Cho vay chứng khoán nhìn từ vụ việc tại ACB

Cho vay chứng khoán nhìn từ vụ việc tại ACB

(ĐTCK) Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và ông Nguyễn Tuấn Anh. Ngân hàng đã kháng cáo bản án sơ thẩm do không được quyền xử lý tài sản đảm bảo của bên thứ ba. 

Cầm cố cổ phiếu vay 200 tỷ đồng

Theo đó, năm 2012, hai bên ký 2 hợp đồng tín dụng với mục đích vay mua chứng khoán đã niêm yết là cổ phiếu EIB. Hợp đồng thứ nhất ký ngày 29/2/2012, ngân hàng cấp hạn mức 100 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng. Hợp đồng thứ hai ký ngày 16/7/2012, hạn mức 100 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho khoản vay trên, ông Nguyễn Tuấn Anh ký hợp đồng cầm cố số dư tài khoản chính số tiền vay mở tại ACB. Đồng thời, ông Tuấn Anh, ngân hàng và Công ty Chứng khoán ACB ký hợp đồng cầm cố hơn 9,4 triệu cổ phiếu EIB. Trong quá trình thực hiện các hợp đồng, ngân hàng điều chỉnh lãi suất từ 13%/năm xuống 9%/năm và điều chỉnh lịch trả nợ gốc và lãi.

Sau đó, phía khách hàng đã rút tài sản đảm bảo là hơn 9,4 triệu cổ phiếu EIB và bổ sung biện pháp bảo đảm của bên thứ ba là giấy cam kết, chứng thư bảo lãnh của Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B).

Ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thiên Nam và Công ty B&B cùng vợ là bà Đặng Ngọc Lan cũng làm giấy cam kết trả nợ. Ngày 16/7/2012, ông Nguyễn Đức Kiên làm giấy cam kết về việc trả nợ gửi cho ngân hàng với nội dung bảo lãnh cho nghĩa vụ của ông Tuấn Anh là 300 tỷ đồng. Bà Đặng Ngọc Lan đồng ý dùng tài sản để đảm bảo gồm 2 nhà đất tại quận Phú Nhuận và quận 10, TP. HCM.

Do khách hàng không thanh toán đủ nợ gốc và lãi, năm 2018, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án. Ngân hàng cho biết, hợp đồng tín dụng thứ nhất còn nợ lãi trong hạn là 14,4 tỷ đồng, lãi quá hạn là 7,2 tỷ đồng. Hợp đồng tín dụng thứ hai còn nợ gốc là 25,7 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 36,1 tỷ đồng, lãi quá hạn là 8,9 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc ông Tuấn Anh phải thanh toán cho ngân hàng số tiền nợ gốc và lãi là hơn 84 tỷ đồng. Đồng thời bác yêu cầu buộc các bên thứ ba liên đới thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do đó, ngân hàng kháng cáo bản án trên. 

Tranh cãi thứ tự trả nợ

Việc thực hiện các hợp đồng tín dụng diễn ra trong nhiều năm. Năm 2014, ông Tuấn Anh ký cam kết đồng ý thế chấp hơn 9,4 triệu cổ phiếu EIB để trả nợ. Bên được cấp tín dụng là Công ty Thiên Nam và Công ty B&B. Theo đó, ông Tuấn Anh được ưu tiên mua lại hoặc tìm người mua lại tài sản thế chấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ngân hàng thông báo xử lý tài sản thế chấp.

Ngân hàng thông báo cho bà Đặng Ngọc Lan về ý kiến đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu. Ngân hàng đồng ý để ông Tuấn Anh chuyển nhượng cổ phiếu EIB cho các bên mua. Việc giải chấp cổ phiếu được thực hiện theo quy định của pháp luật, tiến độ sang tên chủ sở hữu các bên thỏa thuận với nguyên tắc “toàn bộ giá trị và lợi ích thu được dùng để thanh toán cho các nghĩa vụ của ông Tuấn Anh tại ngân hàng”.

Năm 2015, ông Tuấn Anh đã chuyển nhượng hơn 9,4 triệu cổ phần EIB cho cá nhân khác với giá trị hơn 161 tỷ đồng. Ngân hàng đã nhận trực tiếp số tiền trên và hạch toán vào số nợ của ông Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là Thành viên Hội đồng sáng lập ACB. Năm 2014, ông Kiên bị tuyên án 30 năm tù với 4 tội danh là kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vợ của ông Kiên - bà Đặng Ngọc Lan từng tham gia vào nhiều dự án phát triển và đầu tư quan trọng tại ACB, cũng như nắm giữ vị trí chủ chốt tại ACB và các ngân hàng, doanh nghiệp mà gia đình bà nắm giữ lượng lớn cổ phiếu.    

Đại diện của ông Tuấn Anh cho rằng, bị đơn không rõ cách thức ngân hàng hạch toán số tiền trên. Tuy nhiên, hợp đồng tín dụng quy định, trường hợp xử lý tài sản đảm bảo, việc thu nợ được thực hiện theo thứ tự là nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, phí/các khoản phải trả khác. Như vậy, toàn bộ số tiền 161 tỷ đồng phải được hạch toán vào nợ gốc. Việc ngân hàng hạch toán số tiền 28,8 tỷ đồng thanh toán gồm trả nợ gốc 9,5 tỷ đồng, trả nợ lãi 18,8 tỷ đồng, phạt chậm trả là 439 triệu đồng là không đúng.

Khi giải quyết phúc thẩm, ngân hàng và ông Tuấn Anh thống nhất là thu toàn bộ số tiền nợ bán cổ phiếu trừ vào nợ gốc rồi đến lãi. Như vậy, ông Tuấn Anh còn nợ gốc là 6,4 tỷ đồng, lãi trong hạn 49,8 tỷ đồng, lãi quá hạn 7 tỷ đồng. Tổng cộng 2 hợp đồng là 84,9 tỷ đồng. 

Giấy cam kết có buộc phải công chứng?

Trong đơn khởi kiện, ngân hàng yêu cầu buộc bên thứ ba phải liên đới thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gồm giấy cam kết trả nợ thay của ông Nguyễn Đức Kiên và giấy cam kết của bà Đặng Ngọc Lan cùng chứng thư bảo lãnh của 2 Công ty Thiên Nam và Công ty B&B. Trong quá trình khởi kiện, ngân hàng rút yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của bà Đặng Ngọc Lan.

Theo tòa án sơ thẩm, các cam kết và chứng thư bảo lãnh của Công ty Thiên Nam và Công ty B&B không được Hội đồng quản trị họp và ban hành nghị quyết là vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005, nên không có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm lại cho rằng, các cam kết và chứng thư bảo lãnh do chính người đại diện theo pháp luật của 2 công ty phát hành từ năm 2014. Trong suốt thời gian này, Hội đồng quản trị 2 công ty đều tiến hành các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và công bố các báo cáo tài chính. Như vậy, các thành viên Hội đồng quản trị và người quản lý của 2 công ty này đều biết các nội dung cam kết, nhưng không có ý kiến phản đối.

Mặt khác, tại tòa, ngân hàng thừa nhận, kể từ ngày 31/3/2015 là thời hạn thanh toán hợp đồng tín dụng số 1 và ngày 16/7/2015 là thời hạn thanh toán hợp đồng thứ hai cho đến tháng 6/2018, ngân hàng chưa phát hành thông báo cho ông Nguyễn Đức Kiên để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo các giấy cam kết trả nợ.

Đại diện của ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, 2 giấy cam kết trả nợ chỉ là đề nghị cá nhân ông Kiên gửi cho ngân hàng. Ngân hàng chưa có văn bản chấp thuận với cam kết thanh toán. Hai bên chưa ký kết thỏa thuận hoặc hợp đồng bảo lãnh để đảm bảo cho khoản vay trên.

Theo Điều 3 - Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng thư bảo lãnh không thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm mới phát sinh hiệu lực. Điều 362 - Bộ luật Dân sự 2005 quy định, việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực. Thực tế hiện nay, chưa có quy định yêu cầu giấy cam kết trả nợ phải được công chứng.

Do đó, tòa án phúc thẩm tuyên buộc ông Nguyễn Đức Kiên, Công ty Thiên Nam và Công ty B&B phải chịu trách nhiệm về các cam kết và chứng thư do mình phát hành trong trường hợp ông Tuấn Anh không trả được nợ.

Luật sư Vy Văn Minh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, giấy cam kết nhận nợ là văn bản thể hiện ý chí chủ quan của cá nhân và theo pháp luật không cần công chứng, chứng thực.

Đây là điều tiềm ẩn rủi ro pháp lý đối với ngân hàng khi nhận bảo đảm cho các khoản vay lớn, bởi lẽ người đứng ra nhận nợ thay có thể phủ nhận, từ chối trả nợ thay. Khi đó, ngân hàng buộc phải giải quyết bằng thủ tục tố tụng để cơ quan pháp luật công nhận và buộc bên thứ ba liên đới có trách nhiệm với cam kết của mình. Dù vậy, trên thực tế, bên thứ ba vẫn có thể chây ỳ hoặc che giấu tài sản, viện cớ không có tiền/tài sản để trả nợ thay.

Quá trình tố tụng, ông Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu ngân hàng phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cầm cố tài sản với hành vi không bán sớm 9,4 triệu cổ phiếu EIB vào năm 2012 để thu hồi nợ, khiến ông phải chịu các khoản nợ lãi. Tòa án giành quyền khởi kiện cho ông Tuấn Anh bằng một vụ kiện khác.

Tin bài liên quan