Chu kỳ giảm điểm vẫn chưa kết thúc

Chu kỳ giảm điểm vẫn chưa kết thúc

(ĐTCK-online) Các CTCK đều có chung nhận định, khả năng xu thế giảm sẽ tiếp tục lấn át trong các phiên sắp tới. Tín hiệu mua vào vẫn chưa xuất hiện, vì vậy nhà đầu tư nên đứng ngoài và theo dõi thị trường để lựa chọn thời điểm hợp lý.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/9.

 

Khả năng xu thế giảm sẽ tiếp tục lấn át

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Phiên phân phối của nhóm cổ phiếu đã tăng nóng trên sàn HOSE đến cùng lúc với thời điểm nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo cổ phiếu dẫn dắt của sàn Hà Nội khiến cả 2 sàn có một ngày giảm mạnh. Hiện tượng này đánh dấu một thay đổi đáng kể trong tâm lý của số đông nhà đầu tư khi chuyển từ hy vọng sang mất niềm tin và bán tháo.

Bên cạnh đó, trên phương diện phân tích kỹ thuật, có khá nhiều mã cổ phiếu chủ chốt bao gồm cả chỉ số HNX-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong phiên ngày 29/9. Như vậy, mặc dù thị trường vẫn có thể xuất hiện các đợt hồi phục theo phiên nhưng nhiều khả năng xu thế giảm sẽ tiếp tục lấn át.

BVSC bảo lưu quan điểm thận trọng và khuyến nghị các nhà đầu tư nên tuân thủ nguyên tắc không bắt đáy khi giá mới phá hỗ trợ và có thể bước sang giai đoạn sụt giảm mạnh hơn.

 

Dấu hiệu đảo chiều ngắn hạn trong 1 số phiên sắp tới

(CTCK Woori CBV)

Sự suy giảm mạnh mẽ ở cả 2 sàn, khi  đóng cửa chỉ số VN-Index giảm 5,89 điểm (1,36  %) xuống 428,08 điểm trong khi HNX-Index giảm 1,49 điểm (2,03%) xuống 72,09 điểm.  

Trái với diễn biến khá tích cực phiên 28/9, khi phiên 29/9 số mã giảm giá lại áp đảo trở lại số mã tăng giá. Áp lực bán diễn ra khá mạnh mẽ.

Điểm nổi bật trong phiên giao dịch ngày 29/9 chính là sự chuyển nhượng hơn 11 triệu cổ phiếu STB ở khớp lệnh thỏa thuận, khiến thanh khoản sàn HOSE gia tăng mạnh. Mã IJC rung lắc khá mạnh sau một thời gian tăng giá.

Như đã đề cập, tín hiệu bắt đáy ngắn hạn vẫn chưa xuất hiện ở phiên 28/9. Tuy nhiên,  đối với đồ thị giá VN-Index thì chỉ số STO, MACD vẫn phát ra tín hiệu tích cực về mặt ngắn hạn, cảnh báo sự đảo chiều ngắn hạn trong 1 số phiên sắp tới. Theo quan điểm của chúng tôi, tín hiệu này bắt đầu từ sự gia tăng mạnh trở lại và đồng thuận ở cả 2 sàn chứng khoán.

Chờ đợi tín hiệu hồi phục chắc chắn từ thị trường để tham gia bắt đáy ngắn hạn là 1 sự lựa chọn hợp lý. Đối với những nhà đầu tư trung hạn nếu như HNX-Index xuyên thủng mốc 72 điểm nên cutloss để hạn chế thua lỗ đến mức tối đa.

 

Chu kỳ giảm điểm vẫn chưa  kết thúc

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Nối tiếp đà giảm của phiên trước, phiên giao dịch 29/9 ghi nhận thêm một bước lùi sâu của VN-Index.  Lực bán ồ ạt hơn được thể hiện thông qua khối lượng khớp lệnh tăng đột biến 53% so với phiên trước, biên độ giá được kéo dài thêm. Điểm lại 4 phiên qua, khối lượng liên tiếp gia tăng khi thị trường mất điểm, điều này dẫn đến một lo ngại cho sự hồi phục trở lại của chỉ số này. Lượng cung bất ngờ đổ mạnh, tin rằng đà giảm vẫn còn tiếp diễn trong những phiên tới, tuy nhiên có thể kỳ vọng lượng bán ra sẽ không quá mạnh.

Tình hình vĩ mô vẫn chưa có tín hiệu tích cực, nỗ lực giảm lãi suất về 14% vẫn đang được NHNN chỉ đạo, theo đó lãi suất không kỳ hạn là 6%/năm và tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm. Sự quan tâm lớn nhất của NĐT hiện nay là diễn biến tỷ giá và áp lực lạm phát tiếp tục  tăng vào cuối năm, khiến sự hồi phục của các ngành kinh tế càng thêm nhiều trở ngại.

Tâm lý bi quan về thị trường một lần nữa lại được nhấn mạnh hơn. Chu kỳ giảm điểm vẫn chưa  kết thúc. Dự đoán trong những phiên tới lực bán vẫn chiếm ưu thế nhưng không quá mạnh. NĐT theo trường phái cẩn trọng tiếp tục theo dõi quan sát, đối với NĐT chịu đựng mức rủi ro cao hơn, nên có chiến lược mua từng phần, theo đó là mức cắt lỗ cũng được xác định trước.

 

Trạng thái giằng co của thị trường chưa chấm dứt

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Sắc đỏ đã trở lại đồng loạt chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 29/9, chốt phiên cả HNX và VN-Index đều ghi nhận mức giảm khá sâu. Diễn biến giao dịch khá tiêu cực khi áp lực bán được tăng lên mạnh ngay từ đầu phiên, đặc biệt là ở một số ít những cổ phiếu tăng nóng gần đây, trong khi đó tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ làm cho thị trường nhanh chóng đổ dốc. Về đến cuối phiên, sau khi giảm sâu, lực cầu bắt đáy xuất hiện mới giúp bầu không khí ảm đạm trên hai sàn được cải thiện đôi chút, tốc độ giao dịch cũng như tính thanh khoản theo đó cũng tăng lên đáng kể, tuy nhiên trước áp lực cung lớn thị trường đã không thể hồi phục.

Theo chúng tôi, sau khi phản ứng tích cực trước quyết định hạ lãi suất của NHNN hồi đầu tháng 9, hiện tại thị trường đang thiên về sự thận trọng và dè dặt với trạng thái chờ đợi những tín hiệu hay thay đổi mới hơn từ phía vĩ mô, đặc biệt đáng chú ý là về vấn đề tỷ giá. Như vậy, trong phiên giao dịch cuối tuần này, trạng thái giằng co của thị trường có thể sẽ chưa chấm dứt, nhiều khả năng xu hướng đi ngang với biên độ hẹp sẽ là xu hướng chủ đạo.

 

Tiếp tục diễn biến giằng co

(CTCK Trí Việt - TVSC)

VN-Index và HNX-Index rơi khỏi 430 và 73 điểm trong phiên giao dịch 29/9 với KLGD tăng đột biến dường như là tín hiệu cảnh báo về việc xu thế bán xuống chiếm ưu thế trên thị trường.

Mặc dù cung bán tăng mạnh nhưng cầu mua cũng tăng theo và giúp cho nhiều cổ phiếu giảm mạnh nhưng không đến nỗi rơi vào cảnh bán tháo. Diễn biến này có thể dẫn đến sự giằng co trong những phiên tới trong khả năng test lại vùng 73 điểm (mức hỗ trợ quan trọng đã trở thành mức cản mạnh sau phiên 29/9).

Nếu thị trường có một đợt bán mạnh trải qua một vài ngày thì một sự phục hồi sẽ sớm đến ở đầu tháng 10/2011. Trong trường hợp giằng co thì mức hỗ trợ tiếp theo cho HNX-Index là vùng quanh 71 điểm và sẽ còn phải quan sát nhiều để đánh giá về xu hướng của thị trường sắp tới.

 

Nên đứng ngoài và theo dõi thị trường

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giảm điểm trên cả hai sàn. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 1,36%, xuống còn 428,08. Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 2,03% và đóng cửa tại mức 72,09. Thanh khoản của cả hai sàn chứng kiến một phiên tăng mạnh, với tổng giá trị giao dịch đạt 1.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy xu hướng bán ra của nhà đầu tư đang tăng mạnh.

Đáng chú ý, NHNN vừa mới ban hành Thông tư 30/2011/TT-NHNN quy định về trần lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động áp dụng cho không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng sẽ là 6%. Việc đưa trần lãi suất trở về đúng 14% sẽ làm cho việc huy động trở nên khó khăn hơn do mức lãi suất này không thực sự hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Kết quả là nhà đầu tư sẽ chuyển qua những kênh đầu tư khác như cổ phiếu và vàng.

Vàng thế giới đã có một phiên giảm mạnh sáng 29/9, xuống còn 1.580 đô la Mỹ/ounce, do nhà đầu tư thế giới bán vàng ra đễ tăng dự trữ tiền mặt. Trong nước, vàng vẫn được niêm yết trên 44 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới từ 3,7 triệu đồng - 4 triệu đồng/lượng do nhà đầu tư trong nước tiếp tục đầu cơ vào vàng.

Nhà đầu tư thế giới tiếp tục rút ra khỏi thị trường Việt Nam với giá trị bán ròng đạt 5,17 tỷ đồng. VIC tiếp tục là mã bị bán ròng nhiều nhất, đạt 51,8 tỷ đồng giá trị bán ròng. Ngược lại, mã IJC lại thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho giá trị mua ròng của mã này lên tới 41,2 tỷ đồng. Trong những phiên tới, tình hình căng thẳng của thị trường tài chính thế giới có thể làm cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam.

Về mặt phân tích kỹ thuật, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index có khả năng rơi về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 415 và 71. Nhà đầu tư nên đứng ngoài và theo dõi thị trường để lựa chọn thời điểm hợp lý.

 

Nên tiếp tục đứng ngoài quan sát

(CTCK FPT - FPTS)

Nối tiếp đà suy giảm ngắn hạn, chỉ số VN-Index tiếp tục thoái lui sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tại 430 điểm.

Mặc dù chưa xuất hiện sự hoảng loạn trong tâm lý đầu tư nhưng lệnh bán bắt đầu trở nên quyết liệt và dứt khoát hơn do nhà đầu tư cầm cổ đã trở nên thiếu kiên nhẫn. Cổ phiếu bị bán ra mạnh, lượng cung áp đảo trong khi sức cầu yếu và rải rác khiến cho thị trường giảm điểm trong suốt phiên giao dịch. Điểm tích cực duy nhất trong phiên này phải kể đến sự gia tăng đột biến của giao dịch thỏa thuận với 11,78 triệu cổ phiếu STB được chuyển nhượng khiến thanh khoản toàn thị trường tăng cao.

Với ngưỡng hỗ trợ 430 điểm bị phá vỡ, xu hướng giảm điểm ngắn hạn vẫn đang được củng cố và duy trì khá mạnh mẽ. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dòng tiền suy giảm, nhiều khả năng ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index tại mức 425 điểm sẽ khó có thể kìm hãm được đà giảm điểm của thị trường.

Tâm lý thận trọng dò xét của nhà đầu tư hiện nay cùng với diễn biến phức tạp của giá vàng sẽ là những lực cản chính của thị trường trong nỗ lực tăng điểm trở lại.

Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, FPTS cho rằng, sự hỗ trợ hiệu quả hơn có thể tác động đến VN-Index sẽ xuất hiện ở khu vực 415 – 420 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường trong những phiên giao dịch tới.

 

Thị trường sẽ tiếp tục giảm

(CTCK VNDirect - VND)

Thị trường xác nhận sự sụt giảm mạnh mà chúng tôi đã nhận định trong các bản tin trước. Nhiều mã lớn của cả hai sàn tạo đáy mới, mốc 50% của Fibonacci cũng không đủ mạnh để hỗ trợ index.

Khối lượng giao dịch ngày 29/9 bắt đầu tăng cho thấy những nỗ lực bắt đáy đã xuất hiện, nhưng lực bán vẫn tỏ ra khá quyết liệt, đẩy các cổ phiếu lớn về mức giảm sâu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm thị trường sẽ tiếp tục giảm và sẽ tìm đến điểm cân bằng xung quanh khu vực 69 - 71 mới có thể giải quyết xong nhịp điều chỉnh. Sự xuất hiện của phiên tăng điểm chỉ được tính là chỉ là những phiên phục hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm điểm, chưa thể khẳng định thị trường sẽ tích cực trở lại.
Việc giải ngân giai đoạn này sẽ đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản rất cao. Nhà đầu tư nên thận trọng qua sát thị trường và tham khảo các bản tin tiếp theo để có các quyết định đầu tư hợp lý.

 

Tín hiệu mua vào vẫn chưa xuất hiện

(CTCK Mirae Asset)

Áp lực bán gia tăng khi thị trường không giữ được mốc 430 khiến HOSE nhanh chóng lao dốc trong nữa đầu thời gian giao dịch. Điểm đáng ghi nhận là lực cầu mua bắt đáy khi VN-Index 420 ở giữa giờ giao dịch. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy nhanh chóng suy giảm trước áp lực bán mạnh. Độ rộng thị trường qua đó sụt giảm mạnh với A/D= 0,36. Thanh khoản gia tăng đột biến với mức tăng hơn 75% nhờ vào lực cầu bắt đáy. Đóng cửa, VN-Index giảm 5,89 điểm (-1,36%) xuống mốc 428,08 điểm.

Khối lượng giao dịch gia tăng đột biến trong phiên giảm điểm, dường như là dấu hiệu của một đợt “khởi nghĩa” không thành công. Kênh giá giảm nhỏ vẫn đang có hiệu lực. Các tín hiệu kỹ thuật vẫn cảnh báo sự tiêu cực.

VN-Index vẫn đang nhận được hỗ trợ từ SMA100 và Fibo Retracement 50%. Hỗ trợ tiếp theo và quan trọng nhất là SMA 50 và Fibo Retracement 61,8%. Phiên cuối tuần khá quan trọng khi nằm trên Fibo Time Zones 8 ngày - mốc quan trọng, kể từ đỉnh ngày 14/09.

Thị trường đang đi vào vùng hỗ trợ mạnh. Tuy vậy, tín hiệu mua vào vẫn chưa xuất hiện. Và NĐT ngắn hạn nên giữ tỷ trọng tiền mặt cao trong hiện tại.