“Chọn mặt gửi tiền” - khẩu vị của NĐT lớn

“Chọn mặt gửi tiền” - khẩu vị của NĐT lớn

(ĐTCK) Trong khi nhiều NĐT nội địa canh cánh nỗi lo mất tiền “oan”, thì các NĐT tổ chức nước ngoài hiện nay vẫn “ăn ngon ngủ yên”.

Ngày càng có thêm CTCK gặp sự cố về thanh toán bù trừ, mất khả năng thanh toán, không đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính… và từ đó đang hình thành xu hướng dịch chuyển khách hàng lớn nội địa từ các CTCK nhỏ sang các địa chỉ uy tín hơn. Tuy nhiên, các tay chơi lớn người nước ngoài vẫn đủng đỉnh ngoài cuộc.

NĐT nội thay đổi khẩu vị

Trong một buổi “training” cho các nhân viên môi giới mới đây của CTCK Maybank-KimEng (MBKE), vị hướng dẫn người nước ngoài đã đặt ra một tình huống cắc cớ: “Một cổ phiếu penny mà doanh nghiệp vừa có công bố báo cáo tài chính quý III lỗ nặng. Bất chấp điều này, cổ phiếu vẫn tăng trần. Nếu khách hàng hỏi có nên tham gia cuộc đua giá hay không thì broker phải tư vấn thế nào?”. Câu hỏi thú vị đã dấy lên một cuộc tranh luận nhỏ giữa những người có mặt.

“Chọn mặt gửi tiền” - khẩu vị của NĐT lớn ảnh 1

Trong khi nhiều CTCK nhỏ phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa, thì nhiều công ty lớn, với chiến lược phù hợp vẫn vững bước và đang tiến đến tầm cao mới

Chờ các ý kiến lắng xuống, người hướng dẫn mới đưa ra quan điểm của mình: “Một broker chuyên nghiệp không quyết định thay cho khách hàng, mà tùy thuộc vào đối tượng khách hàng sẽ đưa ra tư vấn. Trong trường hợp này, nếu khách hàng đầu tư mạo hiểm thì có thể tham gia, nhưng cương quyết bán ngay sau thời gian T+3, bất kể lãi lỗ. Ngược lại, nếu thận trọng thì nên đứng ngoài. Broker chuyên nghiệp không nên quá cầu toàn khiến khách hàng bỏ lỡ cơ hội. Ngược lại, phải chủ động kiểm soát được rủi ro, hạn chế sự thiệt hại của khách hàng ở mức thấp nhất”.

Sau khi đổi tên và công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới, MBKE đang tổ chức lại nhiều khóa đào tạo cho broker. Hoạt động chính thức vào giữa năm 2008, đây là CTCK đầu tiên mà NĐT nước ngoài nắm 49% vốn điều lệ. Sau một năm hoạt động, CTCK này gây ngạc nhiên khi ghi tên mình vào danh sách 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại HOSE. Hiện tượng ngựa ô này sau đó được giải mã bằng việc nhập khẩu một mô hình môi giới đầy tính cạnh tranh từ Tập đoàn KimEng Holding “mẹ” lúc đó: chia sẻ hoa hồng giữa công ty và môi giới; cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng giao dịch; quản lý tiền gửi NĐT tách bạch tại ngân hàng, nhấn mạnh đến quản trị rủi ro…

MBKE không phải là CTCK tiên phong thực hiện mô hình trên, nhưng việc triển khai đồng bộ đã giúp Công ty gặt hái thành công khi đa phần các CTCK nội địa bị dội gáo nước lạnh từ cuộc khủng hoảng năm 2008 khi men say chứng khoán năm 2006 - 2007 vẫn còn ngây ngất. Nhưng đầu năm 2009, các CTCK có máu mặt trên thị trường bắt đầu quan tâm đến mở rộng thị phần môi giới. Họ nhận ra đây là con đường ngắn nhất để tạo dựng “thương hiệu” cho CTCK khi giới đầu tư bắt đầu lạc vào một mê hồn trận có đến cả trăm nhà cung cấp dịch vụ na ná nhau. Giai đoạn này, các CTCK đua ngầm với nhau trên diện rộng với đủ mọi chiêu thức, vừa công khai vừa bí mật, để câu kéo khách hàng, đặc biệt là NĐT VIP, nhằm mở rộng thị phần. Trong số các chiêu thức đó, có thể kể đến: hỗ trợ tài chính cho NĐT mua cổ phiếu với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao; ưu đãi các loại phí cho khách hàng VIP; cung cấp gói sản phẩm giao dịch kỳ hạn T+n; cho khách hàng bán cổ phiếu ngày T+1, T+2, T+3 trong khi quy định lúc ấy vẫn là T+4; lập các phòng ban đặc biệt chăm sóc khách hàng VIP theo nhóm, broker cung cấp thông tin “đánh đấm” độc quyền “sưu tầm” được trên thị trường; “bán khống” kiểu Việt Nam theo cách cho phép khách hàng vay mượn cổ phiếu để bán, nẫng tay trên nhau các môi giới giỏi nhất…

“Chọn mặt gửi tiền” - khẩu vị của NĐT lớn ảnh 2

Tuy nhiên, cuộc đua thị phần bạo phát bao nhiêu thì cũng bạo tàn bấy nhiêu. Sau giai đoạn phục hồi năm 2009, TTCK Việt Nam vẫn đi xuống trong chuỗi ngày dài. Tất cả các mặt trái được phơi bày: broker và khách hàng cùng đầu tư đến hồi thua lỗ đã phát sinh nhiều trường hợp kiện cáo. Có trường hợp thượng đế mất tiền tỷ, có trường hợp broker vướng vòng lao lý. Việc khuếch đại giá trị giao dịch bằng đòn bẩy tài chính cao khiến mỗi đợt thị trường điều chỉnh lành mạnh hay chiếc van tín dụng xoay chiều thì thảm họa “thủy triều đỏ” lại nhấn chìm thị trường: chứng khoán giảm giá buộc CTCK phải bán ra cổ phiếu để thu hồi vốn và càng khiến thị trường giảm thêm, vòng xoáy giải chấp mới lại xuất hiện, thị trường rơi nhanh hơn, rủi ro cục bộ thành rủi ro hệ thống. Đa phần NĐT sử dụng đòn bẩy mất tiền, một số trắng tay. Ngoài mất vốn, CTCK còn mất luôn khách hàng.

Đó là câu chuyện trên thị trường giai đoạn 2009 - 2011. Tuy nhiên, đáng mừng là hiện nay, nhận thức của giới đầu tư đã thay đổi đáng kể. Vài năm trước, khi lựa chọn CTCK giao dịch, NĐT quan tâm lớn nhất là tỷ lệ đòn bẩy, phí ưu đãi, mối quan hệ giữa khách hàng và cá nhân broker, khả năng cung cấp các thông tin “đánh đấm”. Còn hiện nay, suy nghĩ của khách hàng đã khác. Khi broker mời NĐT lớn về mở tài khoản thì giờ họ thận trọng thăm dò xem CTCK có vốn điều lệ bao nhiêu, có tách bạch tiền gửi của NĐT không; Công ty có nợ xấu không…? Sau đó mới đề cập đến đòn bẩy, phí giao dịch. Hiện tại, các khách hàng lớn thích đến giao dịch tại các CTCK có thương hiệu, uy tín. Họ có nhiều tiền nên phải tìm địa chỉ an toàn.

“Chọn mặt gửi tiền” - khẩu vị của NĐT lớn ảnh 3

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt nhận xét, sau sự sụp đổ và tình trạng mất thanh khoản của một số CTCK nhỏ, tình trạng đáng báo động về hoạt động mang tính chộp giật của nhiều CTCK, các NĐT còn bám trụ thị trường có xu hướng mở tài khoản giao dịch ở các CTCK nằm trong Top 5, Top 10 về thị phần môi giới.

“Bây giờ, khách hàng thích chọn CTCK làm ăn thực sự bài bản, tình hình tài chính ổn định. Khách VIP thường có giao dịch lớn, nên sau các sự cố đáng báo động đỏ vừa qua, họ chú trọng vào đơn vị cung cấp dịch vụ tốt hơn là các ưu đãi về phí”, bà Quỳnh nói.

 

Tổ chức nước ngoài… bình chân như vại

Trong khi đó, theo khảo sát của ĐTCK, các NĐT tổ chức nước ngoài hiện nay vẫn “ăn ngon ngủ yên”, không canh cánh nỗi lo mất tiền “oan” như nhiều NĐT nội địa. Đơn giản là vì tiền và cổ phiếu của NĐT nước ngoài hoàn toàn do ngân hàng lưu ký quản lý. 13 năm nay, chưa từng có sự cố đáng nói nào xảy ra.

Giám đốc một quỹ đầu tư Nhật cho biết, thương hiệu của một CTCK là nhân tố quyết định cho các quỹ đầu tư của ông chọn mặt gửi vàng. Ngoài ra, CTCK phải có khả năng cung cấp các dịch vụ gia tăng như các báo cáo phân tích chuyên sâu về các vấn đề vĩ mô và doanh nghiệp, tổ chức kết nối các chuyến thăm viếng công ty. Những cái tên như CTCK SSI, CTCK HSC, CTCK Bản Việt, CTCK Thiên Việt… đáp ứng được tiêu chí này.

Tuy nhiên, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho biết, một quỹ đầu tư lớn như VinaCapital hàng ngày nhận được đủ loại báo cáo từ các CTCK và có thể gõ cửa nhiều doanh nghiệp lớn, nên các dịch vụ gia tăng như trên không phải là yếu tố quyết định.

“Đơn vị cung cấp dịch vụ phải là các nhà môi giới đích thực. Tức là nếu chúng tôi muốn bán cổ phiếu thì họ phải có khả năng kết nối với người mua. Ngược lại, nếu chúng tôi muốn mua thì họ phải tìm ra người có nhu cầu bán nhanh chóng”, ông Andy Ho nói về việc VinaCapital chọn CTCK.

Một xu hướng khác là quỹ đầu tư sẽ mua đến tỷ lệ cổ phần tương đối ở một CTCK và biến CTCK thành đơn vị cung cấp dịch vụ môi giới cho quỹ. Chẳng hạn, Tập đoàn quản lý tài sản khá lớn của Hàn Quốc Mirea Asset góp vốn vào CTCK Mirea Asset, Quỹ Indochina Capital Việt Nam trước khi giải thể vốn cổ phần tại CTCK Mekong.

Về xu hướng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới, ông Robert Zielinski, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của CTCK Bản Việt, người đã có kinh nghiệm tại nhiều thị trường tài chính khẳng định: “Đó là sự trung thực của nhà cung cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp của broker. Vì có thể, trên TTCK, người ta không mua chứng khoán. Đơn giải chỉ là chứng khoán được bán cho họ”.