Việc sử dụng kênh thanh toán phi tiền mặt giúp giảm thời gian, chi phí, tránh các rủi ro phát sinh liên quan đến sử dụng tiền mặt.
Ngược với sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghệ 4.0, tiền mặt vẫn “ngự trị”, thanh toán bằng tiền mặt vẫn là thói quen ở Việt Nam, gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tham nhũng, gian lận, trốn thuế, rửa tiền… Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết tâm giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống 10% vào năm 2020 và 8% vào năm 2025.
Song đây là mục tiêu khá thách thức, bởi phải giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tới 1,5% trong gần 2 năm tới, trong khi 7 năm qua, cả nước chỉ giảm được 2%. Đặc biệt, ngay các đơn vị công - lẽ ra là các đơn vị tiên phong - cũng còn đang chuyển động khá chậm chạp.
Chẳng hạn theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh phải thực hiện qua ngân hàng, nhưng đến nay, con số này mới đạt trên 50%.
Trên bình diện tổng thể, có lẽ ai cũng hiểu, thanh toán phi tiền mặt rất có lợi cho các bên tham gia và đối với cả nền kinh tế bởi những lý do sau:
Thứ nhất, với nền kinh tế, việc giảm một lượng lớn tiền mặt trong lưu thông sẽ giảm bớt chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách,...
Thứ hai, giảm thanh toán bằng tiền mặt sẽ góp phần làm tăng lưu chuyển tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chu chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Thứ ba, thói quen thanh toán phi tiền mặt sẽ thúc đẩy sự ra đời của các fintech, tăng thêm tiện ích, thuận lợi cho người tiêu dùng, kích thích mua sắm tiêu dùng,thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, giảm thanh toán bằng tiền mặt sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và thu các khoản thuế, phí qua đó tăng tính minh bạch và thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ năm, thanh toán phi tiền mặt qua ngân hàng giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư cho nhân sự, cơ sở vật chất và đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm thời gian thực hiện các dịch vụ công.
Với người dân, doanh nghiệp, việc sử dụng kênh thanh toán phi tiền mặt cũng sẽ giúp giảm thời gian, chi phí, tránh các rủi ro phát sinh liên quan đến sử dụng tiền mặt.
Mang lại nhiều lợi ích, song sở dĩ thanh toán phi tiền mặt chưa phổ biến là bởi người dân còn thói quen dùng tiền mặt và tâm lý ngại thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng chưa mặn mà do chưa được thu phí dịch vụ thanh toán công.
Một số ngân hàng muốn đẩy mạnh dịch vụ “thu hộ”, nhưng lại đòi khách hàng trả phí, khiến người dân và doanh nghiệp còn e ngại.
Ngoài ra, mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt… Những sự cố mất an toàn bảo mật của ngành ngân hàng thời gian qua cũng làm nhiều người lo lắng khi thanh toán phi tiền mặt qua ngân hàng.
Như vậy, để thanh toán tiền mặt không còn là thói quen, để nền kinh tế tiết kiệm được hàng tỷ USD, cần có những giải pháp mạnh.
Theo đó, ngân hàng phải nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán, có cách ứng xử hợp lý với các sự cố mất tiền để đem lại niềm tin cho người dân.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra thường xuyên, rà soát quy trình nội bộ để hạn chế rủi ro đạo đức ngay trong chính ngân hàng. Trong giai đoạn đầu, ngân hàng nên miễn hầu hết các loại phí dịch vụ với dịch vụ công và các dịch vụ thiết yếu khác để tạo thói quen cho người dân. Một khi người dân đã hình thành thói quen thanh toán phi tiền mặt, thì ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng nhiều dịch vụ thu phí khác.
Chính phủ cũng phải có cơ chế khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ công phải tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới từng nhóm người dân khác nhau, giúp họ hiểu thêm về dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Chỉ khi thực hiện các giải pháp đồng bộ, thì thanh toán phi tiền mặt mới trở thành thói quen. Khi đó, ngành ngân hàng mới có thể tiến tới cách mạng 4.0, nền kinh tế cũng sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD. Quan trọng hơn là thanh toán phi tiền mặt sẽ giúp nền kinh tế minh bạch hơn, giúp doanh nghiệp và người dân thêm tin tưởng khi thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ.