Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Ủy ban đang chỉ đạo Sở GDCK TP. HCM (HOSE) khẩn trương khắc phục tình trạng này.
Doanh nghiệp vốn to, cổ phiếu giao dịch nhỏ
Nhiều DN có vốn điều lệ lớn niêm yết trên HOSE như: GAS, PVD, DPM…, nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng rất thấp. Đây là lý do khiến chỉ số VN-Index phản ánh “méo mó” diễn biến của thị trường. Hiện trạng này không mới, nhưng với cú lao dốc của thị trường vào cuối năm 2014, do chịu tác động mạnh của giá dầu thế giới giảm, cũng như những rủi ro mới mà thị trường phải đối mặt, đang khiến giới đầu tư bức xúc.
Ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ các công ty quản lý quỹ, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), đơn vị đang quản lý Quỹ VF1 cho biết, giá trị danh mục của Quỹ VF1 tới tháng 11/2014 tăng 27%, nhưng khi thị trường đối mặt với thông tin giá dầu thế giới giảm vào cuối năm 2014, đã lấy đi 20% mức tăng trưởng của Quỹ vào thời điểm cuối năm ngoái. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cách tính VN-Index không ổn, do dựa trên vốn điều lệ của các công ty.
Theo ông Tân, để khắc phục tình trạng này, không chỉ cần sửa sự bất ổn của nhóm cổ phiếu dầu khí, mà còn cần sửa tổng thể hơn theo cách tính chỉ số trên thế giới, tránh cho thị trường phải gánh chịu những tác động thái quá trong tương lai.
“Nếu tiếp tục duy trì cách tính VN-Index không theo thông lệ quốc tế như hiện tại, thì tình trạng chỉ số này phản ánh méo mó thị trường sẽ không được khắc phục. Khi đó, ngành quản lý quỹ là đối tượng chịu tác động tiêu cực đầu tiên”, ông Tân nói.
Chủ tịch UBCK Vũ Bằng nhìn nhận: Hiện trên HOSE, nhiều công ty có vốn điều lệ rất lớn, trong đó không chỉ nhóm DN ngành dầu khí, mà còn nhiều nhóm DN khác, trong khi lượng cổ phiếu có khả năng giao dịch rất nhỏ, nên với cách tính chỉ số hiện nay là dựa trên vốn điều lệ của các công ty, đang làm cho VN-Index phản ánh không chính xác diễn biến thị trường. Thời gian vừa qua, khi nhóm cổ phiếu ngành dầu khí biến động do chịu tác động của giá dầu thế giới giảm, tuy lượng cổ phiếu thực giao dịch của nhóm ngành này rất nhỏ, nhưng do quy mô vốn DN rất lớn, nên đã tác động vào cơ cấu của chỉ số, làm cho VN-Index phản ánh không thực sự chính xác diễn biến thị trường.
UBCK chỉ đạo HOSE sớm khắc phục
“Chúng tôi đã chỉ đạo HOSE cần sớm vào cuộc khắc phục tình trạng bất ổn trong cách tính chỉ số VN-Index. HOSE đã có cuộc họp với các quỹ đầu tư để lên kế hoạch chỉnh sửa cách tính VN-Index”, ông Bằng cho hay.
Thời gian qua, nằm trong nỗ lực nâng hạng cho TTCK Việt Nam, Tổ chức MSCI đã chia sẻ kỹ thuật tính toán chỉ số thị trường theo chuẩn mực quốc tế cho các đối tác Việt Nam. MSCI đã có các thoả thuận thương mại với HOSE trong việc thiết kế các bộ chỉ số, phân ngành theo chuẩn mực quốc tế.
Thực ra, trước năm 2015, chỉ số HNX-Index cũng ở trong trạng thái bất cập tương tự như VN-Index. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBCK, ngay đầu năm nay, HNX đã áp dụng cách tính mới cho HNX-Index. Theo đó, chỉ số này được tính toán trên nguyên tắc giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (tỷ lệ free float) của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên HNX có tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn hơn hoặc bằng 5%. Với cách tính mới, chỉ số HNX-Index phản ánh chính xác hơn diễn biến giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết, loại bỏ ảnh hưởng của những cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn, nhưng tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp.
Ông Bằng cho biết thêm, việc điều chỉnh cách tính VN-Index không chỉ để loại bỏ tình trạng phản ánh không chính xác diễn biến thị trường của nhóm cổ phiếu dầu khí, mà cả với các nhóm cổ phiếu thuộc những ngành khác.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ được UBCK tập trung triển khai trong năm nay là xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK Việt Nam, trong đó bao gồm cả các cổ phiếu trên HOSE và HNX, xây dựng tiêu chí thống nhất tại hai Sở GDCK để phân loại cổ phiếu vào các nhóm ngành theo thông lệ quốc tế. Việc có được các bộ chỉ số chuẩn theo thông lệ quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho phát triển các sản phẩm đầu tư, trước mắt là các quỹ ETF dựa trên các bộ chỉ số này.