Rủi ro rình rập
Thực tế thị trường cho thấy, nhà đầu tư phải thường trực đối mặt với rủi ro mất tiền, tài khoản bị “treo” nhiều năm vì những vi phạm của công ty chứng khoán (CTCK) mà không biết kêu ai. Các vụ việc xảy ra ở CTCK Trường Sơn, CTCK Tràng An… là những ví dụ điển hình.
Sai phạm ở CTCK Tràng An bị phát giác cách đây đã 8 năm, nhưng hiện nhiều nhà đầu tư “khóc ròng” vì tài khoản có danh mục chứng khoán, tiền trị giá hàng tỷ đồng nhưng không thể giao dịch vì đang trong diện bị phong tỏa để phục vụ cho quá trình làm rõ sai phạm của Công ty. Sự chậm trễ trong xử lý vi phạm của Công ty kéo dài đến mức khó tin, việc bao giờ mới có hồi kết vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Hệ quả nhãn tiền là nhà đầu tư đối mặt với thiệt hại, nhưng chẳng có cơ chế nào bảo vệ họ.
Một thời để nhớ khi nhà nhà chơi chứng. Ảnh chụp đám đông những nhà đầu tư xếp hàng đặt lệnh tại một buổi đấu giá cổ phiếu vào năm 2006.
Ngoài đối mặt với những rủi ro CTCK vi phạm pháp luật, nhà đầu tư còn đối mặt với những rủi ro CTCK giải thể, phá sản, dừng hoạt động… trong bối cảnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày càng siết các điều kiện hoạt động với CTCK, đồng thời cạnh tranh trong khối công ty này ngày một diễn ra gay gắt. Thêm vào đó, việc nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới có tính rủi ro cao đang được thúc đẩy triển khai như: Chứng quyền có đảm bảo, giao dịch trong ngày…, càng làm tăng rủi ro hoạt động với CTCK. Điều này ở một khía cạnh nào đó cũng làm gia tăng rủi ro với nhà đầu tư.
Những rủi ro trên không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà theo Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) còn diễn ra ở những thị trường phát triển lâu đời trên thế giới. Nguyên nhân là CTCK hay tổ chức tư vấn tài chính có thể lâm vào giải thể, phá sản, dẫn đến làm mất vốn, tài sản của khách hàng. Trong khi đó, nhà nước không có nguồn quỹ để bồi hoàn thiệt hại cho nhà đầu tư, nên khi rủi ro xảy ra với CTCK, nhà đầu tư không có chỗ nào để bám víu.
Hiện nay, nhờ công nghệ nhiều nhà đầu tư có thể giao dịch mà không cần lên sàn
“Thị trường chứng khoán của nhiều nước phát triển trên thế giới đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, hệ thống CTCK có tiềm lực tài chính mạnh nhưng vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Do đó, Việt Nam cần thành lập loại hình công ty này, đáp ứng mong đợi suốt nhiều năm qua của công chúng đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ”, ông Tuấn đề xuất.
Trông đợi sửa luật
Liên quan đến khả năng hình thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư trong việc sửa Luật Chứng khoán lần này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, việc triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đang được thúc đẩy để trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 12/2018), trên cơ sở đó trình Quốc hội thông qua vào năm 2019. Trong lần sửa Luật này có tính đến bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Sàn chứng khoán hiện tại được các công ty xây dựng khang trang, hiện đại
Góp ý cho hướng hình thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, lãnh đạo một CTCK lớn cho rằng, việc hình thành quỹ bảo vệ nhà đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thức đóng góp, điều hành quỹ này như thế nào để quỹ hoạt động đúng mục đích, không gây ra thêm nhiều chi phí cho CTCK.
Hiến kế cho hướng thành lập cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, ông Phùng Anh Tuấn cho hay, Hoa Kỳ thành lập công ty bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, còn thị trường Đài Loan hình thành trung tâm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán. Hay thị trường Hong Kong thành lập công ty đền bù cho nhà đầu tư… Đây là các tổ chức được lập ra để quản lý quỹ bồi thường nhà đầu tư, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư trước những rủi ro giải thể, phá sản CTCK…
Nhưng lên sàn cũng là một thú vui khó bỏ của nhiều người khi đây là nơi gặp gỡ bạn bè, bàn luận tình hình đầu tư...
Từ kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam, ông Tuấn cho rằng, việc hình thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cần định hình rõ quy định pháp lý về: Cách thức thành lập quỹ đền bù bảo vệ nhà đầu tư; có một cơ quan thường trực đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ với các thành viên được các bên có quyền lợi liên quan chỉ định.
Chứng khoán vẫn khẳng định là kênh đầu tư quan trọng trong nền kinh tế
Quỹ bồi thường có nguồn gốc từ đóng góp của các thành viên tham gia thị trường, công ty kinh doanh chứng khoán. Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ tài chính và trợ giúp khi cần thiết.