Sự cạnh tranh trên thị trường xây lắp thể hiện rõ khi biên lợi nhuận của nhiều công ty xây dựng giảm rõ rệt trong quý I/2019 và xu thế này vẫn tiếp tục trong quý II.
Do áp lực về việc làm, chi phí nhân sự, lãi vay ngân hàng… nên không ít nhà thầu sẵn sàng hạ giá đấu thầu xuống mức rất thấp, thậm chí chấp nhận thua lỗ để có nguồn tiền duy trì hoạt động của công ty trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Mạnh Dũng, một nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản cho biết, “tiền nào của ấy”. Ngay cả khi cùng một nhà thầu mà dự án này thi công chất lượng tốt, dự án khác lại không ổn. Chủ đầu tư ép giá mà không biết cách giám sát quản lý chất lượng chặt chẽ thì chất lượng thi công không như mong muốn. Nếu thuê bên thứ ba giám sát lại phát sinh chi phí. Chi phí thầu hợp lý thì chủ đầu tư có thể yên tâm về chất lượng, vì nhà thầu có cam kết rất cao và tự giác.
“Hầu hết các dự án tôi chọn mua, có thể chủ đầu tư khác nhau nhưng có xu hướng chọn một nhà thầu tên tuổi, tạo cảm giác yên tâm. Khi bạn nhận nhà, bắt tay vào làm nội thất mới cảm nhận được giá trị của thi công, thiết kế, chẳng hạn việc di chuyển đường chờ máy lạnh, vị trí lắp đèn, lớp sơn trát tường cũng là vấn đề giúp chủ nhà tiết kiệm chi phí đầu tư. Có những căn hộ phải đập tường, tô trát lại”, anh Dũng chia sẻ.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư, khách hàng hiện nay chọn mua căn hộ, bất động sản khi nhìn vào tổ hợp thiết kế, tư vấn, xây dựng, hay chỉ cần xem mặt tổng thầu thiết kế và xây dựng để xem mức độ chịu chơi của nhà đầu tư. Trên thực tế, chi phí xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị căn hộ, bất động sản và công tác xây dựng là yếu tố quyết định chính trong việc hình thành sản phẩm bất động sản, nhà ở đạt chất lượng.
Trong số 12 doanh nghiệp niêm yết có quỹ đất lớn nhất thì một nửa số đó là chủ đầu tư ở phân khúc trung và cao cấp như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Khang Điền, Phát Đạt đều chọn các nhà thầu tên tuổi là Coteccons hay Hòa Bình làm đối tác. Nam Long trước kia tự xây các dự án quy mô nhỏ, nhưng khi triển khai khu phức hợp, khu đô thị cũng chuyển sang thuê nhà thầu lớn. Khang Điền khi bước sang lĩnh vực nhà ở cao tầng cũng chọn Hòa Bình làm đối tác thầu thiết kế và thi công dự án đầu tay.
Những tên tuổi chủ đầu tư đình đám hiện nay, khi mới ra mắt thị trường cũng chọn một nhà thầu làm bàn đạp để chiếm niềm tin của khách hàng. Đơn cử, chủ đầu tư chuỗi dự án Masteri khi bước chân vào thị trường năm 2014 với dự án Masteri Thảo Điền không chỉ chọn Coteccons là nhà thầu thiết kế thi công, mà còn để nhà thầu này mua sỉ một nửa tòa tháp T4 đẹp nhất dự án.
Chủ đầu tư An Gia lại chọn Ricons (công ty có vốn góp của Coteccons) để hợp tác, mà không cần đấu thầu. Sau một số dự án ban đầu, hai đối tác này còn hợp tác sâu hơn là cùng góp vốn đầu tư dự án. Trong những thương vụ gắn bó chặt chẽ như thế thì chủ đầu tư hoàn toàn yên tâm về chất lượng để tập trung vào bán hàng và dịch vụ hậu mãi.
Những bài học thực tế trên thị trường đặt ra bài toán cho các chủ đầu tư nên chọn ưu tiên chọn giá hay chọn giá trị gia tăng mà nhà thầu uy tín và tên tuổi có thể đem lại cho dự án và khách hàng.