Chọn động lực “chất” cho tăng trưởng kinh tế

Chọn động lực “chất” cho tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK) Hàng loạt câu hỏi về động lực cho tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây. 

Điều này cho thấy, việc nhận diện và tháo gỡ được những nút thắt trong tăng trưởng, cũng như tìm kiếm động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới ngày càng trở nên bức thiết, nhất là khi các nguồn lực truyền thống đang hết dần dư địa.

Nhận diện điểm nghẽn

Đánh giá cao những cải thiện tích cực thời gian gần đây của nền kinh tế vĩ mô, tuy nhiên GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thẳng thắn chỉ rõ bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn tới.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra những cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn cho nền kinh tế. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới”, GS Thuấn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh này, vấn đề cấp thiết là nhận diện được những nút thắt, điểm nghẽn để từ đó tìm kiếm, xác định động lực thực sự cho tăng trưởng trong giai đoạn tới. Theo GS Thuấn, nếu coi động lực cần tìm kiếm là 3 nhân tố vốn, lao động và công nghệ, thì cần phải giải quyết được một loạt câu hỏi và vấn đề đặt ra.

Cụ thể, đối với yếu tố vốn, phải tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đang bị ách tắc, thúc đẩy dòng vốn tư nhân với vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng, tư duy và thiết kế lại chính sách thu hút FDI để hấp dẫn các dự án có chất lượng, kết nối được khu vực kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời tháo gỡ được những ách tắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Với yếu tố công nghệ và lao động, cần có các giải pháp tháo bỏ nút thắt, rào cản để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và cải tiến công nghệ; thúc đẩy thị trường lao động hoạt động hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đóng góp thêm cho quan điểm này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhìn nhận, các bất cập hiện hữu trong cơ cấu nền kinh tế chính là những nút thắt lớn cản trở tăng trưởng, trong đó có thể kể tới như chênh lệnh giữa GDP và tổng thu nhập quốc dân GNI ngày càng cao; cấu trúc doanh nghiệp có vấn đề; mô hình tăng trưởng dựa vào ngành thu nhập thấp quá lâu, chuyển dịch chậm; tính chuyên nghiệp của thiết kế bộ máy không cao; thiếu tư duy thị trường… 

Do đó, theo ông Thiên, để tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn mới, không nên tập trung vào số lượng để đạt chỉ tiêu GDP từng năm, mà phải đẩy mạnh tái cơ cấu thể chế. Tức là cần nhìn nhận lại vấn đề tư duy về tăng trưởng theo hướng tập trung vào chất, thay vì nghiêng về lượng để từ đó chọn động lực thực sự có “chất”, tạo đột phá cho tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Tái cơ cấu nguồn lực hiện hữu hay tìm kiếm động lực mới?

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào 3 trụ cột quan trọng, bao gồm thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. 

Theo ông Lịch, thay vì mất công đi tìm động lực mới, nên tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột đã đề ra.

“Nếu thể chế tốt, bộ máy tốt và đặc biệt là kết cấu hạ tầng tốt, chúng ta sẽ làm tốt. Cần tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, gắn với đó là thúc đẩy kinh tế đô thị, coi đây là động lực thời gian tới. Điều này không khác gì xây móng vững cho ngôi nhà. Việc tập trung xây nền móng chắc chắn sẽ giúp tăng trưởng kinh tế dài hạn, không cần tìm động lực mới. Song cái khó là cần giải được bài toán kép đặt ra là làm sao vừa đạt tăng trưởng cao, vừa đảm bảo chất lượng trong dài hạn”, ông Lịch nói.

Nhìn nhận mấu chốt đột phá cho tăng trưởng ở vấn đề thể chế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, thời gian qua, với sự nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện tương đối tốt, đặc biệt là việc các bộ ngành tích cực rà soát, bãi bỏ điều kiện kinh doanh sau nhiều lần doanh nghiệp kiến nghị. Tuy nhiên đây mới chỉ là sự chuyển dịch bước đầu.

“Chính phủ cần theo dõi, gây áp lực hành chính mạnh mẽ để các bộ ngành bãi bỏ ít nhất một nửa điều kiện kinh doanh đang có. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kết nối các thủ tục hành chính lên cổng thông tin điện tử quốc gia và tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia, việc hoàn thiện thế chế và cải thiện môi trường kinh doanh cần đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đảm bảo công bằng giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đặc biệt hướng tới thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển để phát huy nguồn lực tiềm tàng từ khu vực này.

Mọi nỗ lực cải cách phải đồng bộ từ trên xuống dưới, không thể chỉ Chính phủ cố gắng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, trong khi địa phương tìm cách giữ lại điều kiện kinh doanh để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tuy không phải là động lực mới, song được đánh giá là một trong những động lực bền vững cho tăng trưởng dài hạn. Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, ưu thế nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam đang giảm dần. Vì vậy, Việt Nam nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng tới phương pháp giáo dục. Theo đó, sự vươn lên mạnh mẽ của Hàn Quốc nhờ tập trung phát triển nguồn nhân lực có thể trở thành bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cho rằng, câu chuyện đặt ra không chỉ là tái cơ cấu và cải cách các nguồn lực hiện hữu, mà còn bao hàm cả tìm kiếm động lực mới trong thời đại mới, nhất là trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đang khiến thế giới thay đổi ngày càng rõ ràng.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, muốn phát triển nhanh, bền vững, cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

“Động lực tăng trưởng chính tập trung vào điều gì? Nông nghiệp hay du lịch? Chọn nhiều trọng tâm, trọng điểm sẽ lại thành chiến lược "quả mít". Chính phủ muốn lắng nghe đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam như thế nào và góc nhìn từ phía doanh nghiệp ra sao. Chúng tôi muốn chia sẻ, lắng nghe về dòng vốn FDI và trong nước, kết nối chuỗi giá trị để gắn kết doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI, tránh rủi ro 2 nền kinh tế trong 1 quốc gia”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý.

Thị trường vốn phải là một "lực sĩ cử tạ"

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Thách thức của Việt Nam hiện nay là dân số già nhanh hơn các nền kinh tế khác ở châu Á. Vì vậy, nhìn nhận động lực tăng trưởng trong 20 - 30 năm tới, để Việt Nam vươn lên tầm cao mới, cần coi đào tạo lao động trẻ là vấn đề vô cùng quan trọng.

Theo đó, Việt Nam cần nâng khả năng tiếp cận giáo dục, đảm bảo chất lượng bậc trung học, đại học và nhất là hệ thống đào tạo nghề. Lực lượng lao động trẻ cần được cung cấp kĩ năng để thích ứng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, phải có sự điều chỉnh thị trường vốn, giúp các ngân hàng có thể tăng vốn một cách lành mạnh, cũng như xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu đang tồn tại hiện nay. Đồng thời, cần thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ và nhất là trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thị trường vốn phát triển.

Bằng cách nào đó, trong 5 năm tới, thị trường vốn phải là một lực sĩ cử tạ, gánh được trọng lượng lớn thông qua các chương trình như tái cơ cấu ngân hàng. Để làm được điều này, các chương trình hành động ngành ngân hàng phải được thúc đẩy ngay từ bây giờ.

Tin bài liên quan