Chống tham nhũng môi trường: bắt đầu từ đâu?

Chống tham nhũng môi trường: bắt đầu từ đâu?

(ĐTCK) Chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm minh bạch hoá nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai khoáng, bởi không kiểm soát đượcsản lượng khai thác, trong khi chưa có khung pháp lý quy định các tiêu chí định giá mỏ.

“Tham nhũng môi trường từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đang là vấn đề chưa có giải pháp khắc phục. Để an toàn về môi trường, khai thác khoáng sản luôn đòi hỏi chi phí cao hơn cho môi trường, làm cho việc khai thác không có hiệu quả kinh tế, hoặc hiệu quả thấp. Đây là lý do chủ yếu để các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí bảo vệ môi trường”. Đó là phát biểu của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi “Tọa đàm chính sách: Vai trò của các sáng kiến minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Phân tích những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tham nhũng môi trường, ông Võ cho biết có hai yếu tố.

Thứ nhất, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường mới dừng lại ở đánh giá định tính, chứ chưa thể khẳng định rõ ràng về tác động và hiệu quả của giải pháp. Việc đánh giá định tính dẫn tới thu thuế hiện chỉ dựa vào kê khai của doanh nghiệp, mà không kiểm soát được sản lượng khai thác trên thực tế.

Thứ hai, tại Việt Nam chưa có dịch vụ hay khung pháp lý nào quy định các tiêu chí định giá mỏ, dẫn tới sai lệch về giá thành khoáng sản.

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Thanh Bái (Hội Hóa học Việt Nam) lấy dẫn chứng loại khoáng sản dưới đáy biển đang được khai thác mạnh hiện nay là quặng ilmenit ở khu vực ven biển từ Nghệ An tới Bình Thuận để xuất khẩu thô, với sản lượng bình quân 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, các đánh giá tác động môi trường hay cam kết chưa thể phân tích hết tầm hoạt động và tầm tác động.

Để giảm thiểu tham nhũng môi trường, Sáng kiến Minh bạch ngành khai khoáng (EITI) đang được Bộ Công thương nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam, kỳ vọng thúc đẩy minh bạch hoá nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Tuy vậy, điều kiện đặt ra cho quá trình thực hiện EITI được giám sát bởi các thành viên từ Chính phủ, các công ty và xã hội dân sự trong nước lại khiến nhiều đại biểu tham gia buổi tọa đàm không kỳ vọng nhiều vào việc áp dụng sáng kiến này.

Nghiên cứu thí điểm của Viện Tư vấn phát triển (CODE) với khai thác quặng titan ở miền Trung cho thấy, các doanh nghiệp hưởng 49 - 53% nguồn thu từ khoáng sản, Nhà nước chỉ hưởng 34% qua thuế, phí nhưng phải tái đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, môi trường, an sinh xã hội; người dân chỉ hưởng 13%, chủ yếu từ công lao động.

Trong cơ cấu nộp thuế và phí của ngành khai khoáng hiện nay, thì các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu chiếm 30%, còn lại là thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, thuế sử dụng đất hay mặt nước, chi phí cho xã hội... Mặc dù vậy, thông tin về các khoản thuế và phí này hiện rất thiếu minh bạch. Do đó, việc tìm giải pháp hữu hiệu chống tham nhũng môi trường  vẫn đang là bài toàn còn bỏ ngỏ.

Tin bài liên quan