Tỷ lệ cổ phần nhà nước đấu giá thành công trong các đợt IPO năm 2015 chỉ đạt 40%

Tỷ lệ cổ phần nhà nước đấu giá thành công trong các đợt IPO năm 2015 chỉ đạt 40%

Chống “ế” IPO, cần cách bán hàng mới

(ĐTCK) Chỉ có hơn 40% lượng cổ phần bán được trong các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2015. Năm nay, với lượng cung lớn từ các đợt IPO, nguy cơ “ế hàng” hiển hiện, nếu không có cách bán hàng mới.

“IPO doanh nghiệp nhà nước chưa theo nguyên tắc thị trường…”

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ lệ cổ phần bán được trong các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước năm 2015 chỉ đạt hơn 40%. Tỷ lệ này giảm đáng kể so với mức 69% của năm 2014.

IPO ế ẩm, ngoài lý do nguồn cung lớn, trong khi dòng tiền không được cải thiện, tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ hậu cổ phần hóa quá lớn, khiến NĐT kém mặn mà, còn có một nguyên nhân chưa được chỉ rõ và phân tích sâu. Đó là cách bán hàng cũ, không còn phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại.

“Hãy hình dung, một món hàng mang ra bán, mà bên bán toàn quyền ấn định giá dựa trên ý muốn chủ quan của họ, trong khi không kịp thời cung cấp thông tin, hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ để bên mua có điều kiện kiểm chứng, thì người mua chê món hàng đó là dễ hiểu…”, Phó tổng giám đốc một CTCK có nhiều kinh nghiệm về tư vấn cổ phần hóa, IPO nhìn nhận.

Chưa hết, theo một chuyên gia tư vấn quốc tế, không rõ với NĐT trong nước có thái độ ra sao, chứ NĐT nước ngoài khó chấp nhận một thực tế là hiện nay cổ phần trong các đợt IPO được bán tại mức giá cao hơn giá sàn, mức giá hoàn toàn do Ban chỉ đạo cổ phần hóa ấn định dựa trên giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Với cách thức xác định giá sàn mang tính chủ quan của bên bán, bên mua không có quyền trả giá (thấp hơn giá sàn) theo luật chơi thị trường là thuận mua, vừa bán, thì cổ phần trong nhiều đợt IPO ế ấm, không thu hút được cổ đông chiến lược tốt là điều không ngạc nhiên.

IPO ế không chỉ làm chậm nỗ lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước ra khỏi các lĩnh vực, ngành mà cổ đông này không cần nắm giữ, mà còn chậm thay đổi chất lượng quản trị tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Nói cách khác, sau IPO, rất nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở “đổi tên”, chứ chưa thay đổi gì đáng kể về quản trị, cung cách làm ăn, đội ngũ nhân sự điều hành. Điều này làm cho mục tiêu quan trọng nhất mà việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hướng đến là “thay máu” doanh nghiệp khó đạt. 

Cách nào chống ế?

Theo ý kiến từ giới đầu tư, cũng như từ một số đơn vị tư vấn cổ phần hóa là để đợt IPO doanh nghiệp nhà nước thành công, cần làm mới 3 điểm cơ bản:

Đầu tiên, cần tăng mạnh tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối, để đảm bảo hậu cổ phần hóa, NĐT có thể làm chủ doanh nghiệp.

Thứ đến, quá trình định giá doanh  nghiệp cần minh bạch thông tin hơn, ban chỉ đạo cổ phần hóa, lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động, cởi mở trong cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của NĐT, để giúp NĐT có thông tin tính toán, định giá doanh nghiệp, từ đó có cơ sở kiểm chứng, đối chiếu với mức giá mà doanh nghiệp đưa ra xem đã hợp lý để NĐT bỏ tiền chưa.

Cuối cùng, việc tổ chức bán cổ phần trong các đợt IPO không nên quá trông chờ vào phương pháp bán đấu giá, mà nên tính toán áp dụng phương pháp dựng sổ (book building). Với ưu thế của phương pháp này là đo lường sớm được số lượng cổ phần mà NĐT dự kiến mua trong đợt IPO, với khoảng giá là bao nhiêu, sẽ thuận hơn trong tìm kiếm NĐT chiến lược. Từ đó, tăng khả năng bán được nhiều cổ phần, với mức giá cao hơn so với cách bán đấu giá rộng rãi ra công chúng.

“Thực ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã nhiều lần báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép nghiên cứu áp dụng phương pháp dựng sổ, nhằm đa dạng cách thoái vốn nhà nước, góp phần tăng khả năng thành công cho các đợt IPO cả về lượng và chất, nhưng đến nay, phương pháp này chưa được triển khai do tâm lý e ngại không minh bạch như đấu giá công khai…”, một lãnh đạo UBCK nói và cho biết thêm, việc xây dựng quy định pháp lý chặt chẽ cùng với tổ chức triển khai minh bạch, tăng cường các kênh giám sát, việc triển khai bán cổ phần qua phương pháp dựng sổ sẽ đảm bảo minh bạch, đạt hiệu quả cao.

Còn nhớ, ngay từ năm 2012, tại Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong phần cải tiến phương thức định giá và chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng: áp dụng phương pháp dựng sổ cho các tổ chức chào mua chuyên nghiệp đồng thời với phương thức đấu giá cổ phần hóa…

Đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng phương pháp dựng sổ vẫn chưa được áp dụng. Điều này cần sớm được khắc phục trong năm nay, nếu muốn tạo đột phá trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.                

Tin bài liên quan