
Xuất khẩu tôm, cá tra, gỗ đang phụ thuộc vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Ba kịch bản thuế quan và dự báo tác động
Ngày 9/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng lên các nền kinh tế có hoạt động thương mại với Mỹ trong thời hạn 90 ngày. Sau ngày 9/7, chính sách thuế đối ứng mới sẽ được quyết định. Đây là câu chuyện được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
“Việt Nam vẫn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Do đó, các kịch bản thuế quan với hàng hóa Việt Nam có thể sẽ thay đổi khi các căng thẳng đang hạ nhiệt. Chúng tôi lạc quan hơn với kết quả đàm phán, vì Mỹ vẫn đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng bán lẻ, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tăng chậm trong tháng 6 và có nguy cơ sụt giảm trong nửa cuối năm 2025 do áp lực thuế quan từ Mỹ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.
Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%). Triển vọng nửa cuối năm 2025 của hai ngành hàng chủ lực này phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ngành cá tra lạc quan hơn khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây sẽ là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.
VASEP dự báo, nếu thuế đối ứng sau ngày 9/7 là 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể giảm còn 9,5 tỷ USD, thấp hơn 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Mỹ.
Trường hợp mức thuế hơn 10%, xuất khẩu có nguy cơ giảm sâu, còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Mỹ khi đó sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp.
Trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia - các quốc gia có thuế thấp hơn - sẽ gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU, ASEAN, nhưng khả năng bù đắp có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 426 - 430 tỷ USD, tăng khoảng 15,5 - 15,8% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 215 - 217 tỷ USD, tăng 13,8 - 14%. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 ở mức 12%, đạt khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này vẫn khả thi nếu duy trì được đà tăng trong nửa cuối năm. Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng và tính bền vững trong chuỗi cung ứng.
Chủ động “bỏ trứng vào nhiều giỏ”
Ngành dệt may, da giày chịu tác động tiêu cực từ thuế quan, song sức cạnh tranh nhìn chung vẫn cao.
Sau gần 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp đã tự tin hơn nhờ chủ động ứng biến. Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 4.073 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm. Hiện Công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý IV/2025.
“Có nhiều thông tin về mức thuế đối ứng sản phẩm dệt may, nhưng chúng tôi tự tin có thể thích ứng và dự báo kết quả kinh doanh 2025 tăng trưởng cao. TNG vẫn xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang Nga, Đông Âu, thậm chí cả Mỹ. Đồng thời, Công ty cử đoàn sang làm việc với khách hàng mới, tập trung vào nhóm mua trực tiếp, không qua trung gian để cải thiện biên lợi nhuận”, ông Đào Đức Thanh, người công bố thông tin TNG chia sẻ.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho hay, doanh nghiệp đã tiếp nhận đơn hàng cho quý III/2025, tương đương gần 80% kế hoạch doanh thu và đang chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý IV. Trong tháng 5/2025, cơ cấu thị trường của TCM gồm châu Á chiếm 59,47% (Nhật Bản 16,53%, Hàn Quốc 14,47%, Việt Nam 12,95%, Trung Quốc 8,25%), châu Mỹ chiếm 35,4% (Mỹ 19,67%, Canada 15,57%), châu Âu chiếm 5,2% (UK 4,78%).
Trước biến động kinh tế thế giới và chính sách thuế quan Mỹ, TCM tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu sang EU, CPTPP, Trung Đông, Nam Mỹ… để bù đắp thiếu hụt đơn hàng từ Mỹ. Công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao, đồng thời tăng năng suất, tối ưu chi phí và phát triển thị trường nội địa.
Một doanh nghiệp dệt may khác cho biết, đang tập trung tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, giảm giá thành, giảm áp lực giảm giá từ khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, sử dụng vải trong nước, bông Mỹ và tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường.
Trong lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, một trong những “từ khoá” mà VASEP muốn truyền đạt với hội viên và cộng đồng doanh nghiệp là “chủ động và thích ứng”. Doanh nghiệp cần chủ động trước biến động thị trường, quy định, cung cầu, để kịp thời thay đổi chiến lược, nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm phù hợp với từng phân khúc và thị trường khác nhau.
“Doanh nghiệp cần sẵn sàng cho mọi kịch bản, cả tốt và xấu. Không nên bỏ trứng vào một giỏ mà phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Ngoài Mỹ, EU, chúng ta nên chú trọng thị trường ASEAN - thị trường rất quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam”, bà Hằng chia sẻ.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong thời gian chờ kết quả đàm phán, các doanh nghiệp gỗ đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang Úc, Trung Đông, New Zealand nhằm tránh rủi ro. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu vào các thị trường mới còn khiêm tốn, chưa đủ bù đắp nếu thiếu hụt đơn hàng từ Mỹ.
Hiện Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và thứ 2 (sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao. Ngành gỗ chịu nhiều ảnh hưởng từ biện pháp thuế quan của các nước và đây là lúc cần nhìn lại thị trường nội khối ASEAN.
“Trong ASEAN, nếu cùng hài hòa hóa và tăng cường hỗ trợ chính sách, các nước có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Hoài nói.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng với kịch bản thuế đối ứng mới của Mỹ sau ngày 9/7. Trong tình huống xấu nhất, họ sẽ chia sẻ áp lực với khách hàng, chấp nhận giảm giá để giữ chân khách hàng.