Bà Rachel Freeman

Bà Rachel Freeman

Cho vay: Đừng nhìn vào BĐS thế chấp

(ĐTCK) Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Chương trình đào tạo quốc tế về cho vay có tài sản bảo đảm (TSBĐ) là động sản.

Bà Rachel Freeman, Giám đốc Chương trình Tư vấn Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, IFC đã có cuộc trao đổi với ĐTCK xung quanh vấn đề này.

Theo bà, hệ thống luật pháp và hạ tầng tài chính của Việt Nam đã sẵn sàng với việc cho vay có TSBĐ là động sản?

Tôi nghĩ rằng, các quy định pháp luật về cho vay TSBĐ dựa trên động sản ở Việt Nam hiện đã khá hoàn chỉnh để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Hạ tầng tài chính cũng đã được tăng cường đáng kể với việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trực tuyến từ nhiều năm trước đây. Nhìn vào hệ thống đăng ký trực tuyến này, chúng ta có thể biết rằng, khoản vay dựa trên động sản đang diễn biến như thế nào.

 

Điều gì có thể thúc đẩy cho vay có TSBĐ là động sản phát triển, thưa bà?

Môi trường cho vay có TSBĐ là động sản đã được thiết lập và bước tiếp theo là vận động các ngân hàng cho vay thực sự. Hiện nay, việc cho vay này chưa được đẩy mạnh vì các ngân hàng không biết đến sự tồn tại của hệ thống giao dịch trực tuyến và cũng không biết hình thức này hỗ trợ tốt hơn đối với việc cho vay như thế nào. Do đó, điều quan trọng là phải để các ngân hàng biết đến hệ thống này và tư vấn cho họ đẩy mạnh việc cho vay dựa trên động sản. Chúng tôi đã từng tham gia hỗ trợ rất sâu quá trình tăng cường nhận thức về hệ thống giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc và cùng với thời gian, việc cho vay có TSBĐ là động sản đã diễn ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc này không diễn ra một cách tự động, mà chúng ta cần hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều để họ biết cách tận dụng hệ thống này đối với việc cho vay. Do vậy, đây là bước tiếp theo để cho vay có TSBĐ là động sản phát triển. Một trong những lĩnh vực mà cho vay dựa trên động sản sẽ phát huy tốt nhất chính là nông nghiệp. Thông thường, người nông dân rất khó khăn trong việc xin cấp giấy xác nhận quyền sở hữu đất đai, nên việc tiếp cận tín dụng sử dụng tài sản thế chấp là bất động sản là không khả thi đối với người nông dân. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam , mà còn ở nhiều quốc gia khác. Khi người nông dân có thể sử dụng những kho hàng khi vào vụ mùa làm tài sản thế chấp thì việc cho vay dựa trên động sản trong nông nghiệp sẽ được phát huy. Đặc biệt, do nông nghiệp là lĩnh vực trọng yếu ở Việt Nam , nên chúng tôi nhìn thấy mối quan hệ mật thiết giữa lĩnh vực nông nghiệp và cho vay động sản.

 

Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu cao, bà có nghĩ các ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho vay có TSBĐ là động sản?

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ khó đòi tăng cao là bởi các ngân hàng chủ yếu cho vay dựa trên bất động sản. Khi bất động sản đã tăng giá suốt thời gian dài, mọi người đều nghĩ rằng giá cả sẽ chỉ có tăng, nhưng khi bất động sản giảm giá thì tỷ lệ nợ khó đòi tăng cao đột biến. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần phối hợp nhiều cách để giải quyết khủng hoảng nợ khó đòi này. Để giải quyết tình trạng này, điều quan trọng là các ngân hàng phải thực hiện thông lệ quản trị rủi ro thật tốt. Trong đó, việc bổ nhiệm các chuyên viên giỏi, độc lập về quản trị rủi ro là bước đi đầu tiên.

Một lĩnh vực nữa IFC hỗ trợ các ngân hàng là giúp họ đa dạng hóa danh mục tài sản thế chấp và chúng tôi cho rằng, việc cho vay dựa trên TSBĐ là động sản có tác dụng giúp đa dạng hóa danh mục rất tốt. Bên cạnh đó, IFC còn hỗ trợ Việt Nam nâng cao môi trường pháp lý về phá sản để giải quyết các tranh chấp. Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án thường tốn rất nhiều thời gian, do vậy việc xây dựng cơ chế ngoài tòa án giải quyết các tranh chấp là điều rất cấp thiết. Thiếu cơ chế này, cuộc khủng hoảng nợ khó đòi sẽ còn tiếp diễn. IFC đang hỗ trợ cả ba hợp phần này ở Việt Nam .

 

Theo bà, để có thể đẩy mạnh cho vay TSBĐ dựa vào động sản, các ngân hàng phải làm gì?

Bước đầu tiên, cần phải nâng cao nhận thức rằng, tài sản thế chấp không chỉ là bất động sản. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác, khi ngân hàng chỉ cảm thấy thoải mái khi cho vay có tài sản thế chấp là bất động sản và ưu tiên cho vay theo hình thức này. Điều cần phải làm là chỉ ra cho ngân hàng thấy những điểm tích cực và những ví dụ tốt của việc cho vay có TSBĐ là động sản.

Bước thứ hai là về phía DN. Một xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia là vì nhiều lý do khác nhau, DN không sẵn sàng báo cáo một cách đầy đủ, toàn diện về hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, nếu Chính phủ có thể cải thiện môi trường pháp lý cho DN về thuế, quản trị… thì DN có thể thực hiện báo cáo tài chính rõ ràng, giúp việc cho vay thuận lợi hơn.

 

Làm thế nào các ngân hàng giảm được rủi ro của việc cho vay dựa trên TSBĐ là động sản, thưa bà?

Điều cốt yếu là phải biết cách theo dõi và quản lý tài sản thế chấp. Cho vay dựa trên TSBĐ là động sản chỉ có thể đạt hiệu quả tốt nếu các ngân hàng biết cách chủ động giám sát các tài sản thế chấp. Nếu bạn không chủ động hoặc không thiết lập được các quy trình quản lý tài sản thế chấp thì việc cho vay sẽ rủi ro.

 

Vậy IFC hiện có những hỗ trợ gì đẩy mạnh cho vay bảo đảm là động sản ở Việt Nam ?

Chúng tôi đã và đang triển khai dự án hỗ trợ Chính phủ đẩy mạnh cho vay có TSBĐ là động sản. Trước hết, IFC tiếp tục hỗ trợ để nâng cao môi trường pháp lý cho hoạt động của hệ thống giao dịch đảm bảo đạt chất lượng quốc tế. Thứ hai là đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về cho vay dựa trên động sản để nâng cao sự sẵn sàng của các ngân hàng đối với hình thức này. Thứ ba, IFC đang làm việc trực tiếp với các ngân hàng để phát triển danh mục cho vay dựa trên động sản. Chúng tôi cũng đang tập trung hỗ trợ các ngân hàng và các bên liên quan khác trên thị trường để thúc đẩy niềm tin về việc cho vay có TSBĐ là động sản.