú và mạnh về xuất khẩu nông sản người thì phân phối, lưu thông hàng hóa phục vụ ăn uống cho gần 100 triệu dân lại chủ yếu nằm trong tay tư thương nhỏ lẻ và hoạt động một cách tự phát. Có rất ít sự quản lý và tổ chức, dữ trữ để nhà nước có thể can thiệp được... Chính vì thế, dù bất ngờ hay không thì khả năng can thiệp của nhà nước là không nhiều hiệu quả.

 

Thực tế trên đây là một biểu hiện nhỏ cho thấy có rất nhiều chủ quan và duy ý chí trong điều hành và quản lý giá cả, lạm phát. Trong nhiều năm gần đây, chúng ta đều đề ra một kế hoạch đầu năm với mức lạm phát khá thấp, nhưng thực tế gần chưa năm nào đạt đúng như dự báo mà thường tăng cao hơn, thậm chí cao hơn gấp đôi. Để rồi, đi kèm với đó luôn là sự lúng túng và thay đổi liên tục về chính sách điều hành.

 

Ngay năm 2011, đầu năm, chúng ta vẫn có một chỉ tiêu đẹp khi lạm phát chỉ một con số, nhưng rồi nó đã được nâng lên 15% rồi sau đó là 17%. Rất có thể con số này cũng chưa hẳn đã đúng khi năm 2011 kết thúc.

 

Nói về thực tế này, một chuyên gia kinh tế đánh giá, chúng ta thường đề ra kế hoạch với những gì mình muốn và hiện có mà có rất ít hàm lượng dự báo và thông tin một cách khách quan về diễn biến tương lai nên thường có sai số lớn. Sai số thì lại sửa, điều chỉnh nhưng điều quan trọng là chúng ta đã làm mất sự ổn định của chính sách, mất niềm tin cuả người dân. Bởi vì một mục tiêu đề ra luôn đi kèm với hàng loạt chính sách điều hành đằng sau, song, chúng ta liên tục thay đổi nên hay gây ra đảo chiều chính sách khiến nền kinh tế bị sốc và ảnh hưởng tiêu cực.

 

Mỗi chính sách đề ra luôn đòi hỏi sự đúng hướng về chủ trương, chính xác trong các chỉ tiêu và biện pháp đề ra, đòi hỏi sự kiên trì và thận trọng điều hành... và luôn luôn phải theo sát diễn biến để có ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, với thực tế trên đây thì điều đó còn chưa được thể hiện. Đó là biểu hiện của sự yếu kém năng lực, thiếu tập trung trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

 

Điều hành kinh tế, quản lý giá cả là cả một vấn đề phức tạp, nó đòi hỏi đầy đủ thông tin, giỏi dự báo để chủ động về chính sách. Hơn thế, còn đòi hỏi cả một nghệ thuật trong điều hành để khắc chế những yếu tố biến động bên ngoài như tâm lý, đầu cơ...

 

Tuy nhiên, tất cả mọi việc đó đều chỉ được đảm bảo thành công khi chúng ta có sự chủ động và thận trọng. Như thế, ngay cả lúc bình ổn nhất cũng không thể có chỗ cho sự chủ quan. Nhưng, thật đáng buồn khi sự chủ quan đó lại xảy ra ngay cả lúc nước sôi lửa bỏng hiện nay.

 

Bởi vì, đối với thị trường, giá cả, ngay cả lúc tưởng như bình ổn nhất cũng không thể chủ quan. Như thế, mới thấy lo khi sự chủ quan lại xảy ra ngay cả lúc "nước sôi lửa bỏng", cả nước tập trung để chống tăng giá và lạm phát. Đó là một bài học, một hạn chế không nên lặp lại trong quản lý kinh tế.