Hôm qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đã giảm mức xếp hạng tín nhiệm đối với các khoản nợ nước ngoài dài hạn của Brazil xuống còn BBB- từ mức BBB+, mức tín nhiệm đầu tư thấp nhất của tổ chức này. Quyết định của S&P có thể sẽ thúc giục các tổ chức xếp hạng Moody’s và Fitch Ratings làm điều tương tự.
Động thái của S&P đến khi “vận đen” đang xảy đến với Tổng thống Dilma Rousseff, người đã phải vật lộn để hồi sức nền kinh tế lớn nhất Mỹ La tinh và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới.
“Việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm này phản ánh nhiều vấn đề khác nhau của nền tài khóa Brazil, bao gồm việc không trả nợ đúng hạn, triển vọng kiểm soát tài khóa yếu và tăng trưởng kinh tế chậm trong những năm tới, bên cạnh đó là tình trạng ngày càng xấu đi của cán cân thanh toán”, S&P cho biết trong một thông báo.
Tuy nhiên, S&P cũng thay đổi triển vọng của Brazil từ mức “tiêu cực” lên “ổn định”, tức giảm rủi ro bị hạ xếp hạng thêm trong tương lai gần.
“Triển vọng ổn định phản ánh quan điểm của chúng tôi về sức mạnh thể chế và bảng cân đối của Brazil”, Lisa Schineller của S&P nói trong một cuộc họp hôm qua. S&P chỉ ra những thể chế chính trị được tổ chức tốt, các cam kết chính sách để duy trì ổn định kinh tế và một nền kinh tế đa dạng, quy mô lớn của Brazil.
Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng này cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với những lời hứa của Chính phủ Brazil trong tháng trước về việc cắt giảm 18,5 tỷ USD chi tiêu công để đạt mục tiêu ngân sách.
“Sẽ rất khó để đạt được mức thặng dư ngân sách cơ bản 1,9% GDP nếu không nhờ đến ‘những điều chỉnh khoản dự phòng’, khi mà tăng trưởng kinh tế ở mức thấp và một vài loại thuế tiếp tục được miễn giảm”, S&P nói.
“Triển vọng tăng trưởng thấp phản ánh cả yếu tố chu kỳ và yếu tố cơ cấu, bao gồm tỷ trọng đầu tư trong GDP chỉ 18% trong năm 2013 và tăng trưởng chậm của lực lượng lao động”, S&P nói. “Kết hợp lại, các yếu tố này sẽ thu hẹp không gian để Chính phủ có thể đối phó với các cú sốc từ bên ngoài”.