Chờ thêm “điểm nổ” tái cơ cấu

Chờ thêm “điểm nổ” tái cơ cấu

(ĐTCK) Vĩ mô đang chờ ghi nhận thêm những “điểm nổ” trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ba trụ cột nói riêng, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Khi được hỏi ông trông đợi điều gì nhất vào bức tranh kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Tất Thắng chia sẻ, đó là mong đợi có thêm những “điểm nổ” trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là ba trụ cột: DNNN, đầu tư công và hệ thống tài chính - ngân hàng.

Bởi điều này không chỉ góp phần quan trọng mang lại gam màu sáng cho bức tranh vĩ mô trước mắt, mà cả trong dài hạn.

Mới đây, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn đối với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam, thị trường coi đây như một “điểm nổ” của quá trình tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Việc người đứng đầu Chính phủ lần đầu tiên đưa ra quyết định chấm dứt thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đối với hai “ông lớn” trong ngành xây dựng, thể hiện quyết tâm của cơ quan hành pháp cao nhất trong việc sẵn sàng thực thi những quyết sách mang tính đột phá, nhằm mang lại hiệu quả cho nỗ lực tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty. Hiệu quả đó còn có sức lan tỏa ra các trụ cột tái cơ cấu còn lại, dẫu rằng khó tránh khỏi những “phản ứng phụ” không mong muốn.

Để tạo chuyển biến rõ nét hơn trong tái cơ cấu đầu tư công, trong Chỉ thị 27/2012 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai nhiều giải pháp mạnh, nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo đó, từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Đặc biệt, các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

Thủ tướng Chính phủ nhận định, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời đây là một trong những giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Muốn giảm thiểu những tác động không mong muốn, đồng thời có thêm những “điểm nổ” trong quá trình tái cơ cấu, ông Thắng cho rằng, cần thực thi hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần nhất quán phát đi thông điệp, Nhà nước luôn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại ngân hàng. Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Với đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP, cũng như an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn sẽ là bước đệm hữu ích cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Để giảm thiểu khoảng cách từ chuyển động chính sách đến mang lại hiệu quả trên thực tế, rõ ràng vĩ mô đang chờ ghi nhận thêm những “điểm nổ” trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ba trụ cột nói riêng, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.