Chống suy thoái kinh tế như chống giặc

Chống suy thoái kinh tế như chống giặc

0:00 / 0:00
0:00
Một phương châm hành động mới để phục hồi, phát triển kinh tế đã bắt đầu được xây dựng và quán triệt tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày hôm qua (2/7).

Đó là “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.

Đây là phương châm hành động mới, cần thiết và vô cùng quan trọng trong lúc này, bởi nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức vô cùng lớn. Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thậm chí đã phải dùng đến cụm từ “nghiêm trọng” và “khẩn cấp” khi nói về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Thực sự là “nghiêm trọng” và “khẩn cấp” khi tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36%, còn tăng trưởng GDP 6 tháng là 1,81%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là chỉ báo cho thấy, năm nay, tăng trưởng kinh tế không dễ để đạt được con số kỳ vọng là 5%, thậm chí là 4%.

Vấn đề nằm ở chỗ, kéo theo tăng trưởng kinh tế thấp sẽ là việc làm, là an sinh xã hội, là nợ xấu, là doanh nghiệp “chết” hàng loạt, là ảnh hưởng lớn đến thành quả phát triển của đất nước những năm gần đây, là cần nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế, là có thể bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển đất nước…

Khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Phương châm ấy đã được quán triệt tới từng người dân, từng doanh nghiệp và tới toàn hệ thống chính trị. Nhờ đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, nên tới thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Trên bình diện khác, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm, thì có thể coi kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là một thành công trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế.  Tuy vậy, “cán cân” của nhiệm vụ này đang bị lệch. Nền kinh tế đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn và sẽ còn tiếp tục khó khăn gấp bội, khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, nên khó có thể “thoát ly” được tình hình thế giới.

Trong bối cảnh như vậy, cần quyết tâm cao hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, hành động nhanh hơn để thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế. Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn nhiều quốc gia, khi chúng ta đã và đang khống chế thành công Covid-19.

Nhưng nói như thế không có nghĩa, chúng ta được phép chủ quan. Thành công trong phòng chống Covid-19 đã khiến không ít người nảy sinh tâm lý “bình chân như vại”, thậm chí, còn có cảm tưởng như “Covid-19 chưa từng qua đây”.

Khi đã chủ quan thì dễ quên mất rằng, Covid-19 có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Một số nước đã bắt đầu bùng phát dịch lần thứ hai. Đó là thực tế có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Nếu chủ quan thì sẽ không nhận thức được đúng mức những vấn đề nghiêm trọng và khẩn cấp của nền kinh tế.

Chính vì vậy, cùng với việc đề ra các biện pháp để chống suy giảm kinh tế, thì biện pháp quan trọng trước tiên chính là “xốc” lại tinh thần, làm sao để cả hệ thống chính trị tiếp tục đoàn kết một lòng, quyết tâm cao hơn, phối hợp chặt chẽ hơn triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn, lẫn trung và dài hạn. Trong bối cảnh ấy, phương châm hành động “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Một khi thành công với “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” giống như “chống dịch như chống giặc”, thì chúng ta sẽ có thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19.

Tin bài liên quan