Các diễn giả tại  Hội nghị đánh giá TTCK Việt Nam khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

Các diễn giả tại Hội nghị đánh giá TTCK Việt Nam khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

Chọn kênh đầu tư nào năm 2016?

(ĐTCK) Các diễn giả tại Hội nghị đầu tư “Thị trường chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?”cho rằng, chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) rẻ hơn so với các thị trường trong khu vực, định giá các doanh nghiệp Việt Nam không quá đắt và nền kinh tế ổn định giúp TTCK Việt Nam khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. 

Trong năm 2016, lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhất sẽ là chế tạo, bất động sản, cơ sở hạ tầng.

Dự báo TTCK đầu năm 2016

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành Bộ phận nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, nửa cuối năm 2015, TTCK giao dịch trong một biên độ hẹp giữa 510 - 650 điểm.

Nguyên nhân chính là khoảng cách giữa cung tiền (đã tăng khoảng 17-19%/năm trong nhiều năm trước) và tăng trưởng tín dụng (giai đoạn 2012 - 2014 tăng khoảng 12%/năm) đã rất gần nhau.

Theo ông Fiachra, cung tiền giống như “nguồn xăng” cơ bản đổ vào để vận hành tất cả các hoạt động kinh tế và tăng trưởng tín dụng thể hiện một phần nguồn cung tiền được các nhà băng trực tiếp đổ vào hoạt động công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và cung tiền gọi là thanh khoản tự do, bình thường vào khoảng 2-3%. Thanh khoản tự do này chính là nguồn sẵn có, có thể được đầu tư vào TTCK, thị trường trái phiếu và các loại tài sản khác. Trong nền kinh tế bình thường, khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và cung tiền khá nhỏ.

Trong giai đoạn 2012 - 2014, khoảng cách này rộng bất thường và theo ông Fiachra Mac Cana,  đó là lý do vì sao TTCK trong giai đoạn đó tăng trưởng rất tốt, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá chậm. Hiện tại, ông Fiachra  cho rằng, Việt Nam đang diễn ra điều ngược lại, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi theo chu kỳ tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt, lĩnh vực xây dựng được cải thiện, một phần nhờ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, một phần do cải thiện thị trường bất động sản dân dụng. Tuy nhiên, cung tiền đã tăng ở tốc độ chậm hơn một chút mỗi năm so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. 

Ông Fiachra Mac Cana cho rằng, mức cung tiền hiện tại cũng phản ánh một phần nỗi lo về giá trị tiền đồng. Trong bối cảnh này, TTCK dường như đang bị nghẽn. Với việc khoảng cách giữa cung tiền và tăng trưởng tín dụng đang rất gần nhau, TTCK không thể tìm kiếm được nguồn thanh khoản từ nội địa để có thể vượt qua ngưỡng kháng cự 650 điểm. Đồng nghĩa với việc, TTCK đang bị phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn nước ngoài, để có thể vượt qua ngưỡng kháng cự và tiến lên đỉnh mới.

Vậy làm gì để thu hút NĐT nước ngoài đầu tư vào TTCK nhiều hơn? Theo ông Fiachra, giải pháp là trực tiếp mở room hoặc phát hành chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR).

Ông Fiachra chia sẻ, là một nhà môi giới chứng khoán, ông biết có một lượng đủ lớn các NĐT nước ngoài luôn tìm mua cổ phiếu trên thị trường. Những người này có thể đầu tư vào thị trường với hàng trăm triệu USD trong một lần.

Chẳng hạn, biết tin có thể năm sau Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn khỏi Vinamilk thông qua đấu giá, ông đã nghiên cứu và tin rằng, có thể tập hợp sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài với số vốn lên đến 1 tỷ USD. Điều này cho thấy, vấn đề không phải là một NĐT yêu thích thị trường Việt Nam như thế nào, mà thực tế là họ sẵn sàng đầu tư và xem đầu tư vào Việt Nam là một khoản đầu tư hợp lý.

Với những nhận định trên, cộng thêm sự tiến triển của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, ông Fiachra nhận định, thị trường vẫn giao dịch trong khoảng hẹp đến mức 650 điểm trong vòng nửa đầu năm tới, nhưng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016 và vượt khỏi kháng cự một phần nhờ vào dòng vốn nước ngoài, cũng như việc gia tăng mạnh mẽ niềm tin của hầu hết các nhà đầu tư nội vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. 

Năm 2016, chọn đầu tư bất động sản, chế tạo, cơ sở hạ tầng

Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu của các DN chế tạo, bất động sản, cơ sở hạ tầng sẽ là những lĩnh vực được quan tâm nhất. Đáng chú ý, xu hướng của năm ngoái là sự tăng trưởng nhanh chóng số lượng công ty Việt Nam quay trở lại với khu vực nông nghiệp.

“Việt Nam là một nước xuất khẩu rất lớn các sản phẩm nông sản thô, nhưng giờ đây đã có nhiều sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là điểm thú vị đối với nền kinh tế cũng như TTCK trong một vài năm tới. Ngành ngân hàng đã có hoạt động tốt trong năm 2015, nửa đầu năm 2016, cổ phiếu ngân hàng sẽ khó tăng mạnh như nửa cuối năm nay, thay vào đó có thể có sự điều chỉnh”, ông Fiachra nói.

Trong lĩnh vực bất động sản, Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam chia sẻ, 2-3 năm tới, thị trường sẽ rất tốt, giá thuê văn phòng dự kiến tăng, tỷ lệ lấp đầy tăng 3-5% trong năm 2016, 10-15% năm 2017. Bất động sản đang có rất nhiều cơ hội, nhất là với nhà đầu tư ngoại. Thêm vào đó, thị trường văn phòng sẽ có tiềm năng lớn, nhất là tại TP. HCM.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn so với khu vực. Nếu như nhu cầu mỗi năm ở Singapore khoảng 20.000 căn hộ, Thái Lan 50.000 căn thì Việt Nam lên đến 100.000 căn.

Sau thời gian thăng trầm của thị trường, hiện nay các nhà đầu tư rất thận trọng với lĩnh vực này. Các sản phẩm giá trị cao như căn hộ triệu đô trở lên ít và những ai đầu tư vào đây thực tế là mua cơ hội tài chính chứ không phải vì nhu cầu thật. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài hiện không đầu tư trực tiếp vào sản phẩm là căn hộ hay đất, mà đầu tư vào chính doanh nghiệp bất động sản đang ăn nên làm ra, thông qua việc mua sở hữu cổ phần tại các DN này.            

Đã đến lúc hãm tăng trưởng tín dụng?


Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại diện Trường Harvard Kennedy tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2009-2010, tại Việt Nam, tín dụng trực tiếp cho sản xuất, bao gồm cả công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, vận tải, viễn thông chiếm 65%. Hiện tại, tỷ trọng này giảm còn 55%; 45% còn lại chảy vào lĩnh vực phi sản xuất. Phần lớn tăng trưởng tín dụng được dùng cho khu vực này.

Ông Thành cho rằng, đây là dấu hiệu đáng quan ngại. Thứ nhất, trong bối cảnh GDP tăng trưởng 6,5% với lạm phát thấp, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng cao (9 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng khoảng 10,78% so với đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái), đã đến lúc nên phanh lại. Thứ hai, có sự mất cân đối giữa tín dụng dành cho hoạt động chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến đã được cải thiện nhưng tín dụng trong khu vực này chỉ tăng 5%, nếu vẫn duy trì con số này, có thể trong năm 2016 tốc độ cải thiện sẽ giảm. 

Bên cạnh đó, ông Thành cho biết, trước đây, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp là tương đương, nhưng thời gian qua, nhìn vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, tiền gửi doanh nghiệp tăng chậm, trong khi lượng tiền gửi của người dân rất lớn. Điều này cho thấy, mặc dù hoạt động khởi sắc hơn, nhưng sức khoẻ tài chính của khối doanh nghiệp cải thiện không đáng kể. 
Tin bài liên quan